ĐIỆN BIÊN: Tập trung mọi nguồn lực cho giáo dục

GD&TĐ - Cũng như các tỉnh miền núi khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên Điện Biên đã chính thức tựu trường năm học mới cho học sinh từ ngày 21/8. 

ĐIỆN BIÊN: Tập trung mọi nguồn lực cho giáo dục

Vượt lên mọi khó khăn của một địa phương nghèo, còn nhiều huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước, thầy trò vùng cao nơi đây cũng đã kịp chuẩn bị cho năm học mới với những điều kiện dạy và học tốt hơn. Từ nguồn tiền ngân sách và công tác xã hội hóa các lớp học ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Tận dụng mọi nguồn lực đầu tư

Nói đến giáo dục Điện Biên là người ta thường nghĩ ngay tới giáo dục vùng khó. Bởi thực tế, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy học nơi đây còn nhiều thiếu thốn. Vẫn còn nhiều phòng học vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được kiên cố hóa, vẫn còn lớp ghép, lớp tạm; chưa có đủ nhà công vụ cho giáo viên dưới xuôi lên gắn bó với nghề. Nhưng năm học mới này toàn ngành đã tập trung, tận dụng mọi nguồn lực để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Ông Nguyễn Sỹ Quân, Giám đốc Sở GD&ĐT - chia sẻ: Năm học 2017 - 2018 toàn tỉnh có 521 trường học với hơn 7.000 lớp và trên 180.000 học sinh, sinh viên. Để chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới, Sở đã huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học. Hệ thống sách giáo khoa, sách giáo viên và sách tham khảo được đầu tư theo hướng đồng bộ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho năm học.

Từ cuối năm học 2016 - 2017 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng thêm 126 phòng học, 5 phòng học bộ môn, 22 phòng nội trú, 19 phòng công vụ, 3 nhà bếp, 10 nhà vệ sinh kiên cố; cải tạo sửa chữa 116 phòng học, 15 phòng nội trú, 3 nhà ăn và các hạng mục phụ trợ như sân trường, cổng, tường rào. Tổng kinh phí đầu tư gần 200 tỷ đồng. Trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ trên 70 tỷ đồng; vốn ODA trên 25 tỷ đồng; vốn ngân sách sự nghiệp giáo dục gần 100 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có 7.496 phòng học (phòng học kiên cố chiếm 57,6%, bán kiên cố chiếm 21,9%, phòng tạm chiếm 20,8%); 1.041 phòng học chức năng; 2.572 phòng công vụ; 3.110 phòng nội trú; 473 trường có công trình vệ sinh hợp vệ sinh chiếm 93,7%; 466 trường có công trình nước hợp vệ sinh chiếm 92,3%. Ngành đã huy động được trên 12 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng mới, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp, nhằm đảm bảo các điều kiện cần và đủ cho năm học mới.

Trước thực trạng phòng học, nhà công vụ giáo viên, nhà bán trú học sinh sau mùa mưa lũ xuống cấp hư hỏng nhiều, các trường đã tổ chức đôn đốc đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, đảm bảo phục vụ năm học mới. Phối hợp với đơn vị cung ứng, mua sắm bổ sung trang thiết bị đồ dùng dạy và học, sách giáo khoa, vở viết tập kết tại các trường phục vụ nhu cầu giáo viên, học sinh.

Đẩy mạnh XHH giáo dục

Tháng 7 và những ngày đầu tháng 8 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có mưa lớn kéo dài dẫn tới xói mòn, sạt lở đất, ngập úng... Nhiều cơ sở giáo dục chịu thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị trường lớp học. Tỉnh Điện Biên có 17 trường thuộc các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên, Mường Ảng bị thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, đồ dùng, đồ chơi, sách giáo khoa, giấy vở viết. Tổng thiệt hại ước tính trên 13 tỷ đồng, không có thiệt hại về người.

Nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, giúp các trường ổn định ngay từ đầu năm học mới, các cơ sở giáo dục đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh đóng góp hàng nghìn ngày công khắc phục hậu quả sau thiên tai như: Tu sửa lớp học, cải tạo cảnh quan môi trường học tập thân thiện, phù hợp với đặc trưng của từng vùng miền.

Năm học 2017 - 2018, huyện Tủa Chùa có 17.295 học sinh ở 3 bậc học. Chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ đầu tháng 8 các trường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh làm công tác tuyển sinh huy động học sinh trong độ tuổi đến trường. Đặc biệt, học sinh lớp đầu cấp đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch năm học. Từ ngày 1 - 6/8, trên địa bàn huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho trên 1.000 cán bộ, giáo viên của 3 bậc học. Phòng cũng tổ chức kiểm tra chất lượng chuyên môn trước năm học mới với 900 giáo viên của 3 bậc học.

Năm học này, Trường PTDTBT THCS Mường Đun (Tủa Chùa) được đầu tư gần 3 tỉ đồng để tu bổ trường. Do đó, các phòng bộ môn như phòng Tin học, phòng Lap, các phòng thực hành Toán, Lý, Hóa, Sinh được trang bị, đầu tư thêm. Cấp ủy, chính quyền xã đã giúp nhà trường mở rộng diện tích đất làm sân chơi bãi tập, vận động cán bộ công chức xã ủng hộ nhà trường 1 ngày lương. Đồng thời, vận động các thôn bản, mỗi hộ dân ủng hộ nhà trường số tiền từ 50.000 - 100.000 đồng, giúp đỡ nhà trường về ngày công lao động để xây dựng trường chuẩn.

Đối với nhà trường các thầy cô cũng tham gia lao động tu sửa cơ sở vật chất. Cụ thể các thầy cô đã tự sửa chữa hệ thống điện, sơn sửa được 20 phòng trong đó có 5 phòng lớp học và các phòng chức năng; tự đổ bê tông nền nhà, một số chỗ xuống cấp rồi góp 1 ngày lương để mua sơn, cùng học sinh lao động san đất làm nền nhà ba cứng. Năm học này vui hơn khi thầy trò nhà trường có thêm sân thể thao từ nguồn xã hội hóa.

Mọi nỗ lực trong thời gian qua của ngành GD-ĐT Điện Biên đều dành cho năm học mới. Tất cả không ngoài mục tiêu giúp học sinh và giáo viên có tâm thế mới, được dạy và học trong những phòng học khang trang, sạch đẹp hơn, duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Hiện nay, toàn tỉnh có 7.496 phòng học (phòng học kiên cố chiếm 57,6%, bán kiên cố chiếm 21,9%, phòng tạm chiếm 20,8%); 1.041 phòng học chức năng; 2.572 phòng công vụ; 3.110 phòng nội trú; 473 trường có công trình vệ sinh hợp vệ sinh chiếm 93,7%; 466 trường có công trình nước hợp vệ sinh chiếm 92,3%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