Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024):

Diện mạo mới nâng tầm giáo dục Thủ đô

GD&TĐ - Nhiều công trình cải tạo, xây dựng mới trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được khánh thành, đưa vào sử dụng...

Ngôi trường Mầm non Bình Minh được xây dựng khang trang hiện đại. Ảnh: Đăng Chung
Ngôi trường Mầm non Bình Minh được xây dựng khang trang hiện đại. Ảnh: Đăng Chung

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), nhiều công trình cải tạo, xây dựng mới trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được khánh thành, đưa vào sử dụng, kịp thời phục vụ học sinh trong năm học mới 2024 - 2025.

Sứ mệnh của ngôi trường mới

Quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) vừa khánh thành và gắn biển 3 công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tại ô đất A11 - khu quy hoạch K7-1 thuộc phường Yên Hòa, gồm dự án xây dựng Trường Mầm non Bình Minh, Trường THCS Lê Quý Đôn và khu công viên cây xanh.

Trong đó với Trường Mầm non Bình Minh - đây là ngôi trường mới được thành lập với mục tiêu định hướng phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản cho học sinh. Công trình có diện tích hơn 6.100m2 gồm 3 tầng nổi, 1 tầng hầm với 20 nhóm lớp.

Ngoài các phòng học theo quy định, trường còn có nhiều phòng chức năng như: Nghệ thuật sáng tạo, thư viện, phòng thể chất... với đầy đủ thiết bị phục vụ cho việc học tập. Bếp ăn được xây dựng theo mô hình một chiều hiện đại, phục vụ bán trú cho trẻ. Tổng mức đầu tư dự án 144,7 tỷ đồng.

Chia vui với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết, với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, nhà trường vinh dự được UBND quận Cầu Giấy tổ chức lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đúng dịp khai giảng năm học mới 2024 - 2025.

dien-mao-moi-nang-tam-giao-duc-thu-do-4-6039.jpg
Lãnh đạo quận Cầu Giấy gắn biển công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Trường Mầm non Bình Minh. Ảnh: NTCC

Theo cô Nguyệt, với tôn chỉ nơi nào có tình yêu thương thì nơi ấy có những điều kỳ diệu, Trường Mầm non Bình Minh đã và đang từng bước xây dựng trường thành một địa chỉ uy tín về giáo dục mầm non. Mục tiêu của nhà trường là trở thành ngôi trường mầm non hiện đại và phát triển hài hòa với thiên nhiên. Hình thành và khẳng định thương hiệu với: Sứ mệnh - tầm nhìn - giá trị, mang tính thời đại.

“Mỗi thành viên nhà trường ngày ngày hăng say lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Thầy cô thường xuyên tư duy đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy, đồng sức, đồng lòng, nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Đồng thời, cố gắng mỗi ngày để trẻ đến trường là một ngày vui, phụ huynh yên tâm và tin tưởng, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024 - 2025...”, cô Nguyệt tin tưởng nói.

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, hàng năm, quận Cầu Giấy dùng 72% vốn đầu tư công để chi cho phát triển, cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị giáo dục. Riêng năm học 2023 - 2024 vừa qua, quận Cầu Giấy đã đầu tư cải tạo và xây mới 4 trường, cải tạo mở rộng 3 trường. Trong giai đoạn tới, quận sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 4 trường THPT, cải tạo nâng cấp trường THPT Yên Hòa, THPT Cầu Giấy… với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho giảng dạy, khơi dậy niềm say mê học tập, sáng tạo của học sinh.

dien-mao-moi-nang-tam-giao-duc-thu-do-1-6087.jpg
Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội tham gia xây dựng, gắn biển công trình nhà chữ thập đỏ cho cựu thanh niên xung phong Trần Thị Yến, chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nối tiếp niềm vui, Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình) trong năm học 2024 - 2025, khi nhà trường tiếp tục được đầu tư trang thiết bị, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý để hướng tới xây dựng “Trường học thông minh”.

Đặc biệt, nhà trường vinh dự được UBND quận Ba Đình tổ chức gắn biển công trình cấp quận, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Cô Trịnh Phương Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Lệ nhấn mạnh, việc xây dựng Trường Tiểu học Thủ Lệ luôn là ngôi trường hạnh phúc của các thế hệ học sinh, xứng đáng với niềm tin yêu của các cấp lãnh đạo, lòng mong mỏi của các bậc cha mẹ học sinh cùng nhân dân phường Ngọc Khánh.

