Điều cần biết để tự học tốt trong mùa dịch Covid-19

GD&TĐ - Với tình hình dịch bệnh đang phức tạp, nhiều tỉnh, thành đã cho học sinh tạm dừng đến trường, ở nhà tự học. Nhưng không phải học sinh nào cũng có khả năng tự học tốt. Để tự học tốt thì cần phải làm thế nào?

Các em học sinh Bắc Giang học trực tuyến. Ảnh: ITN
Các em học sinh Bắc Giang học trực tuyến. Ảnh: ITN

Thường xuyên liên hệ với thầy cô bộ môn

Giáo viên bộ môn là người trực tiếp giảng dạy. Họ là người am hiểu từng học sinh với ý thức, thái độ cũng như khả năng học tập như thế nào. Trên cơ sở đó, họ cung cấp tài liệu cho học sinh của mình phù hợp với đối tượng, đặc biệt là phù hợp về mặt năng lực.

Tài liệu mà thầy cô bộ môn cung cấp, học sinh phải tận dụng để củng cố kiến thức, kĩ năng làm bài tập cơ bản, từ đó nâng cao lên. Chính vì cách học từ cơ bản đến nâng cao nên nhiều học sinh rất vững chắc về kiến thức và thành thạo về kĩ năng.

Nhiều em ngại tiếp xúc hay liên lạc với thầy cô bộ môn vì “sợ” nhưng thực ra thầy cô rất muốn học sinh của mình hỏi bài, trao đổi, thảo luận với mình. Khi được các em nhờ thầy cô hướng dẫn, giúp đỡ, chắc chắn các thầy các cô sẽ không bao giờ từ chối.

Phải có thời khóa biểu tự học rõ ràng, khoa học, hợp lí

Việc tự học môn này hay môn khác không thể tùy tiện, bừa bãi, tùy hứng, mà cần phải có thời gian biểu.

Ví dụ, buổi sáng học môn gì, buổi chiều học môn nào, buổi tối phải có thời gian ôn tập lại những gì buổi sáng và buổi chiều đã học. Nhưng thời gian biểu cũng không được ôm đồm, muốn làm mọi thứ trong một ngày, như thế, các em vừa kiệt sức vừa học không hiệu quả.

Thời gian biểu cũng cần căn cứ vào khả năng, sức lực của bản thân và điều kiện bên ngoài nữa. Lập thời gian biểu tự học xong, bạn cảm thấy thoải mái và có động lực lớn lao để bước vào khám phá tri thức, đó mới là cách hay.

Còn ngược lại các em sẽ cảm thấy áp lực hơn, nặng nề hơn, trước sau gì người học cũng cảm thấy bị kiệt sức, không còn đủ sức lực và tinh thần để "trường kì kháng chiến" nữa. Đó là thất bại.

Cần kiên nhẫn, không được nôn nóng muốn xong việc nhanh

Nhiều em muốn học xong cho nhanh một nội dung nào đó đã tìm cách đọc nhanh, ghi tắt, học qua loa, đại khái.

Có thể em đó tiếp thu nhanh. Nhưng cái gì đến nhanh cũng đi nhanh. Nếu em học nhanh, nhanh tiếp thu, nhanh nhớ kiến thức thì em cũng trở nên mau quên hơn. Phương châm của tự học hiệu quả là chậm mà chắc vẫn hơn so với nhanh mà không chắc.

Chậm ở đây không phải là đọc chậm hay viết chậm, mà cần phải học thật kĩ một nội dung, một bài học hay một chủ đề. Để học kĩ thì không có cách đi tắt đón đầu, mà phải là sự phối hợp của nhiều yếu tố như ghi nhớ, củng cố, luyện tập và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề đặt ra theo một tình huống giả định hay có thực.

Khi chưa làm được một bài văn, chưa giải xong một bài tập thì cũng không nên chán nản, bởi vì nếu dễ thì còn gì thú vị. Vấn đề hay bài toán khó mà chúng ta giải quyết được, không phải lúc nào cũng nhanh, gọn được.

