Mở ngành mới, tăng chỉ tiêu
Học viện Quản lý Giáo dục dự kiến tuyển hơn 1.000 chỉ tiêu, với 9 ngành đào tạo, tăng so với năm ngoái 100 chỉ tiêu. TS. Cao Xuân Liễu - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết: Học viện mở thêm ngành đào tạo gồm: Luật và Kinh tế, với 100 chỉ tiêu.
Theo dự báo, hiện tại cũng như trong những năm tới, nhu cầu nhân lực với lĩnh vực này tương đối lớn. Các ngành đào tạo khác như: Quản lý giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Giáo dục học, Kinh tế giáo dục, Công nghệ thông tin, Quản trị văn phòng, Ngôn ngữ Anh - giữ mức ổn định như năm 2020.
“Bên cạnh hình thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, Học viện xét tuyển dựa vào học bạ của thí sinh cho tất cả ngành đào tạo. Mức điểm đăng ký xét tuyển bằng hình thức học bạ là điểm trung bình chung của năm học lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (dự kiến là 17.0 điểm trở lên).
Học viện dự kiến dành 60% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức xét tuyển bằng học bạ. Ngoài ra, Học viện xét tuyển thẳng với thí sinh đoạt giải tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi, kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh/thành phố; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh từ 5.0 IELTS hoặc tương đương trở lên” – TS Cao Xuân Liễu cho hay.
Năm 2021, Trường ĐH Kinh tế TPHCM công bố tuyển sinh 6.350 chỉ tiêu, tăng 500 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh tuyển 4.500 chỉ tiêu, tăng gần 400 chỉ tiêu so với kỳ tuyển sinh trước. Trong đó có một số ngành mới như: Quản lý công, Công nghệ thực phẩm, Ngôn ngữ Hàn Quốc. Trường thực hiện tuyển sinh theo 6 phương thức. Trong đó, phương thức 1 là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển của Bộ GD&ĐT.
Trường ĐH Hoa Sen tuyển 4.000 chỉ tiêu cho 39 ngành đào tạo, tăng 400 chỉ tiêu so với năm 2020. Trong đó, có 11 ngành học mới gồm: Thương mại điện tử, Digital Marketing, Bất động sản, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo, Luật Kinh tế, Luật Quốc tế, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật y sinh.
Trường ĐH Văn Lang tuyển 7.000 chỉ tiêu, với 50 ngành đào tạo, tăng hơn 200 chỉ tiêu so với năm trước. Trường mở thêm ngành Y khoa và Y học cổ truyền. Nhà trường dự kiến, dành 60% tổng chỉ tiêu tuyển theo phương thức xét học bạ; 30% chỉ tiêu tuyển từ kết quả kỳ thi THPT năm 2021; 5% chỉ tiêu tuyển từ kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2021 của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và 5% chỉ tiêu cho sẽ xét tuyển thẳng.
Chất lượng là yếu tố hàng đầu
Bên cạnh một số cơ sở giáo dục đại học thông báo tăng chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều đơn vị quyết định giữ mức ổn định, thậm chí là giảm chỉ tiêu. GS.TS Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Năm 2021, Học viện dự kiến tuyển hơn 4.600 sinh viên với 55 ngành. Dù mở thêm 3 ngành đào tạo mới, nhưng ít hơn năm ngoái gần 1.000 chỉ tiêu.
Theo thông báo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh 25 nhóm ngành với 55 ngành và 83 chuyên ngành. Trong đó, ngành Thú y tuyển nhiều sinh viên nhất – với 650 chỉ tiêu, tiếp đó là Kế toán - Tài chính 555 chỉ tiêu, ngành Công nghệ bảo quản, chế biến và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm với 455 chỉ tiêu.
Tuy mức tuyển cao nhất trong 25 nhóm ngành, nhưng mỗi nhóm đều giảm 50 chỉ tiêu so với năm ngoái. “Chúng tôi không chạy theo số lượng. Vì thế, việc Học viện giảm chỉ tiêu tuyển sinh cũng nhằm củng cố và tiếp tục tăng cường chất lượng đào tạo” - GS.TS Phạm Văn Cường nhấn mạnh.
Theo GS.TS Phạm Văn Cường, nhiều năm nay, tỷ lệ sinh viên có việc làm của khối ngành nông nghiệp luôn ổn định, thậm chí một số lĩnh vực còn thiếu nguồn nhân lực. “Thí sinh cần cân nhắc trước khi lựa chọn, đăng ký ngành học. Ngoài các yếu tố về năng lực, hoàn cảnh gia đình, sở thích, thí sinh nên tham khảo nhu cầu nguồn nhân lực với ngành nghề mình dự định đăng ký. Không nên “chạy theo” tên ngành được cho là “mĩ miều”, hiện đại” - GS.TS Phạm Văn Cường khuyến nghị.
TS Lê Xuân Thành – Trưởng Phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) – thông tin: Năm nay, nhà trường giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên sẽ có điều chỉnh về chỉ tiêu với các phương thức tuyển sinh. Dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu với phương thức xét tuyển bằng học bạ và tuyển thẳng. Ngoài ra, nhà trường cũng tính đến phương án sử dụng kết quả từ Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và bài kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Theo TS Lê Xuân Thành, ngoài một số trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh, vẫn có nhiều trường thông báo tăng chỉ tiêu. Điều này thuộc quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, việc tăng – giảm chỉ tiêu cần được cân nhắc kỹ và nên có khảo sát dựa trên bài toán tổng thể về thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề. Song, dù tăng hay giảm cũng cần xác định, chất lượng là yếu tố hàng đầu, coi người học là “khách hàng” nhằm đáp ứng sự hài lòng tốt nhất.
TS Lê Xuân Thành cho rằng: Việc mở thêm ngành mới cho thấy sự năng động, linh hoạt của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý, nghiên cứu kỹ trước khi lựa chọn những ngành mới. “Các em nên đối chiếu với năng lực học tập của mình, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu thị trường để có lựa chọn sáng suốt” – TS Lê Xuân Thành đưa ra lời khuyên.