Điêu khắc lưu giữ 'Tuổi mộng mơ'

GD&TĐ - Được nhìn nhận là một nghệ sĩ trẻ tài năng, Phạm Đình Tiến lại sắp có một triển lãm mới mang tên 'Tuổi mộng mơ'.

Một triển lãm của Phạm Đình Tiến.
Một triển lãm của Phạm Đình Tiến.

Với những tìm tòi và sáng tạo độc đáo trong lĩnh vực điêu khắc, Phạm Đình Tiến được đông đảo công chúng biết tới từ năm 2016 - khi đoạt giải Nhất triển lãm Điêu khắc TP HCM.

Điêu khắc vì con người

“Tuổi mộng mơ” là bộ sưu tập 14 bức tượng đẹp đến lấp lánh mà điêu khắc gia Phạm Đình Tiến đã kỳ công sáng tạo trong 2 năm qua. Triển lãm sẽ mở cửa ngày 28/7 tại không gian Craig Thomas Gallery (Quận 1 - TP HCM).

Quãng thời gian còn là sinh viên, rồi theo học thạc sĩ về điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật TP HCM, Phạm Đình Tiến đã say sưa với mảng đề tài về cơ thể, hình khối. Qua bàn tay của anh, những điêu khắc về con người hiện lên với hình dáng, đường nét có phần kì dị, lạ lùng.

Ở “Cuộn” – tác phẩm đạt giải Nhất triển lãm Điêu khắc TP HCM, Tiến tạo ra một khối tròn, gợi liên tưởng tới thân hình cuộn tròn như một hình dáng để phòng vệ trước hiểm nguy bên ngoài, hoặc một thân người co rút lại một cách bản năng khi gặp tổn thương.

Tác phẩm “Trọng lực”, Tiến tạo hình dáng người gầy gò. Khuôn mặt và dáng người méo mó, gầy guộc thể hiện sự lạnh lùng, buông bỏ. Dáng ngồi của tượng gợi thế tọa thiền, như một cách buông bỏ thế sự.

Một tác phẩm mà Tiến làm lấy cảm hứng từ câu chuyện máy bay MH370 mất tích năm 2014. Anh làm một bức tường bằng gương, trong đó có hình ảnh của nhiều máy bay.

Người xem đứng ở điểm nào cũng có thể nhìn thấy họ trong chiếc gương có hình ảnh máy bay. Bằng bức tường ấy, nghệ sĩ gửi thông điệp: Một sự ngẫu nhiên nào đó, bạn có thể xuất hiện trên một chuyên bay, và chuyến bay đó có thể vĩnh viễn mất tích.

Phạm Đình Tiến cùng lúc làm nhiều công việc. Trong vai trò một giảng viên đại học, Đình Tiến truyền tải kiến thức của mình cho sinh viên, đặc biệt là những lý thuyết mới mẻ về nghệ thuật hiện nay. Anh làm thêm nhiều việc như làm décor, dạy mỹ thuật… để có tiền đầu tư cho sáng tạo điêu khắc.

Điêu khắc là loại hình nghệ thuật phần lớn đã bị lu mờ bởi hội họa trong nghệ thuật đương đại Việt Nam. Rodin có thể nói là người đi đầu trong việc khai sinh ra điêu khắc hiện đại. Tuy nhiên, các họa sĩ Việt Nam gần đây thường bỏ qua, và có xu hướng xem điêu khắc thiên về sắp đặt và nghệ thuật ý niệm hơn là các hình thức cổ điển khác.

Có lẽ riêng Phạm Đình Tiến nổi lên như một trong những nghệ sĩ tạo hình trẻ Việt Nam thuyết phục nhất. Chủ yếu sáng tác với chất liệu đồng, Tiến lặng lẽ làm việc nhưng không kém phần ấn tượng khi cho ra đời nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo trong hơn một thập niên qua.

Một tác phẩm của Phạm Đình Tiến.

