Có ai còn nhớ về thời kỳ hoàng kim của Nokia, về giai đoạn vàng của bút cảm ứng stylus hay thời của những sản phẩm điện thoại từ châu Âu? Và còn nhiều điều nữa mà bạn có thể không còn nhớ, nhưng hãy cùng xem lại khi tua ngược về quá khứ và chứng kiến những thành tựu, đổi thay của ngành di động trong 10 năm.
Thời hoàng kim của Nokia
Không phải ngẫu nhiên mà cái tên Nokia trở thành biểu tượng của ngành di động một thời bởi những thứ mà hãng này đã làm được sẽ khó lặp lại trong lịch sử. Năm 2005 có lẽ là cột mốc vàng son nhất trong thời kỳ huy hoàng của Nokia khi hãng này cho ra mắt một loạt các sản phẩm mới.
Trong đó phải kể đến Nokia 7110 với thiết kế độc đáo, lạ mắt mà thoạt nhìn mọi người vẫn lầm tưởng là chiếc điện thoại “thần thánh” trong bộ phim nổi tiếng “Ma trận” năm 1999 (mặc dù thực tế thì không phải như vậy).
Bên cạnh 7110, Nokia cũng cho ra đời các sản phẩm điện thoại dòng Nseries gồm: N70, N90 và N91. Tất cả các sản phẩm này đã tạo nên “cơn lốc” trên thị trường lúc bấy giờ. Xét về mặt thiết kế, N90 gây ấn tượng đặc biệt bởi hãng đã “mạnh dạn” biến một chiếc điện thoại thành thiết bị đa năng có thể gập mở và lật xoay bàn phím, màn hình theo các hướng.
Và giả như có một hãng nào đó muốn mua lại thiết kế này để mang về sản xuất thì chắc hẳn sẽ vẫn còn rất nhiều khách hàng muốn “rinh” về một chiếc điện thoại cá tính như vậy.
Màn hình cảm ứng cứng như… gạch
Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ đến những chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng điện trở của Nokia (và một số hãng khác, bao gồm cả Sony). Ra đời với mục đích cạnh tranh với màn hình cảm ứng điện dung của iPhone, nhưng trớ trêu thay, màn hình cảm ứng điện trở có kết cục vô cùng bi đát và chỉ tồn tại được trên thị trường trong một vài năm ngắn ngủi.
Nhược điểm của các màn hình cảm ứng điện trở là cần đến một lực nhấn khá mạnh nên các thiết bị luôn phải đi kèm cùng một chiếc bút stylus (bút cảm ứng). Và Steve Jobs đã lấy điều này để làm “bàn đạp” trong sự kiện ra mắt iPhone năm 2007 khi tuyên bố rằng: “Chẳng ai cần đến một chiếc bút cảm ứng làm gì cả!”.
Màn hình cảm ứng điện trở cũng tồn tại khá nhiều hạn chế như: không thể nhấn chạm để phóng to thu nhỏ hình, không có bàn phím ảo và làm tăng độ dày của máy (các thiết bị có màn hình loại này đều dày và to như…cục gạch).
Cũng bởi vậy mà dần dà, người dùng cảm thấy phiền toái với việc lúc nào cũng cầm một chiếc bút để nhấn thật mạnh khi muốn tương tác với thiết bị. Và việc gì đến cũng phải đến, màn hình cảm ứng điện trở bị “quay lưng” và nhường chỗ cho các loại màn hình cảm ứng như ngày nay.
Ứng dụng điện thoại ra đời
Thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu thị trương di động không có sự tồn tại của iPhone hay Apple? Chắc chắn là sẽ rất buồn tẻ vì chiếc điện thoại của bạn sẽ chẳng có gì ngoài những chức năng mặc định và một vài trò chơi dành cho di động đã được cài sẵn từ nhà sản xuất.
