Sớm chuẩn hóa tài liệu và đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc

GD&TĐ - Chương trình, tài liệu giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) được các cơ sở giáo dục vận dụng linh hoạt để triển khai hiệu quả nhất...

Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).
Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Chương trình, tài liệu giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) được các cơ sở giáo dục vận dụng linh hoạt để triển khai hiệu quả nhất, đặc biệt với ngôn ngữ có sự phân hóa hệ theo vùng miền.

Bảo đảm đủ sách học

Thầy Nguyễn Minh Đạo mong Bộ GD&ĐT đẩy nhanh tiến độ biên soạn SGK các cấp, tài liệu dạy - học để trường phổ thông sớm có bộ tài liệu chính thống. Bộ cũng cần xây dựng thêm, hoặc khuyến khích địa phương dựa vào bộ SGK chung để biên soạn tài liệu phương ngữ ứng với đặc trưng ngôn ngữ mỗi vùng Thái.

Theo ông Phạm Viết Phúc, quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), hiện địa bàn chỉ triển khai dạy tiếng Mông tại 14 trường tiểu học và phổ thông DTBT tiểu học – THCS. Thuận lợi là đã có SGK của Bộ GD&ĐT, cùng đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ. Với học sinh học theo Chương trình GDPT 2018, tiếng Mông là môn học tự chọn. “Tài liệu dạy học phù hợp với giáo viên, học sinh trên địa bàn. Nhà trường mua sách và photo phát cho học sinh nên không mất chi phí, bảo đảm tất cả các em học tiếng Mông đều có tài liệu học tập”, ông Phạm Viết Phúc chia sẻ.

Tại Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo, cho biết, nhà trường vận dụng linh hoạt Khung chương trình tiếng dân tộc Thái theo Chương trình GDPT 2018 để xây dựng Chương trình giáo dục nhà trường. Linh hoạt ở chỗ: Theo quy định, trường THPT dạy trình độ B (sau khi học sinh hoàn thành trình độ A1, A2 ở tiểu học, THCS). Nhưng học sinh nhà trường chưa từng được học tiếng Thái ở cấp học dưới nên không thể dạy trình độ B mà áp dụng trình độ A. Đợi đến khi có lứa học sinh được học bài bản các trình độ A1, A2 vào lớp 10, trường mới có thể dạy chương trình B.

Do yếu tố khách quan, hiện Trường THPT Quan Sơn chưa có SGK tiếng Thái. Với chương trình lớp 10, nhà trường dùng bộ “Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Thái” do UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì biên soạn năm 2014 để dạy học phần ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp.

Dự kiến, chương trình lớp 11 và 12 dùng bộ “Tài liệu bồi dưỡng tiếng Thái” do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì biên soạn cho phần dạy học theo chủ đề. Cả 2 bộ tài liệu đều được Bộ Nội vụ phê duyệt. Từ những tài liệu trên, giáo viên chắt lọc, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Để hỗ trợ kỹ năng viết cho học sinh, nhà trường dùng mẫu vở tập viết do ThS Lò Mai Cương - thành viên Mạng lưới bảo tồn tri thức văn hóa dân tộc Thái thiết kế, chia sẻ.

Trong nhiều năm qua, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cư Huê, Ea Kar, Đắk Lắk) vẫn duy trì dạy tiếng Êđê ở khối lớp 3, lớp 4 và 5. Theo cô Phó Hiệu trưởng H’Bê La Niê, việc dạy học tiếng Êđê được thực hiện theo bộ SGK tiếng Êđê và Chương trình tiếng Êđê cấp tiểu học do Bộ GD&ĐT ban hành. Thuận lợi là nội dung SGK phù hợp với chương trình, mang bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện được phương pháp dạy học mới và phù hợp với học sinh Êđê cấp tiểu học.

Nội dung sách bảo đảm số tiết theo chương trình; bảo đảm tư tưởng chính trị, tính giáo dục, khoa học, phản ánh được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Êđê. SGK, tài liệu phục vụ dạy học được cấp phát hằng năm. Một số công khi kết thúc năm học vào thư viện và sử dụng sách cũ, bảo đảm học sinh có đủ SGK cho năm học sau.

