Diễn viên vào vai “Thị Nở” ngày ấy, bây giờ...

NSƯT Đức Lưu không giống với hầu hết những diễn viên cùng thời của mình, bởi cuộc đời bà, giống như sự sắp đặt của số phận, đều là thiên duyên.

Diễn viên vào vai “Thị Nở” ngày ấy, bây giờ...

Bà chỉ tham gia vài ba vai diễn trên màn ảnh nhỏ nhưng tên tuổi của bà, đặc biệt với vai diễn Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” (đạo diễn Phạm Văn Khoa) đã đưa tên tuổi bà sống mãi cùng thời gian Không chỉ thế, bà có những câu chuyện tình diễm lệ, là những dấu mốc quan trọng khiến cuộc đời bà chuyển sang một lối rẽ khác, cũng đầy dư ba. Ở tuổi 78, bà an nhiên tuổi già, sống thanh thản ngày ngày tụng kinh niệm phật, đi làm từ thiện. Những lúc rỗi rãi, bà ngồi ôn lại kỷ niệm xưa như một hoài niệm và định mệnh không thể nào chối bỏ...

Ăn lộc… Thị Nở

Bà vẫn ở trong con ngõ ấy, hơn 30 năm có lẻ. Con ngõ khá ngoằn ngoèo cạnh Đình làng Trung Tự. Bà đích thân ra đầu ngõ đón tôi, vì như bà nói, đến nhà bà lần đầu sẽ khó tìm được lối vào. Căn nhà yên tĩnh và thoáng mát, tách biệt với sự ồn ào ngoài con phố lớn chỉ cách chừng vài chục mét.

Bà khiến tôi ngạc nhiên với vẻ ngoài của một người phụ nữ đã ở tuổi gần 80, làn da căng mịn, nhẹ nhàng, tháo vát và minh mẫn. Bà dường như không quên điều gì trong ký ức, và tất cả, lại như một thước phim quay chậm lại cuộc đời của người nghệ sĩ xinh đẹp, đầy hoài bão và mơ ước.

NSƯT Đức Lưu sinh trưởng trong một gia đình danh giá. Bố bà từng là Chánh án TAND ở Nam Định, mẹ bà là con quan huyện ở tỉnh Hải Dương. Bởi vậy, bà vốn dĩ sung sướng từ bé, mê đọc sách và có những thú vui tao nhã cầm kỳ thi họa.

Năm 1962 bà tốt nghiệp khóa diễn viên đầu tiên Trường Điện ảnh Việt Nam, cùng khóa với NSND Trà Giang, Thụy Vân, Thế Anh... Trước đó bà đã kịp ghi danh trên màn bạc trong phim truyện thứ hai của điện ảnh cách mạng Việt Nam “Cô gái công trường” của đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi với vai chính “cô Mận”.

Năm 1963, bà đã nhận một vai trong vở kịch “Trung phong chết trước lúc bình minh” của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Và cũng chính ông, sau này khi thực hiện bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” sau khi thử vai đến gần chục diễn viên không đạt, đã đến thẳng nhà NSƯT Đức Lưu, “quẳng” kịch bản lên bàn và bảo: “Cô nhận cho tôi vai diễn này nhé!” mà chẳng cần thử trước.

Đạo diễn Phạm Văn Khoa nói thêm: “Anh mời cô đóng nhưng chỉ sợ cô không có lòng dũng cảm để nhận!". NSƯT Đức Lưu đáp lại: "Em chỉ sợ em không có tài năng!".

Khi đó, bà đã biết đó là vai diễn Thị Nở, vì bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” đã tìm đủ diễn viên, chỉ còn thiếu vai Thị Nở vì xấu quá, lại vô duyên, nên không phải diễn viên nào cũng hào hứng thử sức với vai diễn ấy. NSƯT Đức Lưu đã có chồng và hai con, người con trai thứ hai, Trần Nhật Minh lúc ấy mới được 5 tuổi. Bà cầm kịch bản trên tay, đọc xong trong buổi tối. Rồi cùng cho chồng đọc.

