Sự kiện do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức.
Theo đó, Ban tổ chức trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích cho các thí sinh. Trong đó, giải Nhất được trao cho sản phẩm dự thi của nhóm tác giả: Đoàn Thị Thanh Thảo đến từ Trường THPT Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Sinh Hùng (Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Trước lễ trao giải, chiều cùng ngày đã diễn ra Vòng chung kết toàn quốc, với sự so tài của 9 đội/cá nhân có sản phẩm xuất sắc. Các sản phẩm có nội dung liên quan đến vấn đề bạo lực: học đường, gia đình, ngôn từ; bệnh trầm cảm, áp lực học tập, tình cảm gia đình, tình bạn, giới tính…
GS.TS Lê Anh Vinh phát biểu tại Vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi ‘We share – Hiểu biết về sức khoẻ tâm thần của thanh thiếu niên’. |
Phát biểu tại Vòng chung kết toàn quốc, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, được tổ chức từ năm 2021, Cuộc thi trở thành diễn đàn để học sinh có thể chia sẻ suy nghĩ, tiếng nói của mình; đồng thời bày tỏ mong muốn được lắng nghe và ghi nhận về vấn đề sức khỏe tâm thần lứa tuổi thanh thiếu niên.
Thông qua Cuộc thi, các nhóm nghiên cứu, nhà khoa học, giáo viên, phụ huynh, nhà trường, xã hội có thể nhìn nhận về sự phát triển toàn diện của học sinh và giới trẻ trong tương lai.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, hiện các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi thanh thiếu niên rất đa dạng. Có nhiều báo cáo, số liệu tổng hợp về sức khỏe tâm thần của học sinh trong nhà trường và xã hội, song vấn đề này vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, toàn diện.
Do đó, cần nâng cao hiểu biết nhằm sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, giúp học sinh, phụ huynh phòng tránh và thoát khỏi những vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Các thí sinh tham gia phần thi hùng biện chiều 25/9. |
Chia sẻ về Cuộc thi, bà Lê Anh Lan – chuyên gia giáo dục của UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh đến 4 mục tiêu gồm: Thứ nhất, nhìn nhận và tiếp cận tích cực các biện pháp về sức khỏe tâm thần, xây dựng kỹ năng chống chịu để học sinh có thể kiên trì, bền bỉ với các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống; đồng thời nhận biết những điều tốt đẹp trong cuộc sống, thúc đẩy và nuôi dưỡng những điều tích cực;
Thứ hai, bình thường hóa và giảm bớt kỳ thị về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Từ đó, hiểu đúng hơn về sức khỏe tâm thần;
Thứ ba, mong muốn có được sự chung tay tất cả các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là phụ huynh và giáo viên;
Thứ tư, tạo điều kiện cho các học sinh tham gia, bày tỏ suy nghĩ, chia sẻ và khẳng định chính mình.
Theo bà Lê Anh Lan, những mục tiêu trên nhằm hướng đến giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên hiện nay và trong tương lai.
Bà Lê Anh Lan trao đổi tại Vòng chung kết toàn quốc của Cuộc thi. |
Diễn ra từ ngày 30/5 đến ngày 30/7/2023, Cuộc thi “We share – Hiểu biết về sức khoẻ tâm thần của thanh thiếu niên” thu hút hơn 600 sản phẩm dự thi đến từ mọi miền đất nước. Cuộc thi là sân chơi lớn để học sinh Việt Nam đưa ra tiếng nói của mình tới cộng đồng, giúp các em tăng cường kết nối, cùng nhau xây dựng cộng đồng vững mạnh. Qua đó, góp phần tích cực vào việc bảo vệ an toàn bản thân, thúc đẩy hiểu biết của xã hội về vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.
Bình luận