Điêu khắc đang 'đổi vai'?

GD&TĐ - Góp tác phẩm vào Cuộc thi và Triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, phần lớn là họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ.

Nhiều họa sĩ trẻ giành giải thưởng Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc. Ảnh: Bình Thanh
Nhiều họa sĩ trẻ giành giải thưởng Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc. Ảnh: Bình Thanh

Liệu rằng, lĩnh vực nghệ thuật này đang có sự “đổi vai”?

“Không thể nghĩ khác, làm khác”

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, Cuộc thi và Triển lãm điêu khắc toàn quốc trước có biên độ thời gian từ 10 năm nay còn 5 năm cho thấy xu thế thay đổi của điêu khắc đương đại. Nó đang chứng minh “không thể nghĩ khác, làm khác”.

Quả vậy, khi sân chơi này mở ra, đa số là họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ, thế hệ 8X, 9X và cả zen Z không chỉ góp tác phẩm thêm phong phú mà còn xuất sắc giành giải thưởng. Nhất là, từ 536 tác phẩm tham gia thì chỉ có 16 giải thưởng được trao mà phần lớn thuộc về người trẻ.

Theo ông Đoàn, những tác phẩm được giải và chọn triển lãm dịp này có nhiều ý tưởng lạ và hội đồng nghệ thuật cũng hết sức cân nhắc để có thể lựa chọn tác phẩm đại diện trưng bày và trao giải.

Kết quả này chứng minh các giá trị mới của điêu khắc đương đại được mang đến và càng ngày càng nhiều điêu khắc gia rất trẻ, chính họ sẽ quyết định nền điêu khắc đương đại Việt Nam.

Nhìn vào lực lượng mới đầy sung sức, trẻ trung, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, người trẻ đưa ra cách cảm nhận khác, buộc người xem phải chia sẻ, thậm chí cần tự hiểu vì ngôn ngữ trìu tượng của lực lượng này khá nhiều trong khi tiếng nói của nghệ thuật hiện thực thưa hơn. Và đó là bức tranh toàn cảnh khi điêu khắc “đổi vai”.

Ở họ - những họa sĩ tự do, tự quyết định con đường cũng như số phận nghề nghiệp của mình và cùng mang đến cho đời sống mỹ thuật nước nhà những đổi thay tốt đẹp.

“Ở giải thưởng lần này không có giải nhất vì chưa có tác phẩm nào thực sự vượt lên. Cũng không nên áp đặt tác phẩm đỉnh cao mà cùng chấp nhận những quyết định của nghệ sĩ. Họ làm nên câu chuyện thế nào chúng ta chấp nhận đến đấy chứ không thể đặt ra tiêu chí phải làm bằng được, cứ đeo đuổi mục tiêu ấy nó sẽ hỏng cái toàn vẹn”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đặc biệt nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo ông Đoàn, câu chuyện cần quan tâm hơn cả hiện nay không chỉ là chấp nhận ngôn ngữ hiện thực và trừu tượng của thế hệ mới mà cái chính là giải quyết không gian trưng bày tượng trong nhà và ngoài vườn.

Khi đó, tác phẩm điêu khắc không còn là tượng đài chiếm lĩnh không gian ngoài trời. Đây cũng là bước chuyển hết sức quan trọng của điêu khắc đương đại Việt Nam, đòi hỏi mỗi tác phẩm phải cùng chung sống với thiên nhiên, kiến trúc, không thể là cái gì đó đồ sộ trấn áp toàn bộ.

“Việc rút ngắn thời gian triển lãm và cuộc thi điêu khắc toàn quốc từ 10 xuống còn 5 năm để thấy xu thế phát triển của điêu khắc đương đại Việt Nam đang tăng tốc. Những người trẻ đang nhô ra và có cách nghĩ khác, nhìn khác, thể hiện bằng ngôn ngữ khác là điều quyết định số phận của nền điêu khắc đương đại.

5 năm tới sẽ còn khác nữa. Vì sau dịch Covid-19, tâm thế sáng tác của các họa sĩ có những sự va đập, không bình yên, họ thể nghiệm ý tưởng, thực hiện tác phẩm”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo dù ở tuổi xưa nay hiếm – 83 tuổi - vẫn tham gia và giành giải Khuyến khích cuộc thi với tác phẩm “Bắc - Trung - Nam” (tượng tròn, gỗ).

