Thiếu điều dưỡng lão khoa
Tại Hội thảo Đào tạo và sử dụng hiệu quả nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam diễn ra tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định: Trong đội ngũ nhân lực phục vụ chăm sóc người cao tuổi thì điều dưỡng, nhân viên chăm sóc có vai trò và vị trí rất quan trọng, vì đây là những người gắn bó trực tiếp với người cao tuổi, một đối tượng chăm sóc đặc biệt.
Ngoài các kiến thức, kỹ năng về nhu cầu dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi thì nhân viên chăm sóc phải biết cách quan tâm đến nhu cầu tâm lý lẫn sinh lý của người cao tuổi một cách phù hợp. Đây là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, và có nhu cầu rất lớn trong cả bệnh viện và cộng đồng, rất cần học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, một trong những thách thức của hệ thống y tế hiện nay là tốc độ già hóa dân số của Việt Nam khá nhanh khiến thiếu bác sĩ chuyên khoa Lão khoa, thiếu điều dưỡng lão khoa, thiếu người chăm sóc người bệnh nên nhiệm vụ này đang chủ yếu dựa vào người nhà. Trong khi đó, nguồn nhân lực này ngày càng giảm khiến họ phải thuê những người giúp việc ở bên ngoài.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là hai triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011.
Người cao tuổi Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính. Nhằm đảm bảo công tác chăm sóc y tế cho người già, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ và Y tế ngành về việc thành lập Khoa Lão và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Điều này, khiến nhu cầu về điều dưỡng cho người cao tuổi một cách chuyên nghiệp lại càng thiếu.
Hệ lụy của sự quá tải
Nói về thực trạng công tác chăm sóc bệnh nhân và điều dưỡng nói chung của Việt Nam, ông Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam - cho biết, so với các nước khu vực ASEAN, các bệnh viện của nước ta thiếu điều dưỡng nghiêm trọng, thêm vào đó điều dưỡng viên phải làm công việc hành chính giấy tờ quá nhiều, không đủ thời gian chăm sóc người bệnh.
Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy, thiếu điều dưỡng người bệnh thiệt thòi do tăng nhiễm khuẩn bệnh viện, tăng sai sót chuyên môn và tăng tỷ lệ tử vong. Để đạt được tỷ lệ điều dưỡng theo đầu dân tương đương với Thái Lan phải tăng số điều dưỡng viên lên gấp 2 lần, bằng Malaysia phải tăng điều dưỡng gấp 3 lần và bằng tỷ lệ điều dưỡng theo dân số của Nhật Bản phải tăng điều dưỡng lên gấp 12 lần hiện nay.
Theo ông Phạm Đức Mục, bệnh viện hiện đang tập trung vào các dịch vụ có thu, ít quan tâm phát triển dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, mà trên thực tế người bệnh đang có nhu cầu ngày càng cao. Cơ chế chi trả theo dịch vụ kỹ thuật tạo nên sự thiếu công bằng trong đội ngũ cán bộ y tế.
Điều dưỡng làm nhiều nhưng không tạo ra kinh phí cho bệnh viện nên không được đánh giá đúng. Vì vậy, cần xem xét chi trả hằng ngày chăm sóc bệnh nhân cho điều dưỡng viên , đặc biệt là chi trả ngày chăm sóc bệnh nhân cấp I. Hiện nay, nhiều gia đình bệnh nhân đã phải thuê người chăm sóc người bệnh và phải chi trả cao từ 300.000 - 600.000 đồng/ngày chăm sóc.
Xuất phát từ những thực tế trên, ông Phạm Đức Mục đề xuất cần khôi phục nghề hộ lý/hỗ trợ chăm sóc trong bệnh viện. Nghề hộ lý vốn đã tồn tại nhiều năm trong các bệnh viện nước ta và hiện nay vẫn còn nhu cầu rất cao.
Trước đây, không chỉ có bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên mà cả hộ lý cũng tham gia trực bệnh viện. Hoạt động chăm sóc người bệnh vẫn cần hộ lý hoặc chăm sóc viên để thực hiện các công việc đơn giản như: Thay ga, trải giường, vệ sinh người bệnh, vận chuyển người bệnh, ghi hồ sơ hành chính, lấy mạch nhiệt độ... không nhất thiết phải sử dụng điều dưỡng cao đẳng và đại học.
Mô hình nhân lực điều dưỡng các nước vẫn sử dụng 20% - 30% hộ lý hoặc chăm sóc viên thực hiện các công việc chăm sóc người bệnh cơ bản không mang tính kỹ thuật.
“Chỉ khi đánh giá được vai trò và vị trí của người điều dưỡng trong bệnh viện, đồng thời tạo ra những cơ chế chính sách phù hợp, lúc đó người bệnh mới thực sự là trung tâm của mọi chăm sóc y tế” - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam nhấn mạnh.