Điêu khắc về những nỗi sợ dị ứng

GD&TĐ -Từ nỗi sợ vì dị ứng với bánh mì, nhà điêu khắc Đỗ Hà Hoài đã biến những thứ dị biệt thành các tác phẩm nghệ thuật.

Nhà điêu khắc Đỗ Hà Hoài.
Nhà điêu khắc Đỗ Hà Hoài.

Và vì thế, người ta gọi những tác phẩm của Hoài là “điêu khắc dị ứng”. Từ triệu chứng ngứa vì dị ứng bánh mì, nghệ sĩ đã liên hệ sự dị ứng về tâm lý xã hội, những tích cực và tiêu cực tác động đến bản thân và ngược lại. Tác phẩm đưa đến thông điệp cùng những sắc thái ảnh hưởng đến con người hiện đại - đặc biệt là giới trẻ.

Điêu khắc dị ứng

Đỗ Hà Hoài sinh năm 1994 tại Gia Lai. Với nhiều người, Hoài thuộc lứa những nhà điêu khắc trẻ, thế nhưng tác phẩm của anh lại không hề “non”, mà đôi lúc lại già trước tuổi.

Hà Hoài là nghệ sĩ năng động, anh từng tham gia nhiều triển lãm dọc dài đất nước. Triển lãm điêu khắc “Hà Nội - Sài Gòn” năm 2020 mang đến nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, cùng không gian trưng bày ấn tượng và giàu cảm xúc.

Giữa loạt tác phẩm bằng composite hay chất liệu tổng hợp của nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc, Hà Hoài “góp mặt” với cụm tác phẩm “Dị ứng màu sắc” - những thân người gầy còm nổi mụn như được dựng lên từ bọt xốp. Anh không chú trọng tạo hình đẹp hay ý nghĩa văn học, mà ngầm gửi đi thông điệp đối diện và chiến thắng nỗi sợ hãi.

Và lần này cũng không ngoại lệ, triển lãm “Cảnh quan rạn nở” đang diễn ra tại không gian Hoa Tay Space (TPHCM) với những tác phẩm biểu hiện cảm xúc của ngứa ngáy, dị ứng. Họa sĩ Lương Lưu Biên nói rằng, xem các tác phẩm điêu khắc tuy rực rỡ, biến chuyển không ngừng nhưng biểu hiện trạng thái “khó ăn, khó ở”.

Dị ứng cơ thể có nét đồng điệu với những phản ứng của bản thể – khi xúc cảm con người bị kích động và xâm lấn bởi luồng thông tin trên mạng xã hội. Thông qua đó, nghệ sĩ khắc họa những thương đau thông qua việc hữu hình hóa những vết thương bằng điêu khắc. Bằng cách sáng tác về sự dị ứng vật lý, Hà Hoài muốn lột tả được những cảm thức về sự dị ứng của tinh thần.

Khác với lẽ thông thường, khi sợ người ta thường né tránh. Hà Hoài lại tìm kiếm những cung bậc cảm xúc khác nhau ở các trạng thái dị ứng của bản thân, những triền miên trong đau đớn, ngứa ngáy để tạo ra những tác phẩm điêu khắc mang đầy dấu ấn cá nhân.

“Tôi ví tôi là một “cơ thể”, ngôi nhà là một “cơ thể”, xã hội là một “cơ thể”, sự hiện diện cũng là một “cơ thể”. Hay đức tin, suy cho cùng cũng là một “cơ thể”. Tất thảy, đều phơi nhiễm trước những dị nguyên vô chừng”, Hà Hoài cho biết.

Khi nhìn những vết thương dị ứng trên da thịt, trên bề mặt các chất liệu thì ngoài sự đau đớn khó chịu còn là một cảnh quan đẹp, mang nhiều cảm xúc vừa rạn vỡ vừa nở hoa - đúng như tên gọi của triển lãm “Cảnh quan rạn nở”.