Nhìn nhận về thực tế này, ông bày tỏ niềm hy vọng: “Việc rút ngắn thời gian triển lãm quy mô toàn quốc rất quan trọng đối với các nhà điêu khắc Việt Nam - có nơi để họ trưng bày những quan niệm về nghề. Cũng từ đây, hy vọng nền điêu khắc Việt Nam có những nhà điêu khắc trẻ hơn chúng tôi”.

Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc tại Bảo tàng Hà Nội mở cửa đến 10/10. Ảnh: Bình Thanh.

Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc tại Bảo tàng Hà Nội mở cửa đến 10/10. Ảnh: Bình Thanh.

Đam mê và sống tốt

Là thế hệ 8X, nhà điêu khắc Châu Trâm Anh, giảng viên Khoa Điêu khắc, Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương xuất sắc giành giải Nhì (không có giải Nhất) của cuộc thi với tác phẩm “Tình ca phương Nam” (tượng tròn, đá trắng).

Anh chia sẻ: “Với một nhà điêu khắc bền bỉ vượt qua những khó khăn ban đầu để gắn bó với nghề sẽ vừa thỏa mãn đam mê sáng tác vừa đảm bảo cuộc sống tốt”.

Điều này cũng được họa sĩ Trần Công Định, sinh năm 1993, giảng viên thỉnh giảng Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, có tác phẩm “Đêm Đông” được chọn trưng bày tại triển lãm, xác nhận.

Theo anh Định, dù từ trước đến nay, điêu khắc vẫn kén người chơi hơn là tranh, bị giới hạn về không gian song đất nước ngày một phát triển nên xu hướng chơi tượng đang bắt đầu phổ biến hơn. Những tượng thiên về trang trí được đưa ra bên ngoài như tượng đường phố, tượng ở các không gian công cộng.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình có nhu cầu sử dụng tượng để bài trí không gian trong nhà. Bằng sự mở rộng biên độ đó mà điêu khắc được tiếp xúc ngay từ nơi công cộng và các thứ xung quanh gần như đều có tính thẩm mỹ. Đó cũng là môi trường thuận lợi kích thích họa sĩ trẻ tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật này.

Đồng thời, nhà điêu khắc trẻ luôn năng động nắm bắt thị trường bằng cách tự tiếp thị sản phẩm. Theo nhà điêu khắc Châu Trâm Anh, nhà điêu khắc ở Bình Dương hoặc TP Hồ Chí Mình thường tự liên hệ đến một số làng nghề truyền thống, gallery tư nhân, mạnh thường quân; thậm chí chủ động đến các công ty tư vấn, trao đổi. Nhất là việc kết hợp với khu resort để vừa tạo không gian đẹp, đậm chất nghệ thuật vừa có thể quảng bá tác phẩm tới công chúng.

Họa sĩ Trần Công Định thì kể câu chuyện thực tế bản thân thường xuyên làm các dự án nhỏ dành cho cá nhân hay tham gia một vài trại sáng tác của tỉnh, thành phố như Cao Bằng, Thanh Hóa… muốn làm dạng biểu tượng hoặc công trình điêu khắc liên quan đến các không gian công cộng…

Theo đó, việc xây dựng ý tưởng từ chính không gian cụ thể là rất quan trọng. Cùng với việc nghiên cứu, tìm hiểu tư liệu (tác phẩm truyền thống), họa sĩ chủ động đến địa phương thực tế không gian công cộng đó có đặc trưng như thế nào, kiến trúc xung quanh có gì khác biệt để đưa tác phẩm điêu khắc phù hợp với địa danh, con người và tất cả các đặc trưng nổi bật nhất ở đó.

Minh chứng thêm về sức trẻ, anh Định nhắc đến 2 đồng nghiệp là sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có tác phẩm giành giải Khuyến khích (Đào Ngọc Thịnh với “Mẹ tôi” và Lê Quý Đức với “Hai chiều cảm xúc”).

Anh bày tỏ niềm vui và tự hào cùng niềm mong mỏi có nhiều cuộc thi, triển lãm để các trường phổ biến đến sinh viên, từ đó họa sĩ trẻ và những người yêu nghệ thuật được thể hiện mình.

Với anh Định, khi được giảng dạy tại trường mỹ thuật, đó không chỉ là việc truyền đạt cho sinh viên kiến thức mà chính mỗi người thầy đều nhận được nguồn năng lượng tươi trẻ để tiếp tục vươn lên học hỏi.

Việc tiếp cận thị trường từ những triển lãm quy mô toàn quốc được rút ngắn xuống còn 5 năm chính là cánh cửa rộng mở cho sự phát triển của điêu khắc. Đây là cuộc chơi khá bổ ích, dịp để họa sĩ va chạm, học hỏi đàn anh đi trước, tạo thêm động lực phấn đấu hơn, đi đến mục tiêu xa hơn.