Nhiều vấn đề khó, bài tập khó cần phải có nhiều thời gian suy nghĩ, tìm tòi thêm mới có sự hiểu biết về đối tượng một cách rõ ràng. Vì vậy, rèn luyện đức tính kiên nhẫn chính là nền tảng cho sự tiến bộ của một con người.

Cần có sách hay tài liệu tham khảo

Sách giáo khoa cung cấp những kiến thức cơ bản. Học sinh dựa vào những kiến thức đó để phát triển, mở rộng thêm, muốn làm được điều đó cần phải có sự hỗ trợ không chỉ từ thầy cô hay bạn bè, mà còn đến từ những cuốn sách hay tài liệu tham khảo.

Học sinh thời nay có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho việc tham khảo, đó là Internet. Chỉ cần chiếc smartphone và kết nối mạng, học sinh có thể tìm kiếm gần như bất cứ thông tin, sách hay tài liệu nào mong muốn. Nếu không có những điều kiện trên, học sinh có thể liên hệ với thư viện để mượn sách về nhà đọc.

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng - Hà Nội dạy trực tuyến. Ảnh: Thế Đại
Giáo viên Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng - Hà Nội dạy trực tuyến. Ảnh: Thế Đại 

Rời xa mạng xã hội và game

Những thứ này ngốn rất nhiều thời gian học tập. Nếu không kiểm soát tốt việc sử dụng những thứ này, người tự học rất dễ đánh mất thời gian, mà lại không tập trung để học tập một cách tốt nhất. Tự học như vậy rất vô ích.

Nhà trường, thầy cô khuyến cáo rất nhiều về những người trẻ sử dụng lướt facebook, nhưng việc học sinh rời bỏ nó đâu có dễ. Thầy cô, cha mẹ, hay bạn bè nhắc nhở vẫn chỉ là những thứ bên ngoài tác động vào. Có thay đổi được hay không chỉ mình người học có quyết tâm cao độ hay không mà thôi. Hãy thực hiện khẩu hiệu: Giờ nào việc nấy. Học cho ra học. Chơi cho ra chơi. Có như thế mới hiệu quả được.

Học tập và nghỉ ngơi hợp lí

Nhiều học sinh vì đam mê tự học nên từ sáng đến tối, lúc nào cũng chỉ có biết học và học. Như thế cũng chưa chắc đã tốt. Tốt nhất là phối hợp nhịp nhàng, điều độ giữa học và chơi (lúc nghỉ ngơi có thể tranh thủ làm việc nhà giúp bố mẹ).

Học nhiều giờ trong cùng một lúc, sự tiếp thu sẽ suy giảm, không có hiệu quả, tốn thời gian, tốn sức. Còn nghỉ ngơi, chơi nhiều quá cũng không tốt vì sẽ sao nhãng chuyện học tập, chắc chắn không thể tiến bộ.

Học sinh nên học khoảng 45 phút, sau đó dành 5 – 10 phút nghỉ giải lao, trong giờ giải lao có thể vươn vai tay chân cho đỡ tù túng hoặc cầm chổi quét nhà cho gia đình. Mỗi buổi học chỉ nên học chừng 3 – 4 tiết.

Tự học phải chuyên tâm

Giờ nào việc nấy, mới có thể tập trung chú ý. Ở mỗi thời điểm chỉ nên làm một việc, không nên vừa học vừa xem tivi. Tập trung tốt, học sinh mất ít thời gian nhưng hiệu quả học tập lại rất cao.

Những ai đã từng có kinh nghiệm trong việc tự học đều cho rằng, khi học hãy chỉ biết đến việc học, và tập trung vào nó. Học xong rồi hãy làm việc khác, không được nhảy từ việc này sang việc khác, tùy tiện, tùy hứng.

Bồi bổ cho cơ thể

Học tập nghiêm túc rất vất vả, và đương nhiên tiêu tốn nhiều năng lượng. Do đó, học sinh cần cung cấp cho cơ thể đủ chất, đủ năng lượng để đảm bảo rằng trong quá trình tự học không bị phân tâm bởi bụng đói.

Ăn uống hợp lí cũng được quan tâm hàng đầu, chứ không đơn giản là cứ thấy cái gì ăn được cũng bỏ vào miệng nhai ngấu nhai nghiến. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...