Dây rốn không đơn thuần chỉ là một ống dây duy nhất
Nhiều người vẫn nghĩ dây rốn chỉ là một ống dây bình thường có tác dụng vận chuyển thức ăn cho thai nhi nhưng nó lại có nhiều công dụng kỳ diệu hơn thế.
Thực chất một dây rốn bình thường có chứa đến ba mạch máu: 2 động mạch và 1 tĩnh mạch. Tĩnh mạch ở dây rốn giúp vận chuyển oxi và máu giàu dinh dưỡng đến thai nhi, còn các động mạch trên dây rốn thì lại mang các máu bị oxi hóa, những chất thải dư thừa không có lợi (như khí carbon dioxide) và những máu đã cạn hết chất dinh dưỡng về lại nhau thai và dòng máu của mẹ.
Một dây rốn bình thường có 2 động mạch, 1 tĩnh mạch (Ảnh: Holistic Heritage Homebirth).
Sau khi làm xong nhiệm vụ những động mạch này tự động đóng lại. Các động mạch đóng trước tiên, theo sát sau đó là các tĩnh mạch rốn và cho phép các máu có chứa oxi đến được với em bé từ nhau thai.
Khi sinh, nhau thai chứa 1/3 thể tích máu của bé, bằng cách trì hoãn việc kẹp dây rốn trong vài phút, dòng máu đó sẽ được truyền về thai nhi.
Tác dụng của dây rốn
Nếu dây rốn hoạt động tốt, bào thai sẽ nhận đủ dưỡng chất để phát triển cho đến cuối quý III của thai kỳ và trong suốt quá trình chuyển dạ.
Ngoài chức năng cung cấp oxy và dinh dưỡng, dây rốn còn truyền cả chất kháng sinh khi người mẹ dùng kháng sinh vào cơ thể của bé. Bởi vì, kháng sinh sẽ ngấm vào mạch máu của mẹ. Dây rốn vận chuyển các mạch máu có chứa kháng sinh từ mẹ tới bào thai.
Đồng thời, dây rốn còn nhận những chất đào thải từ bào thai ra nhau thai. Đó là lý do các mạch máu bên trong bào thai luôn giàu oxy, dinh dưỡng và sạch khuẩn.
Đợi ít nhất 2 - 3 phút sau khi em bé chào đời mới kẹp dây rốn
Khi em bé chào đời, dây rốn không còn cần thiết nữa nên sẽ bị kẹp lại và cắt đi luôn. Tuy nhiên việc cắt dây rốn chậm 2 - 3 phút khi trẻ chào đời lại mang lại những điều không ngờ cho sức khỏe của bé.
Kẹp dây rốn sớm được cho là làm giảm khả năng xuất huyết ở mẹ sau sinh. Nhưng những nghiên cứu mới đây lại cho thấy, việc này không làm giảm xuất huyết hoặc cung cấp bất kỳ lợi ích nào khác.
Ngược lại, cắt dây rốn chậm mang lại vô vàn lợi ích cho đứa trẻ. Theo nghiên cứu của Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), việc trì hoãn kẹp dây rốn sau sinh khoảng 30 - 60 giây sẽ mang lại những lợi ích đáng ngạc nhiên cho em bé.
Thậm chí Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, phải chờ một phút hoặc nhiều tổ chức y tế khác còn lên tiếng cho rằng nên đợi đến 2 phút thì mới tiến hành kẹp dây rốn cho bé.
Kẹp dây rốn chậm mang đến nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa).
Những lợi ích tuyệt vời của việc chậm cắt dây rốn:
Phát triển thần kinh tốt hơn
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cắt rốn chậm sau một vài phút có thể giúp đứa trẻ phát triển thần kinh tốt hơn. Trẻ được cắt dây rốn chậm hơn 3 phút sau khi sinh có kỹ năng xã hội cao hơn, kỹ năng vận động cũng tốt hơn so với những người đã bị cắt dây rốn trong vòng 10 giây sau sinh. Các kết quả cho thấy không có sự khác biệt về chỉ số IQ.
Giảm nguy cơ thiếu máu
Theo các nhà khoa học, chậm kẹp dây rốn giúp cung cấp một lượng đáng kể chất sắt cho trẻ. Một nghiên cứu cho thấy chờ đợi 2 phút sau sinh rồi mới cắt dây rốn lượng sắt mà đứa trẻ nhận được tăng 27 – 47mg.
Theo trường Cao đẳng Sản phụ khoa Mỹ, chờ đợi 3 phút có thể ngăn ngừa thiếu sắt trong năm đầu đời của đứa trẻ.
Các nghiên cứu sinh lý ở trẻ đã chỉ ra rằng, lượng máu từ nhau thai chuyển đến đứa trẻ khoảng 80ml 1 phút sau khi sinh, khoảng 100ml 3 phút sau khi sinh. Lượng máu bổ sung này có thể cung cấp thêm sắt, lên tới 40 – 50mg/kg cân nặng.
Lượng sắt này kết hợp với lượng sắt sẵn có trong cơ thể (khoảng 75mg/kg cân nặng) ở trẻ sơ sinh đủ tháng, có thể giúp ngăn ngừa thiếu sắt trong năm đầu tiên của cuộc sống.
Tăng tế bào gốc
Các tế bào gốc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ miễn dịch, hô hấp, tim mạch và hệ thống thần kinh trung ương và rất nhiều chức năng khác. Sự tập trung của tế bào gốc trong máu thai nhi cao hơn tại bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc sống. Dây rốn chứa gần 1/3 những tế bào gốc quan trọng.