Một tác phẩm của Phạm Đình Tiến.

Miêu tả bàn chân

Giống như các chất liệu thị giác khác, điêu khắc đương đại trở nên ít có tính đại diện hơn kể từ những năm 1950 - với sự trỗi dậy của nghệ thuật ý niệm, và trừu tượng. Sự trung thành của Phạm Đình Tiến với chất liệu đồng gợi một điều gì đó trong quá khứ. Anh muốn lưu giữ những khát khao tuổi trẻ, những vẻ đẹp cổ điển – như sợ rằng ngày sẽ mất.

Trong 2 năm, Tiến đã ấp ủ và thực hiện các tượng thuộc bộ sưu tập “Tuổi mộng mơ”. 14 bức tượng của bộ sưu tập này là thành tựu, vốn thường đòi hỏi những phẩm chất mâu thuẫn: Sự sáng tạo tuyệt vời và tính kỷ luật cao. Anh đã đầu tư các nguồn lực nghệ thuật và tài chính đáng kể để thực hiện bộ sưu tập mới nhất.

Nhà điêu khắc trẻ có khả năng độc đáo khi có thể uốn cong những chất liệu thách thức nhất, dễ biến đổi nhất bằng sự khéo léo. Từ những hình ảnh bắt gặp đâu đó, hay thậm chí từ hình ảnh trong những giấc mơ. Anh lấy cảm hứng và thể hiện chúng thành những tác phẩm biến thể thật độc đáo.

Có một số góc độ mà người xem có thể tiếp cận ở “Tuổi mộng mơ”. Công chúng sẽ bị thu hút bởi các chi tiết lẫn hình dạng mượt mà, hấp dẫn miêu tả trong các tượng điêu khắc. Hầu hết các tượng diễn tả cơ thể người hoặc các bộ phận cơ thể – chân, bàn chân chiếm đa số – với tính chính xác cao của giải phẫu học, phản ánh ảnh hưởng của nhà điêu khắc Rodin.

“Bố tôi là một người vẽ giỏi và làm tượng Công giáo cho các nhà thờ ở địa phương. Từ nhỏ tôi đã được xem tượng và các sách dạy về tỉ lệ người, các hình ảnh tượng cổ điển phương Tây. Có thể do vậy nên tôi có cảm giác rất tốt khi học anatomy tại trường đại học mỹ thuật sau này”, nhà điêu khắc Phạm Đình Tiến cho hay.

Anh có xu hướng miêu tả bàn chân trần và chân mang dép tổ ong trong các tác phẩm. Anh cho rằng, bàn chân là phần ít được chú trọng lúc học tại trường, nhưng về mặt cảm xúc lại rất thích khối của bàn chân. Để hiểu rõ, làm một bàn chân có cảm xúc đôi khi còn khó hơn một bức chân dung.

Bàn chân về ý nghĩa của nó cũng thú vị, vừa mang tính nền tảng, vừa để di chuyển, vừa mang tính lao động. Về mặt xã hội còn mang tính giai cấp, đặc trưng nghề nghiệp, cá tính con người. Đôi dép tổ ong người nghèo thường mang, nó không đẹp, không sang nhưng dễ chịu.

Dễ thấy trong các bức tượng, nghệ sĩ ít mang tính văn chương hơn và sử dụng chất liệu ít phổ biến hơn so với những nhà điêu khắc khác. Chất liệu yêu thích của Tiến là đồng và các kim loại. Anh thừa nhận đề cao sự tự do và ngẫu nhiên trong sáng tác để hình thành bộ sưu tập “Tuổi mộng mơ”.

Tác phẩm “Trên dép dưới dép” tiêu biểu cho sự hài hước độc đáo, cũng như việc sử dụng hình ảnh – dép tổ ong kể trên và chiếc ghế nhựa phổ biến. Tác phẩm “Chiếc vòng” minh họa khả năng của nhà điêu khắc trong việc thể hiện sự tinh tế và chất thơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.