Với vai trò ổn định và phát triển hệ thống truyền tải điện phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, dân sinh, các kỹ sư điện công nghiệp hiện nay hầu như không thiếu việc làm.
Nhu cầu nhân lực luôn ở mức cao
Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, điện công nghiệp là nghề có số lượng trường đăng ký đào tạo nhiều nhất (52 trường) với 6.685 chỉ tiêu. Điều đó cho thấy nhu cầu đào tạo cũng như sử dụng nhân lực nghề này luôn ở mức cao. Liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống nên nhu cầu nhân lực về nghề điện công nghiệp luôn ở mức cao. Sau khi tốt nghiệp, dù chọn công việc trong doanh nghiệp hay làm tự do, ưu điểm của nghề này là học sinh có thể đi làm ngay. Hiện nay, khi các khu công nghiệp phát triển rộng khắp đất nước, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực điện công nghiệp theo đó cũng tăng cao.
Khác với kỹ sư điện công nghiệp (đào tạo ở bậc đại học và sau đại học) chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống, đảm bảo hệ thống truyền tải điện ổn định với trách nhiệm cao, nhiều chất xám và kinh nghiệm chuyên môn. Người công nhân kỹ thuật điện công nghiệp (đào tạo ở bậc trung cấp, cao đẳng) sẽ phụ trách các khâu thi công kỹ thuật, đấu nối thi công hệ thống điện theo các bản vẽ kỹ thuật, và vận hành hệ thống điện, máy điện theo các nguyên lý chỉ dẫn đã được xây dựng. Đối với công nhân xây lắp và vận hành hệ thống điện công nghiệp cần phải có đủ sức khỏe để đảm bảo làm việc ngoài trời, làm việc trên các địa hình phức tạp; đi khảo sát thực tế, tham gia đánh giá chất lượng thi công hệ thống điện…
Nghề điện công nghiệp cũng có thuận lợi lớn là học nghề nhanh, trong vòng một năm rưỡi đến hai năm là đã có thể tham gia lao động. Việc học không đòi hỏi tư duy nhiều, mà cần chăm chỉ luyện tập và nhanh nhạy trong các thao tác. Điều này thuận lợi cho rất nhiều thanh niên cần học để có việc ổn định kiếm nguồn thu nhập.
Vẫn ít người học
Trên thực tế, nghề điện công nghiệp có độ phủ rộng khắp toàn cầu, vì vậy, sinh viên tốt nghiệp nghề này có thể tìm kiếm được việc làm trong ngành điện lực các địa phương hoặc công nhân bảo trì hệ thống điện trong tất cả các nhà máy sản xuất; tham gia lao động chuyên môn tại các nhà máy sản xuất phụ kiện phục vụ công nghiệp điện và lao động xuất khẩu.
Hàng năm nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng lên, do đó Nhà nước và các công ty điện tiếp tục xây dựng các nhà máy sản xuất điện, phát triển mạng lưới điện. Trong tương lai, tiếp tục phát triển mạng lưới điện, phát triển các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng do ít người học nên các trường không cung cấp đủ. Không ít doanh nghiệp do quá cần người nên đã đưa ra giải pháp ký hợp đồng với một số trường theo kiểu “đào tạo kép”, sinh viên vừa học tại trường vừa làm việc tại doanh nghiệp. Quá trình đào tạo này giúp người học có thể nắm bắt chuyên môn nhanh hơn vì được học từ thực tế tại doanh nghiệp.
Nghề điện công nghiệp đang “có mặt” ở hầu hết các lĩnh vực xã hội, vì vậy, những người theo nghề này có thể làm việc tại các công ty, xí nghiệp và cả ở lĩnh vực điện dân dụng hoặc tự mở cửa hàng kinh doanh hay làm nghề tự do tùy ý vì nghề này cũng không cần nhiều vốn.