Điện Elysee đón tân Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử

GD&TĐ - Đúng như dự đoán, vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (diễn ra vào ngày 7/5) đã ghi nhận thắng lợi áp đảo của ứng cử viên Emmanuel Macron. Cụ thể theo kết quả kiểm phiếu, ông Emmanuel Macron đã chiến thắng với 66,06% số phiếu bầu so với tỷ lệ 33,94% của bà Marine Le Pen.  
Điện Elysee đón tân Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử

Chiến thắng thuyết phục

Rạng sáng 8/5 theo giờ Việt Nam, sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve đã lên tiếng xác nhận ông Macron giành thắng lợi trong cuộc bầu cử và sẽ trở thành tân Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp.

Ông Emmanuel Macron năm nay mới 39 tuổi, là lãnh đạo đảng Tiến bước (En Marche). Không chỉ có tuổi đời quá trẻ, đảng Tiến bước do ông thành lập cũng vô cùng mới mẻ: Ra đời vào tháng 4/2016.

Dẫu vậy, ông Macron không phải là gương mặt mới, bởi đã từng đảm nhận vai trò Bộ trưởng Kinh tế trong chính quyền Tổng thống Pháp đương nhiệm Francois Hollande, đồng thời đã có thời gian làm thanh tra tài chính và chuyên viên ngân hàng đầu tư Rothschild & Cie.

Ông Macron có quan điểm mở cửa với người tị nạn, chủ trương tăng ngân sách quốc phòng và cam kết duy trì mối quan hệ giữa Pháp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sau khi từ chức Bộ trưởng Kinh tế hồi năm ngoái để dọn đường cho cuộc đua vào Điện Elysee, ông Macron tuyên bố mình đã “tự tay chạm tới giới hạn của hệ thống chính quyền”.

Chiến dịch tranh cử của ông Macron đưa ra lời hứa hẹn về một cuộc cải cách hệ thống phúc lợi và hưu trí ở Pháp. Ông đã nêu kế hoạch thực hiện hàng loạt biện pháp có lợi cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước nếu đắc cử.

Ngay sau kết quả bầu cử được công bố, hàng loạt nhà lãnh đạo quốc tế đã gọi điện chúc mừng ông Macron. Truyền thông quốc tế cũng dẫn thông tin từ đội ngũ tranh cử của ông Macron cho biết, ông Macron và bà Le Pen đã có một cuộc điện thoại “ngắn gọn và thân mật”. Bà Le Pen chúc ông Macron “thành công” khi xử lý “những thách thức khổng lồ” trong tương lai.

Thách thức lớn

Những lời gửi gắm của bà Le Pen không hề là “dọa nạt”. Nhiệm vụ đầu tiên của tân Tổng thống là phải tìm kiếm những gương mặt tài năng trong đảng để ra tranh cử trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng Sáu tới, với mục tiêu có được đa số phiếu ủng hộ tại Quốc hội Pháp nhằm tạo thuận lợi cho các chính sách mới được thông qua.

Đây sẽ là vấn đề đặc biệt khó khăn, bởi khi bước vào cuộc đua giành ghế Tổng thống, vị cựu Bộ trưởng Kinh tế không có đảng lâu năm nào hậu thuẫn, trong lúc đảng Tiến bước của ông vẫn còn non trẻ và không có nền tảng vững chắc.

Giới quan sát cho rằng, ông Macron sẽ thỏa hiệp với 2 lực lượng chính trị chính là đảng Xã hội cánh tả và Những người Cộng hòa cánh hữu, để đảm bảo việc điều hành quốc gia suôn sẻ.

Bên cạnh đó, dù thất bại trước ông Macron, việc một ứng cử viên cực hữu như bà Le Pen có thể giành được sự ủng hộ của đông đảo người lao động để lọt vào vòng 2 cũng đang tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn trong xã hội.

Khôi phục lòng tin của người dân đối với các thể chế hiện hành cũng như các tư tưởng chính trị chủ lưu là điều không hề đơn giản đối với ông Macron, bởi bên cạnh nỗ lực thực hiện đầy đủ những cam kết đưa ra trước đó, Tổng thống mới cũng phải đảm bảo rằng chương trình hành động của mình không phải là sự tiếp nối hay lặp lại các chính sách mà người tiền nhiệm vốn “không được lòng dân” Francois Hollande thực thi trong 5 năm qua.

Việc tìm ra giải pháp khôi phục nền kinh tế trì trệ hiện nay cũng là bài toán khó đối với ông Macron, khi nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu nhiều năm luôn tăng trưởng ảm đạm, thâm hụt ngân sách cao và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 10% (cao hơn cà mức trung bình của Khu vực đồng tiền chung châu Âu).

Đó là chưa kể đến nợ chính phủ tăng vọt, mối đe dọa từ khủng bố và bài toán người nhập cư; làn sóng kỳ thị sắc tộc, vị thế nước Pháp trên trường quốc tế… Sơ lược như thế cũng đủ thấy cả núi thách thức đang chờ đợi vị Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp đương đại.