Giảng dạy tiếng Thái tại Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Giảng dạy tiếng Thái tại Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Khắc phục rào cản phân hóa ngôn ngữ

Chia sẻ khó khăn từ thực tế dạy học, thầy Nguyễn Minh Đạo cho biết: Tiếng Thái cũng tồn tại hiện tượng phương ngữ như nhiều ngôn ngữ khác. Ngoài khác biệt trong ngữ âm, từ vựng, tiếng Thái còn có sự phân hóa trong chữ viết, cơ bản chia thành 3 khu vực: Thái Tây Bắc, Thái Thanh Hóa và Thái Nghệ An. Không chỉ nét chữ khác nhau giữa nơi này và nơi khác, mà còn khác nhau giữa nét chữ của người này và người khác. Chữ Thái lưu truyền bằng phương pháp viết tay, dạy - học theo phương thức dân gian, không có trường lớp, không có một mẫu chuẩn nên nét chữ bị “tam sao thất bản”.

Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam được thành lập. Sau nhiều lần tổ chức hội thảo, bộ chữ Thái Tây Bắc được chọn làm bộ chữ chung của 3 vùng Thái, gọi là bộ chữ Thái Việt Nam hoặc chữ Thái thống nhất. Các tài liệu dạy học đều dùng bộ chữ Thái Việt Nam làm chuẩn, từ chữ viết đến dấu thanh.

Rào cản lớn nhất là sự trái ngược thanh điệu - tổ cao, tổ thấp giữa tiếng Thái Thanh Hóa và tiếng Thái Tây Bắc, dẫn đến ngữ âm và ngữ nghĩa khác nhau. Vì thế, khi giảng dạy chữ Thái, giáo viên khắc phục bằng cách dùng bảng chữ cái của bộ chữ Thái Việt Nam, nhưng vận dụng trục thanh điệu của ngữ âm Thanh Hóa. Lợi thế của sự kết hợp này đã được thể hiện trong cuốn “Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Thái” của UBND tỉnh Thanh Hóa (năm 2014).

Tương tự, cô H’Bê La Niê chia sẻ: Tiếng Êđê cũng có sự phân hóa theo vùng miền. Dân tộc Êđê cũng chia làm nhiều nhóm. Trong khi tài liệu dạy học lại được biên soạn theo chuẩn ngôn ngữ nhóm dân tộc Êđê Kpă ở Buôn Ma Thuột, có khác biệt nhất định với tiếng nói của học sinh, phụ huynh bản địa.

Tình huống này, giáo viên thường sử dụng sự hiểu biết của mình để giải thích cho học sinh và vẫn phát âm theo biên soạn SGK làm chuẩn khi đọc, viết. “Nhà trường mong có chương trình SGK phù hợp, vừa sức với học sinh; hướng dẫn cụ thể về dạy tiếng Êđê. Đồng thời cần tạo kho học liệu bài giảng điện tử, SGK điện tử… để giáo viên áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học”, cô H’Bê La Niê bày tỏ.

Một tiết học tiếng DTTS của Trung tâm GDNN - GDTX TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: TTCC

Một tiết học tiếng DTTS của Trung tâm GDNN - GDTX TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: TTCC

Chuẩn bị bài bản trước khi giảng dạy

Trung tâm GDTX hướng nghiệp tỉnh Nghệ An có hơn 10 năm giảng dạy và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Thái, Mông cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang ở tỉnh; riêng tiếng Lào chỉ cấp chứng nhận.

Bà Hoàng Thị Hoài An, Phó Giám đốc Trung tâm GDTX hướng nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết: “Từ năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An giao cho Trung tâm GDTX-HN Nghệ An thực hiện “Đề án bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Thái cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên lực lượng vũ trang đang công tác tại vùng dân tộc miền núi tỉnh Nghệ An”. Mỗi năm, chúng tôi có 8 đến 10 lớp; mỗi lớp có 45 học viên. Đến năm 2017, trước nhu cầu học tiếng dân tộc ở giáo viên, cán bộ quản lý ngành Giáo dục, chúng tôi mở thêm 3 lớp để dạy, mỗi lớp 50 học viên”.

Hiện Trung tâm GDTX hướng nghiệp tỉnh Nghệ An có 7 giáo viên tiếng Thái cơ hữu (tuyển chọn từ 1 giáo viên Lịch sử, 1 giáo viên Ngữ văn và 5 giáo viên tiếng Anh). Đội ngũ này được đào tạo và cấp chứng chỉ bởi Sở GD&ĐT Nghệ An. Ngoài ra, trung tâm có 5 giáo viên dạy tiếng Mông được mời từ các trường tiểu học ở huyện Kỳ Sơn. Đối với tiếng Lào, trung tâm đã mời các lưu học sinh người Lào học chuyên ngành Sư phạm đang học tập chương trình thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Vinh tham gia giảng dạy trực tiếp và giảng viên của ĐH Quốc gia Lào dạy trực tuyến.