Triển lãm chính là cơ hội để tác phẩm của họa sĩ được tiếp cận với công chúng. Ảnh: Bình Thanh.

Triển lãm chính là cơ hội để tác phẩm của họa sĩ được tiếp cận với công chúng. Ảnh: Bình Thanh.

“Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy có những tiêu chí đánh giá của cuộc thi và triển lãm vẫn hơi cứng nhắc. Mong là những dịp sau, các tiêu chí ấy có thể được mở rộng hơn. Nghệ thuật không có giới hạn, nhất là giờ đây được tiếp cận từ các nước tiên tiến thì nền nghệ thuật nước nhà cần có tiêu chí cởi mở hơn để nghệ sĩ trẻ thể hiện hết khả năng và tác phẩm của họ có chỗ đứng trong đời sống”, họa sĩ Trần Công Định bày tỏ.

Còn nhà điêu khắc Châu Trâm Anh cũng chia sẻ về nỗi niềm dù có thu nhập tốt song không nhiều sinh viên khi tốt nghiệp ra trường theo đuổi và trụ được với nghề: “Chỉ bạn nào đam mê lắm mới theo được nghề truyền thống còn lại số đông vào làm ở những ngành đơn giản, sớm có thu nhập như thiết kế đồ họa, thời trang. Bởi vậy, xuất phát của mỗi nhà điêu khắc lành nghề vẫn phải từ niềm đam mê để có thể cần mẫn đáp ứng những công phu từ nghề”.

Không ít rào cản

Nhà điêu khắc Châu Trâm Anh bên tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Nhà điêu khắc Châu Trâm Anh bên tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Chia sẻ về những khó khăn hiện nay đối với người trẻ, nhà điêu khắc Châu Trâm Anh cho rằng đó là sự thiếu không gian trưng bày. Thế nên, mỗi triển lãm chính là cơ hội để tác phẩm của nhà điêu khắc được tiếp cận với công chúng, từ đó mở rộng thị trường phân phối.

Vì vậy, không gì mong hơn là các cuộc triển lãm được tổ chức nhiều hơn để thế hệ trẻ yêu mỹ thuật có cơ hội gần gũi hơn với công chúng và tỏa những giá trị nghệ thuật đến mọi miền Tổ quốc, các nhu cầu của cuộc sống được phản ánh sâu sắc hơn trong từng tác phẩm.

- Còn có rào cản nào đặt ra trong quá trình nhà điêu khắc đưa tác phẩm tiếp cận với công chúng không, thưa anh?

Vẫn còn đó không ít rào cản, nhất là khả năng cảm thụ nghệ thuật của mỗi người khác nhau. Với người làm chuyên môn và đam mê điêu khắc thì dễ thuyết phục nhưng một số người có điều kiện kinh tế song chưa am hiểu về lĩnh vực này cần có một quá trình trao đổi và tác phẩm để họ hình dung, cảm nhận.

- Có khi nào anh gặp câu chuyện “cười ra nước mắt” của rào cản này?

Bởi trình độ và sự cảm nhận khác nhau nên có người so sánh sao tượng này lớn mà giá trị nhỏ còn tượng kia nhỏ mà giá trị lại lớn. Cũng vì, người ta chưa nắm được giá trị cốt lõi. Nhưng khi được tư vấn, họ dần biết được giá trị thật về vật chất và về tinh thần, hướng đến điều gì.

- Vậy vai trò của việc đào tạo giáo dục thẩm mỹ cho cộng đồng ở đây là gì, thưa anh?

Theo tôi, càng ngày khả năng cảm thụ tác phẩm nghệ thuật của lớp trẻ càng được cải thiện vì các em được học môn mỹ thuật ngay từ nhỏ. Trong môn học lồng ghép nội dung liên quan đến điêu khắc (nặn hình), nhưng thời lượng còn hơi ít.

Ở phía Nam hiện có thêm chương trình kết hợp Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương với các trường phổ thông, có lồng ghép với giáo dục lịch sử địa phương cho tiểu học.

Cuối tuần các em sẽ địa điểm lịch sử Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương với khoa điêu khắc trải nghiệm nặn tượng, vừa tiếp cận nghề truyền thống vừa phần nào hiểu được công việc cụ thể của điêu khắc, từ đó dễ hình dung hơn và viết bài cảm nhận về ngành nghề, trường. Hình thức giáo dục này thực hiện trong mấy năm qua đang khá hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.