Các nhà nghiên cứu ở ĐH Minnesota ở Mỹ phối hợp với Hội Khoa học quốc gia đang thử nghiệm dùng suy nghĩ để điều khiển quadcopter (máy bay điều khiển có 4 cánh quạt), thông qua một loại mũ trùm đầu thông minh.
Chiếc mũ có 63 điện cực và được bơm 2 loại gel để giúp nó kết nối trực tiếp với da đầu (không cần phải tiểu phẫu để gắn lên da), từ đó có thể đọc được các suy nghĩ của người thử nghiệm để ra lệnh cho chiếc máy bay.
Việc điều khiển thuần thục một chiếc quadcopter không hề dễ dàng, người thử nghiệm cần tốn ít nhất 20 giờ tập điều khiển loại máy bay này qua phần mềm giả lập, trước khi bay thử nó ngoài đời bằng suy nghĩ.
Người điều khiển sẽ ngồi trước một màn hình hiển thị hình ảnh của chiếc quadcopter thông qua một camera, cho phép nhóm nghiên cứu quan sát quá trình điều khiển. Chiếc máy bay được thiết lập điều khiển thông qua suy nghĩ của người điều khiển.
Người điều khiển sẽ hình dung rằng anh ta đang sử dụng tay phải, tay trái hoặc cả hai tay, người điều khiển sẽ kiểm soát hoạt động của máy bay. Nếu người điều khiển hình dung anh ta đang đưa tay trái lên, thì chiếc máy bay sẽ rẽ sang trái, nếu anh ta hình dung đưa cả hai tay lên thì chiếc máy bay sẽ bay cao hơn.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lần đầu tiên, con người có thể điều khiển một thiết bị bằng suy nghĩ, thông qua tín hiệu của sóng não", ông Bin He nhóm trưởng nhóm nghiên cứu giáo sư đại học Minnesota khoa Khoa Học và Kỹ Thuật cho biết.
Ông ta và các cộng sự có kế hoạch nghiên cứu sâu hơn về sự giao diện kết nối giữa người và máy, để có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho những nạn nhân bại liệt hoặc tàn tật bằng các loại thiết bị có chức năng hỗ trợ.
“Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là điều khiển được một cánh tay robot bằng tín hiệu sóng não”, ông cho biết. “Mục tiêu cuối cùng của tôi là phát triển hệ thống giao diện kết nối giữa người và máy để có thể hỗ trợ cho các bệnh nhân tàn tật và rối loạn thần kinh".
Sở dĩ các nhà nghiên cứu sử dụng quadcopter là vì loại máy bay này có gyroscope (con quay hồi chuyển) và 4 cánh quạt quay độc lập với nhau, giúp nó tự động cân bằng khi bị gió thổi, theo độ nghiêng, nên việc bay thử nghiệm bằng suy nghĩ sẽ chính xác và đạt hiệu quả tốt hơn.
ĐH Minnesota cho biết dự án này nhằm giúp nghiên cứu các thiết bị hỗ trợ cho người tàn/khuyết tật, ví dụ chân/tay máy hoặc bộ đồ có thể điều khiển thông qua suy nghĩ.
Nhóm nghiên cứu đại học Minnesota không phải là nhóm nghiên cứu duy nhất về lĩnh vực não bộ điều khiển bằng hệ thống điện tử. Các nhà khoa học ở đại học Essex cũng đã có nghiên cứu ở trung tâm NASA trong việc tạo ra một giao diện kết nối giữa người và máy có thể được sử dụng trong mô hình mô phỏng tàu vũ trụ.
Nhóm nghiên cứu hi vọng một ngày nào đó có thể sử dụng công nghệ này để hỗ trợ các phi hành gia.