Để công tác giảng dạy hiệu quả, hằng năm, tháng từ 7 và 8 Trung tâm GDTX hướng nghiệp tỉnh Nghệ An sẽ xây dựng kế hoạch để trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, các lớp được khai giảng từ tháng 1 của năm tiếp theo. Mỗi khóa học kéo dài 3 đến 5 tháng; học viên sẽ học 300 tiết lý thuyết, 70 tiết thực hành, thực tế.

Cũng theo bà Hoàng Thị Hoài An, Trung tâm GDTX hướng nghiệp tỉnh Nghệ An đang sử dụng ba bộ tài liệu để giảng dạy gồm bộ tiếng Thái Lai Tay, tiếng Thái hệ Lai Pao, tiếng Mông có chữ viết do Bộ Nội vụ chỉ định biên soạn và được UBND tỉnh Nghệ An thẩm định và ban hành vào các năm 2014, 2018, 2020.

Trung tâm GDTX hướng nghiệp tỉnh Nghệ An cho học viên đi tham gia trải nghiệm để thực hành kiến thức mình học được. Ảnh: TTCC

Trung tâm GDTX hướng nghiệp tỉnh Nghệ An cho học viên đi tham gia trải nghiệm để thực hành kiến thức mình học được. Ảnh: TTCC

Với kinh nghiệm nhiều năm triển khai giảng dạy tiếng DTTS, bà Hoài An cho rằng trong Chương trình GDPT 2018, tiếng DTTS là môn học tự chọn, đây cũng là cơ hội để duy trì tiếng DTTS cũng như các nét đẹp của các DTTS khi được đưa vào trường học, tránh bị mai một. Tuy nhiên, các địa phương cần lưu ý, để đáp ứng được chương trình, đội ngũ giáo viên tại các cơ sở phải đào tạo đạt chuẩn.

Tương tự, Trung tâm GDNN – GDTX TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) từ năm 2018 đến nay đã có 1.012 học viên học và được cấp chỉ tiếng DTTS Êđê. Hiện, trung tâm sử dụng giáo trình của Ban Nghiên cứu học sinh dân tộc tỉnh Đắk Lắk để giảng dạy cho học viên.

Ông Hà Ngọc Anh, Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Ngoài giảng dạy lý thuyết, học viên còn đi thực tế, thực hành giao tiếp tại các buôn làng nhằm thành thục kỹ năng nghe - nói, phản ứng nhanh khi giao tiếp. Qua đó, học viên được tìm hiểu văn hóa, bản sắc, phong tục tập quán và cách sử dụng chữ viết Êđê”.

Bên cạnh những thuận lợi, ông Hà Ngọc Anh cũng chỉ ra khó khăn như đội ngũ giáo viên của trung tâm phải mời thỉnh giảng từ các trường dân tộc nội trú, chưa có giáo viên cơ hữu để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Đồng thời, số lượng giáo viên được đào tạo về tiếng dân tộc chưa nhiều. Đặc thù ngành Giáo dục, giáo viên không chỉ biết kiến thức mà phải có phương pháp, nghiệp vụ sư phạm mới được đứng lớp.

Giáo trình hiện nay chưa đồng bộ trên toàn quốc, còn nặng về lý thuyết, nội dung rộng, chưa chú trọng vào phần giao tiếp cho người học, do đó trung tâm mong có sự thống nhất về giáo trình hoặc có một có một bộ tài liệu chuẩn do Bộ GD&ĐT biên soạn và hướng dẫn triển khai.

“Việc kiểm tra, đánh giá nên để trung tâm thực hiện độc lập, có sự giám sát của sở GD&ĐT để giảm thời gian chờ đợi dẫn đến chậm trễ trong việc bổ sung chứng chỉ vào hồ sơ phục vụ công tác chuyên môn cho học viên”, ông Hà Ngọc Anh đề xuất đồng thời lưu ý, cần phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên, trang thiết bị, tài liệu giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh.

Ngày 16/12/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4334/QĐ-BGDĐT, Quyết định số 4335/QĐ-BGDĐT phê duyệt SGK tiếng DTTS lớp 1, lớp 2 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Ngày 19/12/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4382/QĐ-BGDĐT, Quyết định số 4383/QĐ-BGDĐT, phê duyệt tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng DTTS lớp 2, lớp 1 (gồm tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng Bahnar, Chăm, Êđê, Jrai, Khmer, Mông, Mnông, Thái). Mục tiêu đến 2025 sẽ hoàn thành biên soạn SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học cấp tiểu học với 8 tiếng DTTS đã được ban hành chương trình môn học nói trên. Bảo đảm đủ 100% SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học cấp tiểu học đối với 8 tiếng DTTS sau khi biên soạn. Ban hành mới ít nhất 1 chương trình môn học của tiếng DTTS đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.