Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020: Đồng loạt điều chỉnh chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển

GD&TĐ - Theo quy định, trước ngày 18/9 các trường phải công bố công khai việc điều chỉnh phương thức tuyển sinh và điểm sàn xét tuyển. Nhiều trường đã công bố việc điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu phương thức xét học bạ THPT theo hướng giảm, tăng chỉ tiêu phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp tình hình.

Nhiều trường ĐH đã điều chỉnh đề án tuyển sinh 2020. Ảnh minh họa
Nhiều trường ĐH đã điều chỉnh đề án tuyển sinh 2020. Ảnh minh họa

Điều chỉnh vì tỉ lệ xác nhận nhập học thấp

Đến thời điểm này, học sinh trúng tuyển các phương thức khác (trừ dùng kết quả tốt nghiệp THPT) đã xác nhận nhập học. Theo thông tin từ các trường, tỉ lệ học sinh xác nhận nhập học không cao, chỉ từ 30 - 60% tổng chỉ tiêu. Do đó, các trường phải điều chỉnh tỉ lệ từng phương thức xét tuyển lần cuối, bảo đảm không thiếu hụt chỉ tiêu.

ThS Phạm Thái Sơn - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) cho biết: Nhà trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT 2020. Việc điều chỉnh có thể hạ chỉ tiêu xét học bạ THPT từ 40% xuống còn 20 - 30% và nâng chỉ tiêu phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 40% lên 60 - 70% cho phù hợp tình hình. 

Tương tự, Trường ĐH Mở TPHCM cũng thông báo điều chỉnh chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển học bạ THPT theo hướng thấp xuống, gia tăng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi THPT 2020. Cụ thể, chỉ tiêu dành cho phương thức xét học bạ THPT công bố trong đề án tuyển sinh là 70% nay điều chỉnh xuống còn 30%, phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 30% điều chỉnh lên 70%.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (tổng chỉ tiêu hơn 6.000) đã điều chỉnh chỉ tiêu xét học bạ THPT từ 50% xuống còn 20%, nâng chỉ tiêu phương thức xét bằng điểm thi từ 50% lên thành 70 - 80% (còn lại dành cho tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển).

Theo TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh & Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, việc điều chỉnh chỉ tiêu từng phương thức do tỉ lệ xác nhận nhập học phương thức xét học bạ THPT thấp, hơn nữa trường muốn gia tăng cơ hội cho thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, nhất là thi tốt nghiệp THPT đợt 2. 

Phụ huynh và thí sinh tìm hiểu và nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Phụ huynh và thí sinh tìm hiểu và nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Chỉ tiêu còn nhiều không đồng nghĩa cơ hội trúng tuyển lớn

Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh chỉ tiêu do năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh cao trong khi ngưỡng điểm sàn xét tuyển nhiều trường công bố ở mức vừa phải nên thí sinh bỏ cơ hội trúng tuyển học bạ để chọn xét vào trường tốp trên, ngành nghề mình yêu thích hơn. 

“Trường ĐH Nông Lâm TPHCM sẽ có điều chỉnh tổng chỉ tiêu các phương thức tuyển sinh, nhất là với phương thức xét học bạ THPT (công bố 40 - 50% chỉ tiêu). Nhà trường đang tính toán cho phù hợp từng nhóm, khối ngành nên chưa có tỉ lệ cụ thể. Việc điều chỉnh chỉ tiêu phương thức xét tuyển là điều bình thường nhằm bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh. Vấn đề là không hẳn chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi THPT tăng lên thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn, do đó thí sinh cần phải hết sức thận trọng” - TS Lý nói. 

Thực tế, thời gian qua điểm sàn xét tuyển mà hàng loạt trường đại học công bố cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy rõ điều đó. Ngưỡng điểm sàn xét tuyển các trường đồng loạt đều tăng từ 1 - 2 điểm so với năm 2019, nhiều ngành “hot” thậm chí tăng đến 3,5 điểm. 

Đơn cử, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM năm 2020: Chương trình tiên tiến khoa học máy tính (điểm chuẩn năm 2019: 24,60 điểm) năm nay dự đoán sẽ tăng lên 26,00 – 28,00 điểm. Nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin (năm 2019: 25,00 điểm) dự đoán sẽ tăng lên 26,00 – 27,50 điểm. Chương trình chất lượng cao công nghệ thông tin (năm 2019: 23,20 điểm) dự đoán điểm chuẩn 2020 sẽ tăng lên 24,50 – 26,00 điểm. Chương trình Việt - Pháp công nghệ thông tin (năm 2019: 21,00 điểm) dự đoán sẽ tăng lên 22,00 – 23,00 điểm. Ngành công nghệ sinh học (năm 2019: 22,25 điểm) dự đoán sẽ tăng từ 1,25 - 2,25 điểm.

ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin & Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM nhìn nhận: Tỉ lệ xác nhận nhập học các phương thức khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT khá thấp, buộc các trường phải điều chỉnh tổng chỉ tiêu từng phương thức để công tác tuyển sinh không “trật đường ray”. Thí sinh cần phải dè chừng với ngưỡng điểm sàn từng ngành, trường đã công bố. 

Theo ThS Phùng Quán, năm 2020 ngoài các ngành như y dược, đào tạo giáo viên, nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hóa học, công nghệ thực phẩm, kiến trúc – kỹ thuật, dịch vụ – du lịch, nhà hàng, khách sạn, quản trị kinh doanh… điểm chuẩn sẽ tăng mạnh, các ngành còn lại điểm sẽ không tăng nhiều, thậm chí nhiều ngành có ít thí sinh đăng ký. 

“Học sinh sẽ được thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng bắt đầu từ ngày 19/9. Các em chỉ được thay đổi, điều chỉnh 1 lần nên cần suy nghĩ cẩn thận trước khi nhấp chuột và nộp phiếu điều chỉnh nguyện vọng, đồng thời cần xem lại những nghề mình thích và những ngành học liên quan. 

Đặc biệt là xem các tổ hợp điểm thi của mình, điểm chuẩn, học phí và môi trường học, sau đó các em ghi nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên: Ngành yêu thích nhất, trường yêu thích nhất là nguyện vọng 1, rồi các nguyện vọng khác xếp theo thứ tự mức độ yêu thích giảm dần, tránh tình trạng nộp vào ngành mình thích mà không cân lượng điểm thi” - ThS Phùng Quán đưa ra lời khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.