Theo cô Linh, nhà trường xác định: “Trao yêu thương - Truyền cảm hứng” là tinh thần xuyên suốt của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường - những con người luôn tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ. “Tập thể nhà trường luôn đoàn kết, gắn bó cùng nhau xây dựng ngôi trường Thủ Lệ giàu truyền thống, đậm nghĩa tình, văn minh và hiện đại…”, cô Linh nói.

dien-mao-moi-nang-tam-giao-duc-thu-do-5-6828.jpg
Lãnh đạo quận Cầu Giấy gắn biển công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Trường THCS Lê Quý Đôn. Ảnh: NTCC

Cùng với lễ đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, Trường THCS Vạn Phúc (Thanh Trì) tự hào khi trường được gắn biển công trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Theo cô Đặng Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Phúc, trường được huyện Thanh Trì đầu tư xây dựng mới theo mô hình trường chuẩn quốc gia với 32 phòng học hiện đại, đồng bộ. Các phòng học bộ môn riêng biệt, đầy đủ, đáp ứng tốt yêu cầu triển khai của chương trình giáo dục phổ thông 2018, sân trường rộng, nhiều cây xanh, màn hình Led giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mĩ - kỹ năng sống cho học sinh.

Năm học 2024 - 2025, Trường THCS Vạn Phúc bám sát chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục đào tạo”, xứng đáng với truyền thống hiếu học của quê hương Thanh Trì.

dien-mao-moi-nang-tam-giao-duc-thu-do-6-4869.jpg
Lãnh đạo quận Ba Đình gắn biển công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Trường Tiểu học Thủ Lệ. Ảnh: NTCC

Trường học lan tỏa giá trị nhân ái

Gắn bó với Hà Nội hơn nửa thế kỷ, ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 luôn khắc sâu trong tâm khảm của NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội. Đó là hình ảnh Hà Nội nhộn nhịp, tưng bừng rừng cờ, hoa. Hàng vạn người dân tràn ra đường, rạo rực trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về...

Trong quá trình giảng dạy hay trên cương vị quản lý, NGND Nguyễn Thị Hiền luôn lan tỏa tình yêu Hà Nội qua các câu chuyện văn hóa, lịch sử. Từ đó, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, nhất là giá trị của hòa bình cho học sinh. Điều mà các thế hệ ông cha đã phải hy sinh xương máu để đạt được cho thế hệ hôm nay.

Không chỉ xây dựng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm có vị thế chất lượng trong hệ thống giáo dục ở Thủ đô, cô Hiền còn tích cực tham gia nhiều chuyến đi thiện nguyện, hỗ trợ, giúp đỡ một số điểm trường, đồng hành cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đến nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, NGND Nguyễn Thị Hiền và Ban giám hiệu Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội vừa phối hợp đơn vị chức năng tổ chức trao tặng, gắn biển công trình nhà chữ thập đỏ - nghĩa tình đồng đội cho bà Trần Thị Yến, cựu thanh niên xung phong huyện Đan Phượng.

Công trình là hoạt động thiết thực góp phần chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Ngôi nhà với tổng diện tích 37m2, xây dựng và hoàn thiện trong gần 4 tháng, bắt đầu khởi công ngày 23/5/2024, trị giá 140 triệu đồng.

“Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ quận Nam Từ Liêm, UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện Đan Phượng, thị trấn Phùng cùng với gia đình, dòng họ bà Trần Thị Yến cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ. Bà Trần Thị Yến là cựu thanh niên xung phong huyện Đan Phượng, có hoàn cảnh khó khăn...”, NGND Nguyễn Thị Hiền cho biết thêm.

Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội cũng nhấn mạnh, nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành, giúp đỡ, tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, tới những hoàn cảnh khó khăn. “Trong căn nhà mới, mong rằng bà Trần Thị Yến sống vui, sống khỏe, tiếp tục lan tỏa tinh thần cựu thanh niên xung phong đến thế hệ trẻ…”, NGND Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của đất nước, TP Hà Nội luôn coi trọng, quan tâm, ưu tiên đầu tư để phát triển GD&ĐT theo đúng với tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản GD&ĐT.

Việc nâng cao chất lượng giáo dục, mở rộng quy mô trường lớp, đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, thúc đẩy thi hành Luật Thủ đô 2024… được Sở GD&ĐT Hà Nội chú trọng thực hiện trong năm học 2024 - 2025.

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024 - 2025, toàn thành phố có 2.913 trường học, gần 2,3 triệu học sinh với hơn 130.000 cán bộ giáo viên. Với sự quan tâm của thành phố, chương trình mục tiêu đầu tư cơ sở vật chất trường học trên địa bàn Thủ đô được thực hiện tốt.

Hiện, thành phố có 39 trường thành lập mới, 16 trường được xây dựng, đi vào hoạt động trong năm học 2024 - 2025. Tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư và địa phương tăng cường dành quỹ đất ở các khu đô thị, khu đông dân cư và tại những huyện đang phát triển cho công tác xây dựng trường học (cả trường công và trường tư) để giúp có đủ chỗ cho học sinh học tập, vui chơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.