Điện Biên Phủ - Thành phố tuổi 30 "căng tràn" sức sống nơi cuối trời Tây Bắc

GD&TĐ - Vượt qua những đổ nát của chiến tranh, nơi cuối trời Tây Bắc hôm nay có một thành phố trẻ đang căng tràn sức sống của tuổi 30…

Sau 30 năm đầu tư xây dựng, thành phố Điện Biên Phủ đã có sự phát triển vượt bậc về diện mạo đô thị miền núi.
Sau 30 năm đầu tư xây dựng, thành phố Điện Biên Phủ đã có sự phát triển vượt bậc về diện mạo đô thị miền núi.

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đang háo hức, sôi nổi các hoạt động thi đua chào mừng 30 năm thành lập (18/4/1992 - 18/4/2022). Nhân dịp này, thành phố trẻ cũng vinh dự đón nhận Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ.

Ngược thời gian về 30 năm trước, ngày 18/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-HĐBT, thành lập thị xã Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên). Đến năm 2003, thị xã được công nhận là đô thị loại III và chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Đến Điện Biên Phủ hôm nay, nhiều du khách vẫn không khỏi xúc động trước những chứng tích lịch sử hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu” một thời. Hiện nay, thành phố đang nỗ lực phát huy tốt giá trị này phục vụ phát triển du lịch - ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn của địa phương.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao.
Một góc thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao.  

Nhờ xác định đúng hướng đi bằng việc phát huy giá trị tiềm năng, thế mạnh nên kinh tế - xã hội của một thành phố miền núi đã có sự phát triển vượt bậc. Năm 2021, tổng mức lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ thành phố đạt 6.379 tỷ đồng, tăng 14,8 lần so với năm 2003. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 605,4 lần so với năm 1993. Sản lượng lương thực có hạt đạt 18.891 tấn, tăng 14,2 lần so với năm 2003.

Chất lượng đời sống người dân được nâng lên rõ rệt sau 3 thập niên về cả vật chất và tinh thần. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm từ 50% (năm 1993) xuống hiện chỉ còn 1,79% (năm 2021). 100% dân số được dùng điện; 100% phường, xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, được phủ sóng phát thanh truyền hình, có nhà văn hóa…

Xác định, “Giáo dục là then chốt”, thành phố đã dành sự quan tâm ưu tiên hàng đầu trong lãnh, chỉ đạo và đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở. Hiện nay, địa phương tiếp tục duy trì vững chắc và nâng cao tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ III, phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ II tại 12/12 xã, phường.

Các giá trị di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đang được địa phương khai thác hiệu quả, phục vụ phát triển du lịch.
Các giá trị di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đang được địa phương khai thác hiệu quả, phục vụ phát triển du lịch.

Bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng. Đặc biệt là các Dự án: Đường 60m, Hạ tầng kỹ thuật khung dọc trục đường 60m, Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, Thành phố Điện Biên Phủ và những điểm tái định cư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Qua đó tạo động lực và thay đổi to lớn diện mạo của đô thị.

Với sự đầu tư, phát triển vượt bậc về giao thông đã góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Điện Biên Phủ đến Hà Nội và các tỉnh. Đặc biệt, Dự án cải tạo, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, cùng việc mở thêm đường bay thẳng với Thành phố Hồ Chí Minh đã mở ra nhiều cơ hội cho thành phố trẻ. Nhất là trong phát triển du lịch và thu hút đầu tư.

Hành trang sau 30 năm, Điện Biên Phủ được ví như “con tàu với cánh buồm căng gió”. Nhất quán quan điểm của Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc địa phương đang “đồng lòng”, quyết tâm phấn đấu để đến năm 2025 thành phố sẽ cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II và sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Tây Bắc.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.