Thực ra tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao bà đã thuộc lòng bàn tay từ xa xưa, bởi trong quá trình học trường Sân khấu - Điện ảnh, để giết thời gian rỗi, bà còn học Tổng hợp văn, giảng văn là Giáo sư Hoàng Như Mai. Trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, Thị Nở xuất hiện không nhiều nhưng lần nào xuất hiện là nhớ lần ấy. Người ta nhớ cô vì vẻ ngoài xấu xí “ma chê quỷ hờn”.

Xưa nay, các nữ diễn viên ai chẳng muốn nhận những vai diễn đẹp, chính vì lẽ đó, thực sự là một điều dũng cảm khi hóa thân vào một nhân vật có ngoại hình xấu xí. Mấy ngày sau, bà đến xưởng phim thử vai, chỉ mặc vào một cái váy đụp, thử trích đoạn Thị Nở bê vào cho Chí Phèo bát cháo hành ăn giải rượu, thế mà cả khán phòng đều vỗ tay không ngớt bảo “Thị Nở đây rồi!”.

Hai tháng tiếp đó là những ngày miệt mài bà “ăn Thị Nở”, “ngủ Thị Nở”. Hoàn toàn không ngờ rằng, một người phụ nữ xinh đẹp như bà, là người mẫu trong khá nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ lại trở thành một người đã xấu “ma chê quỷ hờn” lại còn vô duyên như Thị Nở (bà vẫn còn giữ những bức tranh vẽ chân dung của bà khắp từ tầng 1 đến tầng 3 ngôi nhà đang ở). Thành công ban đầu thuộc về tài năng diễn xuất của Đức Lưu, và một phần không thể thiếu là tài hóa trang với một thân hình xấu nhưng vẫn đáng yêu như Thị Nở trên màn ảnh nhỏ.

Bà chia sẻ: “Để có một Thị Nở khuôn mặt xấu xí như thế, tôi đã được đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa đến Bệnh viện Việt Đức để "thửa" riêng một bộ răng đen hạt na. Còn khi diễn thì mũi phải đắp cao su rồi bôi phẩm đỏ ở đầu mũi, hai bên má ngậm bông băng sao cho bề ngang rộng hơn chiều cao của khuôn mặt. Nói chung là sau khi hóa trang bước ra, cả đoàn làm phim đều ồ lên: "Thị Nở đây rồi!".

Thị Nở là một vai khổ hạnh, dở hơi vì thế mà có lúc hóm hỉnh, hóa trang làm sao mà phải xấu, xấu nhưng diễn tưng tửng thì vẫn có nét dễ thương, không đáng ghét mà chỉ đáng thương. Nói vậy thôi chứ Thị Nở đã là nhân vật của văn học, khi đưa lên màn ảnh, diễn viên không đủ bản lĩnh thì rất khó thể hiện thành công vai diễn.

Điều đặc biệt nhất là trong phim có cảnh Thị Nở “lật yếm”, đó là một cảnh khá nhạy cảm những năm 82 và rất hiếm hoi trên màn ảnh. Thực ra trong kịch bản không có chi tiết đó, có thể đó là ngụ ý của đạo diễn Phạm Văn Khoa vì tôi cho rằng, những người phụ nữ như chúng tôi thời ấy thường có suy nghĩ truyền thống và rất hạn chế, thậm chí là từ chối những “pha” như thế.

Tôi là người đã có chồng, con thì điều đó lại càng khó chấp nhận. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là nghề của người đạo diễn mà ông rất khôn khéo cho vào phần sau. Nhờ vậy mà tôi có được một vai diễn để đời và vẫn “ăn lộc" của vai diễn Thị Nở cho tới ngày hôm nay...

Diễn viên vào vai “Thị Nở” ngày ấy, bây giờ... ảnh 1NSƯT Đức Lưu.
Mối tình đầu với nhà thơ “Đồng chí”

Ai đã từng xem bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, hẳn vẫn còn nhớ cảnh Thị Nở dở dở, ương ương, dở dở nhưng lại rất mộc mạc, chân thành trong tình yêu. Đưa mối tình của Chí Phèo và Thị Nở trở thành “mối tình đẹp nhất trong văn học và điện ảnh Việt Nam” như nhiều người vẫn nói vui.

