“ĐIỆN BIÊN PHỦ: 13/3-07/5/1954“: Tiết lộ bí mật về cuộc chiến ở Đông Dương

Cuốn sách “Điện Biên Phủ 13/3-07/5/1954”
Cuốn sách “Điện Biên Phủ 13/3-07/5/1954”

Sách bao gồm 272 trang với 7 chương: Cánh cửa cho một lối thoát danh dự; Chiến dịch mùa thu năm 1953; Bản Kéo, Him Lam, Độc Lập và một số căn cứ khác; “Đó là vì ngày mai”; Khủng hoảng tinh thần; Trận chiến trên năm quả đồi; “Tạm biệt ông bạn già”.

Ngoài những tài liệu lưu trữ và hồi ký chưa được công bố, trong cuốn sách, Ivan Cadeau còn đề cập đến một thực tế khác của sự kiện quan trọng này, trong đó có nhiều vấn đề còn được tranh luận cho đến ngày nay. Những tranh luận được đặc biệt thông qua việc phỏng vấn các nhà lãnh đạo có liên quan (bắt đầu vào năm 1955).

Phần phụ lục của cuốn sách thống kê quân số Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20-11-1953, số đạn dược của các đơn vị quân đội Pháp tham gia chiến dịch ngày 10-2-1954, quân số các đơn vị quân đội Pháp tham gia chiến dịch ngày 12-3-1954…

Dịch giả Đào Thị Ngọc Nhàn là cán bộ Phòng Công bố, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chia sẻ: "Tôi đã gặp tác giả Ivan Cadeau qua một chuyến công tác sưu tầm tài liệu quý hiếm của Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước tại Pháp vào cuối năm 2018.

Buổi lễ ra mắt sách
Buổi lễ ra mắt sách 

Sau khi tìm hiểu, tôi biết rằng tiến sỹ Cadeau là một trong số những chuyên gia hàng đầu thuộc trào lưu mới về Chiến tranh Đông Dương nói chung và về Điện Biên Phủ nói riêng. Đề tài tiến sĩ của ông nghiên cứu về lực lượng công binh Pháp ở Điện Biên Phủ được hội đồng giám khảo đánh giá xuất sắc.

Để dịch trọn vẹn cuốn sách này, tôi đã phải nghiên cứu về chiến dịch Điện Biên Phủ trong một khoảng thời gian gần nửa năm. Khi bắt tay vào dịch cuốn sách, trong thời gian khoảng hai tháng, tôi cũng bỏ nhiều thời gian làm việc liên tục tại Lưu trữ của Bộ quốc phòng Pháp để đọc các tài liệu về các chiến dịch trước, trong và sau Điện Biên Phủ. Nhờ đó tôi có thể hiểu được những toan tính chính trị, quân sự của Pháp thời kỳ đó, cũng như bối cảnh địa chiến lược quốc tế.

Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng tặng hoa chúc mừng tác giả Ivan Cadeau
Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng tặng hoa chúc mừng tác giả Ivan Cadeau 

Đề tài về Điện Biện Phủ rất thú vị và tôi đã bị hút theo nó trong suốt thời gian nghiên cứu. Suốt quá trình này, tôi có cơ hội được đọc, nghiên cứu hơn 50 nghìn trang tài liệu, trong đó có những tài liệu rất mới và chỉ được Pháp giải được giải mật năm 2015 như toàn bộ hồ sơ liên quan đến Uỷ ban điều tra quân sự Pháp về thất bại Điện Biên Phủ. Tôi cũng tham khảo một số cuốn sách của một số học giả nổi tiếng để có đầy đủ kiến thức chuẩn bị cho công tác dịch".

Theo các tài liệu lưu trữ Pháp, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 20/11/1953, ngày Navarre cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ trong khuôn khổ của cuộc hành binh Hải Li (Castor) nhằm xây dựng ở đây một căn cứ không quân hải quân và để bảo vệ Thượng Lào.

Năm 2018, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tổ chức đoàn đi sưu tầm tài liệu tại Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp và được tiếp cận cuốn sách này . Nhận thấy giá trị và ý nghĩa lịch sử của cuốn sách, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tiến hành biên dịch và mua bản quyền xuất bản bản dịch cuốn sách trên và giới thiệu tới đông đảo công chúng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2019).

Hy vọng rằng, cuốn sách và những tư liệu quý giá này sẽ góp phần giúp công chúng có thêm thông tin xác thực về các thời khắc quan trọng của lịch sử Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