Chiều 29/6, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo (BCĐ) kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Điện Biên. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉnh Điện Biên có hơn 6.300 thí sinh tham gia dự tại 20 địa điểm, 282 phòng thi. Hơn 1.000 cán bộ được huy động tham gia thực hiện công tác coi thi.
Nhằm ứng phó với những diễn biến của dịch bệnh Covid-19, BCĐ thi tỉnh Điện Biên đã lên kịch bản và tổ chức thực hiện nhiều phương án đảm bảo an toàn. Theo kế hoạch, mỗi điểm bố trí ít nhất 2 phòng thi dự phòng. Toàn tỉnh bố trí 23 điểm thi dự phòng với số phòng, số bàn ghế đáp ứng yêu cầu trong trường hợp cần thiết.
Các điểm thi cũng được hướng dẫn đảm bảo công tác vệ sinh phòng dịch, bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, thiết bị đo thân nhiệt, tuyên truyền cán bộ, giáo viên, thí sinh nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các quy định 5K của Bộ Y tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Hiện nay áp lực về dịch Covid-19 tại Điện Biên không còn. Liên quan đến kỳ thi lần này, địa phương chỉ còn duy nhất 1 trường hợp thí sinh là F0 đã điều trị khỏi, ra viện ngày 27/6, với tình trạng sức khỏe bình thường. Hiện thí sinh này đang được tiếp tục cách ly tập trung thêm 21 ngày, nên xin ý kiến của Bộ GD&ĐT về phương án xử lý.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Các công tác chuẩn bị cho kỳ thi hiện nay đã được Sở phối hợp cùng các ngành, địa phương liên quan thiển khai thực hiện chặt chẽ.
Vấn đề an ninh, an toàn tại điểm thi được phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh. Trên cơ sở đó, bố trí lực lượng, trang thiết bị bảo vệ an toàn đề thi, bài thi, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, khó khăn nên Sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã chỉ đạo các nhà trường quan tâm hỗ trợ thí sinh dự thi. Vận động nhân dân và các tổ chức xã hội trên địa bàn hỗ trợ nơi ăn, nghỉ cho thí sinh. Quan điểm không để bất cứ một trường hợp thí sinh nào phải bỏ thi vì khó khăn kinh tế hay đi lại.
Với cam kết đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là các địa điểm thi ở khu vực vùng sâu, vùng xa, ngành GTVT cũng đã tính toán phương án, đồng thời bố trí nhân lực, trang thiết bị máy móc túc trực ứng cứu và thông đường khi có sự cố mưa lũ, sạt lở.
Ông Mai Văn Trinh cho rằng đến thời điểm này Điện Biên đã và đang làm rất tốt công tác chuẩn bị. Trong đó, nhất là việc xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan và lên phương án địa điểm thi dự phòng.
Tuy nhiên, để kỳ thi thực sự diễn ra thành công, ông Trinh đề nghị thời gian tới địa phương phải đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra. Phân công các thành viên Ban chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại toàn bộ 100% địa điểm thi.
Trong công tác tập huấn thanh tra, rút kinh nghiệm từ các năm trước, ngoài các yêu cầu nghiệp vụ, tỉnh cần quan tâm tập huấn nâng cao khả năng xử lý các tình huống bất thường xảy ra.
Ông Trinh cũng lưu ý Điện Biên về các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình từ nay cho đến khi kỳ thi kết thúc; đặc biệt là những vụ việc tiêu cực từng xảy ra ở các địa phương khác từ kỳ thì trước.
“Tôi cho rằng con người là yếu tố quan trọng nhất. Chính vì vậy đề nghị tỉnh đặc biệt lưu ý trong việc lựa chọn, tập huấn cho 6 nhóm người tham gia trong suốt quá trình trước, trong và sau khi kỳ thi diễn ra. Đó là: Trưởng điểm thi, cán bộ voi thi, giám sát, lực lượng công an, hậu cần hỗ trợ phục vụ tại các điểm thi, in sao đề thi.... Cần phải lựa chọn những người thực sự nghiêm túc, tinh thông nghiệp vụ và phải có trách nhiệm” – ông Trinh nói.
Ngoài ra, ông Trinh cũng đề nghị Điện Biên quan tâm rà soát lại toàn bộ các địa điểm in, sao đề thi. Khống chế mạng wifi, hệ thống camera tại địa điểm thi. Có phương án tăng cường, bố trí lực lượng công an, giám sát các địa điểm thi phù hợp. Đặc biệt là việc phòng, chống sử dụng công nghệ cao và ứng xử bình đẳng đối với các thí sinh dự thi.