Diện mạo TP Huế khi mở rộng

Không gian đô thị Huế trong tương lai sẽ có đủ địa thế núi, sông, biển, đầm phá... với quy mô khoảng 348 km2.

Điểm sáng của đô thị Huế là hệ thống cây xanh dày đặc. Ảnh:Võ Thạnh
Điểm sáng của đô thị Huế là hệ thống cây xanh dày đặc. Ảnh:Võ Thạnh

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án phát triển TP Huế tầm nhìn 2020-2030 với hai giai đoạn.

Trong 5 năm tới, TP Huế sẽ được ưu tiên phát triển, mở rộng về hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương bao gồm TP Huế hiện hữu (71 km2) và 2 xã của thị xã Hương Thủy, 6 xã thuộc thị xã Hương Trà, 5 xã, thị trấn của huyện Phú Vang. Quy mô của giai đoạn này sẽ mở rộng với diện tích lên khoảng 270 km2.

Giai đoạn 2025-2030, xây dựng, phát triển theo ranh giới đồ án quy hoạch chung với quy mô khoảng 348 km2. Trong đó, khu vực TP Huế hiện nay và khu đô thị mới An Vân Dương sẽ là đô thị trung tâm với tổng diện tích khoảng 8.200 ha. TP Huế sẽ được ưu tiên phát triển đô thị theo trục Bắc - Nam và chỉnh trang đô thị tại các khu dân cư hiện hữu với bốn đô thị phụ trợ Hương Thủy, Thuận An, Hương Trà, Bình Điền.

Bản đồ không gian phát triển đô thị Huế màu vàng đến năm 2025.

Bản đồ không gian phát triển đô thị Huế (màu vàng) đến năm 2025.

Hình thành và phát triển sớm song TP Huế hiện là một trong những thành phố có diện tích nhỏ nhất của Việt Nam. Bờ bắc sông Hương có Kinh thành Huế rộng hơn 10 km2 với 4 phường nội thành, 10 phường ngoại thành, cơ sở hạ tầng hàng chục năm qua vẫn không thay đổi. 

Ở bờ nam sông Hương, cơ sở hạ tầng, giao thông có sự phát triển hiện đại hơn bờ bắc song vẫn còn chậm với nhiều đô thị khác của cả nước. TP Huế hiện nay là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa nhưng mật độ dân số toàn đô thị cao, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. 

Thành phố cố đô trong tương lai không chỉ là vùng đồng bằng lấy sông Hương làm trung tâm như hiện tại, mà sẽ trở thành đô thị có đủ các địa hình biển, đầm phá và núi, phát huy thế mạnh về du lịch, dịch vụ sinh thái. Ranh giới các xã, phường điều chỉnh đều nằm theo trục từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Hương.

Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định sẽ xây dựng và phát triển TP Huế trở thành đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".

Nhiều năm sinh sống và làm việc tại Huế, Tiến sĩ, kiến trúc sư Trần Đình Hiếu, Trưởng khoa Kiến trúc Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho rằng, việc mở rộng thành phố là bình thường trong quy luật phát triển. Vấn đề là phát triển thế nào sao cho bền vững, xem xét sử dụng quỹ đất như thế nào để giữ nét riêng, đặc trưng của Huế. Đừng làm gì phá vỡ kết cấu tự nhiên, phá vỡ di sản mà Huế đang có.

Theo kiến trúc sư Hiếu, ngoài việc xây dựng hệ thống đô thị trung tâm với hệ thống giao thông, hạ tầng, Huế cũng cần xây dựng kết nối các đô thị vệ tinh Thuận An, Hương Thủy, Hương Trà. Trong đó, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là việc đầu tiên cần phải làm.

Thành phố Huế lấy trục dọc sông Hương để quy hoạch đô thị. Ảnh: Võ Thạnh

Thành phố Huế lấy trục dọc sông Hương để quy hoạch đô thị. Ảnh:Võ Thạnh

"Huế là địa phương có nhiều sông ngòi, trung tâm thành phố cũng nằm ở cốt đất rất thấp. Khi đô thị hóa cần tính toán cốt nền sao cho phù hợp, khơi thông sông ngoài để không xảy ra ngập úng như tại các địa phương khác. Hai nữa cần làm tốt quy hoạch sử dụng đất, tránh tình trạng đất đô thị bỏ hoang như các địa phương khi đô thị hóa xảy ra", kiến trúc sư Hiếu nêu ý kiến. 

Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa Thừa Thiên Huế cho rằng, đề án đô thị Huế mở rộng đã có từ rất lâu và nên sớm công bố cho người dân góp ý. Việc mở rộng phát triển đô thị Huế cần sớm triển khai nhưng nên đưa các đô thị di sản ven đô như Bao Vinh, Thanh Hà tạo thành đô thị vệ tinh.

Theo ông Hoa, vào những năm 80, TP Huế rất rộng lớn, phía đông kéo dài về tận xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), phía tây lên tận xã Bình Điền với quy mô 33 phường, xã. Bởi vậy, xây dựng đô thị Huế với diện tích theo đề án quy hoạch chính phủ phê duyệt cũng rất phù hợp khi tận dụng được các nguồn lực để phát triển. Tỉnh xác định xây dựng thành phố trở thành đô thị di sản cũng rất hợp lý.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.