Để có được một vai diễn ấy, NSƯT Đức Lưu cũng phải trả giá rất nhiều nỗi đau đớn từ phía cá nhân, và bà đã đưa một phần câu chuyện riêng tư của mình hóa thân vào vai diễn. NSƯT Đức Lưu chia sẻ: Trong phim có cảnh quay Thị Nở bị Chí Phèo quát nạt làm rơi rổ cà chua. Cái lúc rơi rổ cà chua, là lúc tôi liên tưởng đến “cái tát định mệnh” đã khiến tôi phải chấm dứt mối tình dài 5 năm với anh Chính Hữu, tác giả bài thơ “Đồng chí” nổi tiếng trong văn học cách mạng Việt Nam.

Chả là hồi ấy, tôi mới tầm ngoài hai mươi tuổi. Sau một năm công tác ở Trung đoàn 151, tôi được chuyển sang Đoàn ca múa II thuộc Tổng cục Chính trị. Tôi đã gặp Đoàn trưởng, là nhà thơ Chính Hữu. Ông hơn tôi 20 tổi, nhưng vẫn chưa lập gia đình. Như một cái duyên, trong quá trình dìu dắt tôi trưởng thành và thấm nhuần lý tưởng cách mạng, giũa chúng tôi đã có tình yêu, một mối tình trong sáng và đẹp đẽ. Chúng tôi đã có 5 năm bên nhau, hai gia đình cũng đã hứa hẹn việc kết hôn. Tôi đã chuẩn bị nửa chỉ vàng cho anh ấy làm quà tặng, mẹ tôi cũng chuẩn bị thêu đôi gối cho hôn lễ.

Nhưng có lẽ mối tình ấy có duyên nhưng không có phận. Trong lớp diễn viên hồi ấy, tôi là lớp trưởng và đợt thực tập, tôi cùng các diễn viên đi thực tế ở nông trường Rạng Đông (Nam Định). Đợt ấy đến Thứ sáu mọi người về lại Hà Nội hết, chỉ còn tôi là trưởng lớp nên phải ở lại ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, lại phải ở lại đợi đến thứ Hai để lấy giấy nhận xét của địa phương.

Cùng ở lại có bí thư đoàn thanh niên là anh Trung Tín (phát thanh viên của Đài Phát thanh Việt Nam khi đó, học lớp diễn viên cùng khóa tôi). Hồi ấy đi lại tàu xe khó khăn, lại chẳng có điện thoại để thông báo như bây giờ. Rồi thứ Hai cũng tới, buổi chiều tôi hớt hải về Hà Nội, mang theo bao nhiêu quà, một rổ trứng và khoai tây bê khệ nệ đến Phòng Văn nghệ đưa cho anh Chính Hữu làm quà.

Tưởng rằng người yêu mừng vui sau thời gian xa nhau, nào ngờ vừa đến cửa phòng, tay tôi đang ôm rổ trứng và khoai thì bỗng đâu anh ấy xuất hiện, giáng một cái tát “nổ đom đóm mắt” hằn cả bàn tay từ chính người đàn ông là chồng sắp cưới của mình. Đó là cái tát định mệnh, tôi vừa đau đớn, vừa choáng váng và hai tay đã buông rổ trứng rơi từ lúc nào, tôi ôm mặt chạy một mạch dọc con đường Lý Nam Đế, nước mắt như mưa và lòng thì đầy uất hận. Cái tát đó ám ảnh tôi đến nỗi, sau này, trong vai diễn Thị Nở, cảnh rơi rổ cà chua chính là lúc tôi hồi tưởng lại rổ trứng trên tay mình.

Sau này tôi hiểu ra là có lẽ anh ấy vì yêu quá nên ghen tuông vô cớ, quan trọng là anh ấy không tin tưởng người yêu. Chính vì thế, sau này anh ấy có xin lỗi, rồi nhà văn Hữu Mai (lúc đó là Trưởng ban Văn nghệ) đã đứng lên thay mặt Chính Hữu bày tỏ lời xin lỗi và hàn gắn tình cảm. Nhưng tôi không thể vượt qua được nỗi giận.

Với lại, hồi ấy tôi có về hỏi ý kiến cụ thân sinh tôi, ông vốn là một chánh án nên suy nghĩ rất thấu đáo. Ông bảo, nếu con chấp nhận lấy Chính Hữu, thì con phải bỏ nghiệp diễn, và ngược lại. Và tôi đã quyết định không gặp anh Chính Hữu nữa.

