Điều chỉnh Chương trình Giáo dục phổ thông cấp tiểu học: Phù hợp với tình hình dịch bệnh

GD&TĐ - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT có Hướng dẫn điều chỉnh thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học năm học 2021 – 2022 ứng phó với dịch Covid-19, các nhà trường, GV đều đánh giá cần thiết, kịp thời và lập tức triển khai.

Điều chỉnh chương trình GDPT để các địa phương chủ động việc dạy và học theo điều kiện thực tế khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa: X.P
Điều chỉnh chương trình GDPT để các địa phương chủ động việc dạy và học theo điều kiện thực tế khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa: X.P

Phù hợp bối cảnh

Thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nội Hợp B (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) khẳng định: Hướng dẫn điều chỉnh thực hiện CT GDPT cấp tiểu học ứng phó với dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT kịp thời bởi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Hướng dẫn sẽ giúp các nhà trường, giáo viên lớp 1, lớp 2 tích cực nghiên cứu chương trình môn học, mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa… để xây dựng chủ đề dạy học tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt hợp lý.

Mặt khác, hướng dẫn là căn cứ để trường ưu tiên tổ chức dạy học nội dung hình thành kiến thức mới, môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn HS tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh.

Trước lo lắng, giáo viên lớp 3, 4, 5 sẽ lúng túng trong việc tinh giản mức độ yêu cầu về kiến thức, kĩ năng trong quá trình xây dựng bài giảng và dạy học, thầy Đào Chí Mạnh khẳng định: Sở, phòng GD&ĐT nên xây dựng nội dung tích hợp liên môn để các trường cùng tham khảo. Về phía nhà trường cũng có thể tổ chức đội ngũ GV cốt cán tiếp tục xây dựng, lựa chọn chủ đề phù hợp để tích hợp liên môn, giúp GV cùng triển khai giảng dạy đồng bộ, hiệu quả.

Tích hợp một số nội dung thành chủ đề dạy học lớp 1, theo cô Nguyễn Thị Lan Phương – GV lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội)không khó bởi trong các bộ sách luôn có tính đồng tâm giữa các môn học.

Đối với lớp 3, 4, 5, các nhà trường cần rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa… các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp. Ảnh: IT
Đối với lớp 3, 4, 5, các nhà trường cần rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa… các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp. Ảnh: IT

Ví như môn Đạo đức, Tự nhiên & Xã hội đều có nội dung xoay quanh gia đình. Như vậy, GV có thể kết hợp môn Đạo đức với Tự nhiên & Xã hội trong một bài có chủ đề gia đình để dạy mà vẫn đạt được yêu cầu. GV không nhất thiết phải dạy theo thứ tự, từng môn. Có thể kết hợp 1 nội dung ở 2 môn học trong một chủ đề để dạy học.

Hoặc như môn Tiếng Việt, GV có thể linh hoạt kéo dài thời gian dạy ban đầu giúp HS làm quen cách viết, cầm bút, viết nét, chữ... Khi HS viết tốt có thể nhanh ghép thành khi đọc. Như vậy, thời gian luyện đọc có thể cắt bớt số tiết, và yêu cầu HS luyện đọc thêm sau khi học tại nhà.

Cũng ở góc độ chuyên môn, cô Nguyễn Thị Thanh Loan – Tổ trưởng khối 3, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) nhìn nhận: Ngay sau khi nhận được Hướng dẫn điều chỉnh thực hiện CT GDPT cấp tiểu học ứng phó với dịch nhà trường đã lập tức triển khai.

Sở dĩ có thể điều chỉnh ngay, không gặp khó khăn bỡ ngỡ bởi yêu cầu giảm tải năm nay không khác đợt dịch Covid-19 của năm học trước. GV chỉ cần rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, mức độ cần đạt của từng khối lớp và môn học để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể.

Theo cô Loan, năm học trước trường thực hiện tinh giản theo hướng: Tinh giản mức độ yêu cầu kiến thức, kĩ năng từng môn học; tinh giản nội dung trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt ở từng lớp; tinh giản nội dung trùng lặp trong môn học và giữa các môn học; tích hợp một số nội dung trong môn học và giữa các môn học thành chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn bảo đảm quy định của chương trình.... nên năm học này việc thực hiện đã có kinh nghiệm và cơ sở làm tốt.

Bà Phạm Thị Tuất – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình) cũng cho biết: Sở, phòng GD&ĐT đã hướng dẫn chi tiết, cụ thể tới từng cấp, cơ sở giáo dục và GV. Mặt khác, hiện Ninh Bình nằm trong vùng an toàn về dịch, nhà trường, GV được giao quyền chủ động trong triển khai kế hoạch, nội dung, chương trình… nên điều chỉnh dạy học theo Hướng dẫn không khó khăn, trở ngại.

Tích hợp một số nội dung thành chủ đề dạy học lớp 1, 2 để tăng cường thời gian cho môn học chính. Ảnh: IT
Tích hợp một số nội dung thành chủ đề dạy học lớp 1, 2 để tăng cường thời gian cho môn học chính. Ảnh: IT 

Linh hoạt kiểm tra, đánh giá

Hướng dẫn điều chỉnh thực hiện CT GDPT cấp tiểu học năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý các nhà trường không tổ chức kiểm tra, đánh giá nội dung, yêu cầu đã được tinh giản; bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học.

Vấn đề này theo cô Khuất Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Mỹ (Sơn Tây – Hà Nội), với các địa phương thực hiện Chỉ thị 15, 16 để phòng, chống dịch thì dạy học trực tuyến được xem như hình thức tối ưu để HS không bị ngừng học. Như vậy, việc tích hợp một số nội dung thành chủ đề dạy học lớp 1, 2; Tinh giản mức độ yêu cầu về kiến thức, kĩ năng lớp 3, 4, 5 là cần thiết và đáp ứng được yêu cầu dạy học thực tế.

Do đó, không tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung, yêu cầu đã được tinh giản; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học là hoàn toàn phù hợp mà cũng không ảnh hưởng tới đánh giá chất lượng HS cuối năm.

Thầy Đào Chí Mạnh cũng chia sẻ quan điểm: Nếu kiểm tra đánh giá không thay đổi phù hợp với điều chỉnh thực hiện CT GDPT cấp tiểu học khi ứng phó với dịch Covid-19 vô hình trung sẽ tạo ra sự nặng nề, áp lực, thậm chí hình thức trong dạy học đối với cả GV và HS. Tuy nhiên, GV vẫn cần có phương pháp, “thủ thuật” để nắm được HS học tới đâu? cần bù lấp kiến thức nào sau khi triển khai tinh giản; không dạy hoặc chuyển thành đọc thêm, tự học, tích hợp… để kịp thời hỗ trợ, động viên HS (nếu cần)…

Kiểm tra, đánh giá vô cùng quan trọng và là động lực của quá trình dạy học. Song trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tác động tới dạy học ở bậc tiểu học nói riêng thì việc các cơ sở giáo dục tiểu học không tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung, yêu cầu đã được tinh giản; bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học có thể tạm thời chấp nhận.Tuy nhiên, sau khi hoạt động dạy học trở lại bình thường, HS học tập trung thì nhà trường, GV phải có giải pháp, khắc phục hạn chế những kiến thức của HS nếu hổng. Cần làm sao để kiểm tra đánh giá trở thành động lực để cải tiến hoạt động dạy và học hướng tới đáp ứng mục tiêu giáo dục. - GS Đinh Quang Báo nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