Tác phẩm điêu khắc về nỗi sợ dị ứng trong triển lãm “Cảnh quan rạn nở”.

Tác phẩm điêu khắc về nỗi sợ dị ứng trong triển lãm “Cảnh quan rạn nở”.

Hóa nỗi sợ thành nghệ thuật

“Thị trường không phải là mối lo ngại để nói đến khó khăn và thuận lợi trong nghệ thuật điêu khắc, cái chính vẫn là nghệ sĩ làm được gì? Sống với nghề đôi khi không nhất thiết phải nghĩ nó tạo ra tiền, đưa được tiếng nói của chủ đề tác phẩm đến công chúng là đã sống được trong sự hạnh phúc với nghề” – nhà điêu khắc Đỗ Hà Hoài.

Nghệ sĩ Hà Hoài bắt đầu chuỗi dự án “Dị ứng” từ năm 2018. Đây cũng là dự án tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM mà Hà Hoài thực hiện. Miệt mài theo đuổi những cung bậc cảm xúc, nghệ sĩ trẻ cũng không ngừng tìm kiếm những chất liệu khác nhau để tạo nên các tác phẩm điêu khắc độc đáo.

Từ đất sét, Hoài tìm đến bê-tông rồi foam nở. Hoài chia sẻ foam nở là chất liệu đặc biệt đem lại sự sần sùi ngứa ngáy ở bề mặt. Với anh, foam là một loại chất liệu mang hai trạng thái lỏng và rắn, chịu tác động mạnh mẽ dưới các điều kiện môi trường khác nhau. Đặc tính không thể kiểm soát này của foam khiến nghệ sĩ liên tưởng đến sự bất định trong hình dạng của dị ứng trên cơ thể.

Chuỗi các tác phẩm dị ứng được Hoài khai thác triệt để theo từng cung bậc cảm xúc với màu sắc rực rỡ. “Vết thương màu sắc là thủ pháp tôi sử dụng để nói về những vết thương thông qua hình tượng điêu khắc. Màu sắc tạo sự khó chịu trong tâm lý và khó chịu trong thị giác”, nhà điêu khắc Hà Hoài cho biết.

Những cơ thể người vặn vẹo, những khuôn mặt khó chịu thể hiện sự đau đớn với đôi bàn tay cào cấu và chân bên kia cọ xát vào chỗ ngứa – đó là nỗi ám ảnh mà nghệ sĩ trải qua. Xem những bức tượng ấy, với những màu sắc chồng lấn lốm đốm mụn nhọt, người xem không khỏi rùng mình nhưng cũng không thể không tò mò trong sự quằn quại của đối tượng dị ứng.

Với những người cá tính và khó chấp nhận những sắc thái màu sắc khác nhau, sự dị ứng màu sắc cuộc sống khiến mỗi người sẽ có những hướng đi riêng. Người chọn đối diện với sự khác biệt, cũng có người né tránh, trốn mình.

Trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, điêu khắc không còn là khái niệm chỉ các tượng đài lịch sử mà là xu hướng sắp đặt. Trước đây, điêu khắc gắn cùng tượng lớn với chất liệu rắn chắc như đồng, sắt, thạch cao, đá, gỗ… thì nay, các tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ trẻ có thể làm từ giấy dó, bột màu, đất sét… và cả những vật liệu tái chế.

Với vật liệu foam nở và màu sắc chồng lấn dễ gây rối mắt, cùng lối tạo hình “khó ở”. Hà Hoài không chỉ nêu bật dị ứng cơ thể, mà truyền tải những dị ứng định kiến trong cuộc sống, trên không gian mạng bằng những hành động “cào phím”, để gây tổn thương và những nỗi đau dai dẳng đối với con người.

Xem những tác phẩm quằn quại vì dị ứng, không ít người tự hỏi: Các tác phẩm này ai dám mua để trưng bày – khi con người luôn phải né tránh những đau đớn? Một câu hỏi khó, nhưng với nghệ sĩ – công chúng hiểu được thông điệp đã là một hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