Ngay sau khi hội thi chính thức được khai mạc vào sáng nay (23/3), phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sỹ Vũ Minh Đức.
* Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc” năm 2017 đã chính thức khai mạc và nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo. Vậy ông có thể cho biết, đâu là điểm nhấn của hội thi lần này?
- Lần đầu tiên Công đoàn giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng năm 2017" quy mô trên cả nước. Trước đây đã có các hội thi ở cấp địa phương, cấp tỉnh. Hội thi lần này nhằm 2 mục tiêu:
Một là, tôn vinh vẻ đẹp của các nữ nhà giáo; qua đó xã hội ngày càng có nhìn nhận thiện cảm hơn đối với nhà giáo nói chung và nữ nhà giáo nói chung. Hai là, tạo diễn đàn nghề nghiệp với sự năng động, trẻ trung và đầy sáng tạo nhiệt huyết của các nhà giáo.
* Nhiều người bày tỏ băn khoăn vì cho rằng hội thi thiên về hình thức thi người đẹp? Vậy ông có ý kiến gì bình luận gì về vấn đề này?
- Phải khẳng định rằng, chúng tôi quan niệm đây không phải là một cuộc thi Người đẹp mà là một cuộc thi tài năng sư phạm liên quan đến chủ đề của năm học là "Đổi mới sáng tạo" theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Hội thi có hai phần phần rành mạch và đều liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của các nhà giáo. Cụ thể:
Ở phần phần tài năng các nữ nhà giáo trình bày các Báo cáo chuyên đề liên quan đến chủ đề năm học về Đổi mới sáng tạo trong dạy và học.
Thứ hai là xử lý các tình huống sư phạm trong nhà trường bao gồm quan hệ ứng xử giữa nhà giáo với nhà giáo, nhà giáo với học sinh, nhà giáo với phụ huynh học sinh.
Mục đích nhằm trau dồi kiến thức, củng cố và trang bị kỹ năng sư phạm cho các cô để phục vụ cho công việc giảng dạy hàng ngày.
Đối phần thi trang phục, chúng tôi yêu cầu các cô giáo sử dụng trang phục truyền thống là áo dài duyên dáng rất phù hợp với phụ nữ Việt Nam. Trang phục tự chọn cũng là những trang phục để các cô mặc đến lớp hàng ngày chứ không phải là trang phục dạ hội.
Đó là những điểm khác so với các cuộc thi khác và không thể nhầm lẫn hoặc đánh đồng với các cuộc thi về người đẹp mà nhiều người quan ngại.
* Hiện nay, ngành Giáo dục đang đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó coi trọng đổi mới phương pháp dạy - học nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực và phát triển các kỹ năng cho học sinh. Vậy Hội thi có bổ trợ cho giáo viên những điều này không - thưa ông?
- Tôi cho rằng hội thi cũng là cơ hội để các thí sinh được giao lưu, học hỏi lẫn nhau về kỹ năng sư phạm của mình. Trong hội thi các thí sinh báo cáo chuyên đề rồi trả lời những câu hỏi ứng xử về tình huống sư phạm.
Tôi được biết là để chuẩn bị cho thí sinh đi thi thì rất nhiều nhà trường thậm chí là cụm trường, liên trường đã tập trung thảo luận về những câu hỏi liên quan đến tình huống sư phạm và chúng tôi quan niệm đây chính là sinh hoạt chuyên môn giúp cho không chỉ các giáo viên đi thi mà cả những giáo viên khác nâng cao năng lực sư phạm của mình.
Tôi cho rằng hội thi là một hoạt động rất bổ ích đối với hoạt động sư phạm. Đồng thời đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh các nhà giáo, hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2017) sắp tới.
Xin cảm ơn ông!