Nhiều người tiếc cho mối tình 5 năm trời vun đắp của chúng tôi. Nhưng tôi chắc chắn đó cũng là số phận đã được định đoạt. Chúng tôi có duyên mà không có phận. Cũng chính vì thế, bây giờ tôi mới có một Thị Nở trên màn ảnh nhỏ.

Gia đình êm ấm

Sau khi tình yêu đầu đổ vỡ, NSƯT Đức Lưu đã có một thời gian đau khổ và chông chênh, bà đã lấy công việc để xua tan phiền muộn. Bà đăng ký lớp học tiếng Anh buổi tối tại Trường ĐH Tổng hợp. Chính nhờ việc học thêm đó, bà đã quen nhà khoa học, GS.TS. Trần Hạ Phương, khi ấy là cán bộ giảng dạy Trường ĐH Tổng hợp, ở tại khu ký túc xá phố Lò Đúc.

Có lẽ thấy bà là cô gái xinh đẹp nhưng cứ đi về lủi thủi một mình nên ông đã mạnh dạn hỏi: “Xin phép được đưa chị về nhà!”. Thời điểm đó, ông vừa học ở Đức về, đi xe đạp đến lớp nên khi được sự đồng ý của bà, ông dắt xe đưa bà về qua ĐH Tổng hợp rồi ký túc xá Cao Bá Quát nơi bà đang ở. Những hôm thứ Bảy thì hai người cứ đi vòng quanh tới 4 vòng từ nhà ông ở Lò Đúc đến Cao Bá Quát rồi ngược lại, lưu luyến không hết chuyện.

Diễn viên vào vai “Thị Nở” ngày ấy, bây giờ... ảnh 2NSƯT Đức Lưu và chồng, giáo sư Trần Hà Phương.
Rồi như duyên tiền định, họ làm đám cưới vào đúng ngày Hiến chương các nhà giáo 20-11-1962 tại 57 Mã Mây. Bạn bè đến chung vui, mỗi người góp một câu chuyện vui vẻ, đám cưới diễn ra suốt 3 ngày liền. Bà sinh cho ông hai người con trai. Ông là người đã mang đến cho bà một cuộc sống trọn vẹn hạnh phúc, bù đắp tất cả những thiệt thòi mà bà chưa có được trước đó. Ông trân trọng nghệ thuật, trân trọng con đường mà vợ theo đuổi. Sau này, khi bà đóng vai Thị Nở, có người còn bảo sao lại cho vợ đóng vai... xấu thế. Ông chỉ cười, không nói gì.

Khi con của bà, anh Trần Duy Phương (nguyên Tổng Biên tập Báo Lao động) hồi ấy học cấp 2 bị bạn bè và các phụ huynh riết róng đi tìm để... xem con của Chí Phèo và Thị Nở “đẻ trong cái lò gạch như thế nào” đã trốn học, cũng chính chồng bà là người động viên con, đưa đón con đến trường và luôn ủng hộ bà tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật của mình.

Bà bảo, hai ông bà sống với nhau trọn vẹn 50 năm, chẳng bao giờ có cãi vã, ông là người ít nói nhưng đầy thông minh để dẫn dắt, chăm sóc tình cảm của hai người và luôn bên cạnh động viên bà. Điều khiến bà buồn nhất là đúng vào thời điểm chuẩn bị làm đám cưới vàng thì ông đổ bệnh mất tại nhà riêng (năm 2012).

Sau vai diễn Thị Nở, với cái bóng quá lớn, bà từ bỏ nghiệp diễn, về Thành ủy Hà Nội làm ở Ban Đối ngoại, giữ chức thư ký thường trực của Ủy ban Đoàn kết với các nước. Bà khép lại chặng đường làm nghệ thuật của mình dù vẫn dõi theo những bộ phim của các thế hệ con cháu. Bây giờ, bà thanh thản tuổi già, sống giản đơn, vui vầy với gia đình hai người con trai. Bà thỉnh thoảng đi đây đó làm từ thiện và thăm nom những người bạn cũ.

Đối với bà, những gì được mất ở đời đều là số phận. Bà luôn cảm thấy đủ và an phận với những gì mình đã có được trong cuộc đời này...

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