Diện mạo mới của kỳ thi hai trong một
Thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 (gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia), thí sinh phải thi 4 môn tối thiểu gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Ngoài 4 môn thi nói trên, học sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong Đề án tuyển sinh của trường đó.
Theo các văn bản của Bộ GD&ĐT, đề thi THPT quốc gia bám sát chương trình trung học phổ thông, chủ yếu lớp 12, tăng cường độ phân hóa và có nhiều câu hỏi mở.
Đề thi có phần kiểm tra kiến thức cơ bản, dùng để xét tốt nghiệp và phần nâng cao, dùng để lựa chọn thí sinh trong tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ.
Công tác ra đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung câu hỏi chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh; đề thi sẽ tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó.
Chủ động bắt tay vào cuộc
Các nhà trường với tâm thế sẵn sàng thích ứng nhanh với đổi thay của kỳ thi này; động viên học sinh ổn định tâm lý, học tốt, nắm vững kiến thức và tư vấn chọn môn thi tốt nghiệp và môn thi thêm phù hợp với năng lực, ngành học.
Ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, định hướng giáo viên nội dung giảng dạy, ôn tập phải bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ yếu là lớp 12 THPT; dạy và hướng dẫn ôn tập phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh; đảm bảo học đến đâu, ôn tập đến đó; kiểm tra, chấm bài, vào điểm đúng quy định.
Đảm bảo học thật, kiểm tra thật; bám sát đổi mới kỳ thi quốc gia. Yêu cầu Hiệu trưởng tăng cường công tác tuyên truyền về kỳ thi tới cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh; tổ chức kiểm tra thanh tra nội bộ thường xuyên, đột xuất việc thực hiện chương trình, kiểm tra đánh giá của các tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên.
Để đảm bảo mỗi học sinh đều có đủ kiến thức kỹ năng cơ bản tham gia kỳ thi, Sở yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức ôn thi (mục tiêu bước đầu tốt nghiệp THPT) cho học sinh với thời lượng số tiết trên mỗi học sinh như năm học 2013-2014 (thời gian tối đa 08 tuần ôn tập, 5 buổi ôn tập/tuần, 3 tiết/buổi; không quá 120 tiết/học sinh.
Kinh phí hỗ trợ cho giáo viên mỗi tiết ôn thi không vượt quá chế độ chi tăng giờ, từ nguồn xã hội hóa, sự tự nguyện của giáo viên, học sinh đóng góp (xét miễn giảm đối với học sinh diện chính sách, học sinh có có hoàn cảnh khó khăn). Riêng các trường phổ thông DTNT Sở chỉ đạo không thu tiền ôn thi tốt nghiệp đối với học sinh.
Thời gian ôn thi tốt nghiệp các trường căn cứ tình hình thực tế để tổ chức từ 1 đến 2 tháng kết thúc trước 25/6/2015. Giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giáo viên giảng dạy dạy phân loại học sinh theo khả năng nhận thức, theo nhóm môn học sinh đã đăng ký dự thi; tập trung ôn tập nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu. Nắm chắc hoàn cảnh gia đình, động cơ, thái độ học tập của học sinh để động viên, giúp đỡ tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập của học sinh
Giáo viên dạy, hướng dẫn học sinh ôn tập cần xác định cụ thể nội dung ôn thi (theo chương, chủ đề, …); hướng dẫn học sinh ôn luyện, phương pháp tự học tự nghiên cứu; chuẩn bị hệ thống câu hỏi, bài tập, bài thực hành kỹ năng, hệ thống đề thi… giúp học sinh học, ôn thi hiệu quả.
Để giúp cán bộ quản lý, giáo viên nắm bắt đầy đủ thông tin về kỳ thi, tăng cường hiệu quả tư vấn học sinh, đồng thời có giải pháp chuẩn bị tốt cho giảng dạy, ôn tập, ôn thi tới học sinh 12, nhiều trường THPT như Thanh Nưa, Tủa Chùa, PTDTNT Mường Nhé đã tổ chức hội thảo vòng tổ, vòng trường về công tác này. Trường THPT huyện Điện Biên, Búng Lao, Chà Cang đã tổ chức họp phụ huynh thông tin về kỳ thi, bàn biện pháp phối hợp...
Sớm giải tỏa băn khoăn
Vấn đề khiến nhiều trường băn khoăn là việc xét tốt nghiệp THPT dựa vào 50% điểm bình quân năm học lớp 12 dễ thể hiện sự thiếu công bằng, vì mặt bằng, chất lượng đào tạo giữa các trường, khu vực, giữa chưa đồng đều. Tuy nhiên, qua kiểm tra, chấn chỉnh hàng năm của các trường và Sở, nhất là trong năm học 2013-2014 nên việc kiểm tra đánh giá của giáo viên cơ bản nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Về phía học sinh khối 12, nhiều em dù đã chú ý theo dõi và nắm bắt thông tin về xét tốt nghiệp trung học phổ thông và định hướng, tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ, song do có quá nhiều điểm mới nên còn phân vân, dao động chưa biết nên chọn chắc chắn môn thi tự chọn nào, chọn bao nhiêu môn thi thêm để đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ. Khảo sát sơ bộ của các trường cho thấy, số lượng học sinh đăng ký môn tự chọn để xét tốt nghiệp THPT và môn thi thêm để tuyển sinh ĐH, CĐ thế mạnh vẫn là môn Địa, môn Sử; các môn còn lại số lượng lệnh nhau không nhiều.
Việc đi lại, ăn ở khi thi tại Điện Biên và cụm thi Sơn La cũng là băn khoăn của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, Sở đã tích cực chuẩn bị các phương án, chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương và Ban liên lạc phụ huynh học sinh để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Với sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực của thầy trò các nhà trường, hy vọng kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 học sinh tỉnh Điện Biên sẽ đạt kết quả tốt.