Nhưng điều may mắn là năm 2008, Apple đã tạo nên dấu mốc lịch sử. Thời điểm đó, Apple nhận thấy thị trường đang có xu hướng chuyển hẳn sang sử dụng màn hình cảm ứng điện dung; và khái niệm về ứng dụng đã được “thai nghén” từ đây.
Ngay cả Microsoft cũng phải thừa nhận rằng một hệ điều hành với quá ít ứng dụng sẽ bị “chết non” trước khi kịp đón nhận bất cứ cơ hội thành công nào. BlackBerry cũng phải “đau lòng” khi nhận ra việc hợp tác với các hệ điều hành đã có sẵn sẽ thuận lợi hơn là việc “một mình đi ngược lại xu thế” bằng hệ điều hành riêng (bất kể hệ điều hành riêng có tốt đến thế nào đi chăng nữa).
Sự trỗi dậy của châu Á
Quay ngược quá khứ trở về 10 năm trước, ít ai nghĩ tới việc sẽ mua điện thoại của một hãng sản xuất từ châu Á ngay giữa thị trường châu Âu sôi động, và nếu có thì chắc chắn người mua đang ưu tiên sản phẩm giá rẻ.
Các “đại gia” ngành di động bấy giờ đều là những nhà sản xuất từ châu Âu như BlackBerry (tiền thân là RIM), Motorola và Nokia. Họ gần như “nuốt” trọn thị trường bởi người tiêu dùng khi đó xem xét thương hiệu như là một trong các yếu tố hàng đầu khi quyết định mua điện thoại.
Nhưng chỉ sau 10 năm, mọi việc đã khác xưa quá nhiều: những “đại gia” di động ngày nào kẻ đã mất, người còn thì vật lộn để tồn tại. Nokia giống “ông vua bị mất ngai” và cũng mất luôn cả thương hiệu khi phải bán đi mảng thiết bị cho Microsoft. Gần như lập tức, Microsoft đã chuyển hướng cho ra mắt các thiết bị chạy hệ điều hành Android khi tiếp quản mọi thứ từ tay Nokia.
Motorola có phần may mắn hơn vì hãng này vẫn tồn tại và giữ được thương hiệu, nhưng cực chẳng đã, Motorola giống như quả bóng bị “đá qua đá lại”, qua tay nhiều chủ sở hữu khác nhau. Và sau khi bị Google nhanh tay lấy đi bằng sáng chế giá trị thì hiện Motorola đang hoạt động như một công ty con của Lenovo.
Để tồn tại, BlackBerry mới đây cũng phải đưa ra quyết định khó khăn là sản xuất dòng sản phẩm chạy hệ điều hành Android, được đặt tên BlackBerry Priv.
Thế chân cho các “đại gia” châu Âu ngày nào lại chính là những nhà sản xuất đến từ châu Á. Trong danh sách 10 nhà sản xuất di động hàng đầu thế giới thì có duy nhất Apple đến từ khu vực ngoài châu Á, còn lại có tới 7 nhà sản xuất đến từ Trung Quốc.
Danh sách này được dự đoán là sẽ còn duy trì như vây trong nhiều năm nữa mới có sự thay đổi. Mặc dù một số hãng chỉ bán chủ yếu tại thị trường châu Á nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm đã “làm mưa làm gió” trên thị trường toàn cầu và trở thành những biểu tượng công nghệ điện thoại như S6 Edge, Xperia Z5, Mate S, G4 và nhiều cái tên khác nữa đều đến từ các thương hiệu của châu Á.
Chỉ trong một thập kỷ mà lịch sử công nghệ đã được chứng kiến quá nhiều đổi thay: nhiều công nghệ mới ra đời, sự hoán ngôi của các thương hiệu và sự nổi lên của những thương hiệu mới. Liệu rằng sau 20, 30 năm nữa, thị trường di động sẽ thế nào?
Chắc hẳn sẽ có nhiều điều thú vị đang chờ đón! Và bạn hoàn toàn có thể tưởng tượng những điều “điên rồ” nhất để xem liệu những dự đoán có thành hiện thực.