Tự học ở nhà: Không thể “đóng cửa” để dạy trẻ nên người

GD&TĐ - Những ngày qua, dư luận xôn xao về câu chuyện của 2 em học sinh ở TPHCM nghỉ hẳn ở trường phổ thông để tự học. Đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, trong đó có ý kiến phản đối nhưng cũng có một số ý kiến kỳ vọng vào phương pháp giáo dục “tại gia”. 

Tự học ở nhà: Không thể “đóng cửa” để dạy trẻ nên người

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quý Đôn - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ.  

Tự học là rất cần thiết

Theo ông Nguyễn Quý Đôn, tự học là một hình thức học, học ở trường cũng là một hình thức học. Từ thời xa xưa, khi chưa có trường lớp nhiều như hiện nay thì người ta đã học ở nhà, học mọi nơi, mọi lúc, đó chính là một hình thức học hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, tự học vẫn được nhà trường khuyến khích học sinh áp dụng song song với việc học trên lớp.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động nên việc tự học của học sinh ít nhiều bị ảnh hưởng; thậm chí việc tự học không được chú trọng như trước. Thực tế là có em học sinh chỉ đến trường học, làm theo bài mẫu rồi về nhà dành hết thời gian cho việc đi học thêm, học năng khiếu... Chính những yếu tố này đã chiếm hết thời gian để các em tự học, tự tìm hiểu kiến thức sau bài học trên lớp.

Nếu một học sinh không tự học, chỉ ỷ lại vào việc học thêm hay bám vào mấy tiết học ở nhà trường thì khó mà đảm bảo được chuẩn kiến thức, kỹ năng. Do đó, bên cạnh việc học ở nhà trường, tinh thần tự học có vai trò vô cùng quan trọng. Tự học là sự chủ động, tích cực, độc lập tìm hiểu, lĩnh hội tri thức và hình thành kỹ năng cho bản thân. Tự học có thể là khi nghe giảng, đọc sách hay làm bài tập, cần tích cực suy nghĩ, ghi chép, sáng tạo nhằm rút ra những điều cần thiết, hữu ích cho bản thân. Tự học có khi là tự mày mò tìm hiểu hoặc có sự chỉ bảo, hướng dẫn của thầy cô giáo và cha mẹ hay người thân trong gia đình.

Tuy nhiên, qua câu chuyện của hai em học sinh ở TPHCM nghỉ hẳn ở trường phổ thông để tự học tại nhà thì theo tôi là không thể được. Bởi vì học ở trường là hình thức học tập trung, học chính quy, là nền giáo dục toàn diện. Nhà trường không phải chỉ dạy học sinh hiểu lý thuyết, giải bài tập mà ở đó, còn có vai trò giáo dục và giáo dưỡng. Đó là nhà trường vừa trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng, rèn luyện thể chất, đạo đức, tâm hồn để giúp con người trưởng thành, phát triển toàn diện…

Bên cạnh đó, nhà trường còn có chức năng vô cùng quan trọng là giáo dục ý thức tập thể, giáo dục tính sáng tạo và học sinh có thể học tập lẫn nhau trong môi trường lớp học… Câu chuyện “đóng cửa” dạy con được nhiều người cho rằng đó là cách mạo hiểm với tương lai của con, bởi không thể “đóng cửa” để “nhào nặn” một đứa trẻ nên người. Không phải phụ huynh nào cũng đủ tiềm lực về kinh tế, thời gian và cả tri thức để dạy con ở tất cả các lĩnh vực.

Trường học là môi trường tốt nhất để truyền dạy tri thức

Nếu cho con ở nhà tự học thì liệu cha mẹ có thể đảm bảo việc giảng dạy tốt hơn ở nhà trường hay không? Đâu chỉ đơn giản là chỉ cho con hiểu lý thuyết của bài Toán, Lý, Hóa rồi giải bài tập. Mà giáo dục phải hiểu là giáo dục toàn diện, làm sao đảm bảo cho các em học sinh luôn được tiếp xúc và học tập trong môi trường cùng bạn bè. Sẽ vô cùng nguy hiểm khi hình thành thói quen hoặc tư duy theo kiểu “một mình làm hết mọi việc”, điều đó sẽ làm mất đi tính tập thể, đồng đội.

Giáo dục tại trường học là môi trường tốt nhất để truyền dạy tri thức, trường học vẫn là môi trường không thể thiếu để rèn luyện nhân cách cho trẻ. Bởi vì hệ thống giáo dục quốc dân đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ mục tiêu đào tạo tương ứng từng cấp học, được xác định dựa trên điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đặc điểm của lứa tuổi học sinh, yêu cầu của thị trường lao động cũng như yêu cầu về sự phát triển hài hòa, toàn diện của các em. 

“Câu chuyện về một gia đình ở TPHCM vì quá “áp lực” với chuyện học hành, thi cử ở trường của con đã quyết định cho con tự học ở nhà chỉ là trường hợp cá biệt. Chúng ta không thể lấy vài trường hợp nghỉ học ở trường để tự học ở nhà rồi phủ nhận cả nền giáo dục có bề dày lịch sử. Không thể có chuyện tất cả học sinh không đến trường mà học ở nhà để thành tài”. Ông Nguyễn Quý Đôn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