Điện Kremlin nêu quan điểm, cách giải quyết khủng hoảng giữa Nga và phương Tây

GD&TĐ - Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây chắc chắn sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, ông cảnh báo Moscow sẽ sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình khi thời điểm đó đến.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Các quốc gia phương Tây “đã mắc quá nhiều sai lầm và sẽ phải trả giá” – ông Peskov nói trên kênh truyền hình Rossiya 1.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, bất kỳ cuộc đối đầu nào và bất kỳ tình huống khủng hoảng nào cũng có thể được giải quyết tại bàn đàm phán… lần này cũng vậy. Ông cho rằng điều đó khó có thể xảy ra “sớm”.

Khi các cuộc đàm phán như vậy thành hiện thực, Moscow sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích của mình, ông Peskov nói thêm. Trong những năm gần đây, Nga thu được “kinh nghiệm vô giá” trong việc đối phó với phương Tây và sẽ sử dụng nó để tiến hành đối thoại… theo cách mà lợi ích của Nga không bị tổn hại.

Quan chức Điện Kremlin liệt kê những gì ông coi là sai sót của phương Tây, viện dẫn quyết định “khủng khiếp” của Đức khi gửi vũ khí cho Ukraine sử dụng để chống lại binh lính Nga.

Ông Peskov cũng đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu là do các quyết định “vô lý” của các chính trị gia châu Âu - những người đã từ chối bảo dưỡng thiết bị do các công ty phương Tây bán cho Tập đoàn khí đốt Gazprom.

Tập đoàn Gazprom của nhà nước Nga đã “dành nhiều thập kỷ” để có được danh tiếng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên đáng tin cậy và cho đến nay vẫn chưa làm gì để làm hoen ố nó - người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố.

“Đây không phải là lỗi của Gazprom, đây là lỗi của các chính trị gia, những người đã đưa ra quyết định về các biện pháp trừng phạt”, ông Peskov nói khi đề cập đến quyết định gần đây của Gazprom về việc đình chỉ vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream vô thời hạn do các vấn đề kỹ thuật.

Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công của Nga chống lại Ukraine vào cuối tháng 2, giá khí đốt đã tăng lên mức cao kỷ lục ở châu Âu, làm tăng lạm phát nói chung. Moscow cho rằng các vấn đề kỹ thuật do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra là nguyên nhân khiến việc cung cấp khí đốt dần dần giảm sút. Về phần mình, EU lại cáo buộc Nga sử dụng xuất khẩu năng lượng như một vũ khí.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