Điện Biên: Những đứa trẻ vào rừng “trốn dịch”

Điện Biên: Những đứa trẻ vào rừng “trốn dịch”

Cả ngày nhốt con với ti vi, máy tính rất nguy hiểm

Gia đình chị Nguyễn Thị Cúc trú tại phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ có hai con nhỏ. Cháu đầu tên Phú 8 tuổi.

Cháu thứ tên Trọng 3 tuổi. Hai vợ chồng chị đều là cán bộ công tác tại các cơ quan của tỉnh. Hai cháu được nghỉ học theo chỉ đạo của tỉnh để phòng virus Corona. Con nghỉ đồng nghĩa với lịch sinh hoạt đảo lộn, hai vợ chồng đau đầu tìm cách giải quyết.

“Cháu lớn đã tự lập nên tôi đỡ lo. Nhưng cháu thứ hai còn nhỏ. Dịch bệnh như thế, chẳng thể nào cho các cháu ra đường chơi được như trước. Để hai anh em ở nhà trông nhau thì cũng chẳng yên tâm vì các cháu đang tuổi hiếu động. Ông bà nội bận không trông giúp được. Tìm mãi mới nhờ được người trông giúp để hai vợ chồng đi làm”, chị Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.

Phải thuê giúp việc cho đến khi các con đến trường. Nhưng lương hai vợ chồng chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Giờ mỗi tháng phải bỏ ra khoảng 4 triệu thuê người trông con.

Gia đình chị Hoàng Thị Út ở tổ dân phố số 23, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ vất vả không kém. Hai vợ chồng đều từ miền xuôi lên lập nghiệp. Chồng chị công tác trong lực lượng vũ trang. Vì nhiệm vụ nên anh ít có thời gian cho gia đình. Bởi thế, việc gia đình hầu như dồn hết lên quỹ thời gian và sức lực của chị Út.

Lại Hải Phong, con đầu của vợ chồng chị Út năm nay đã bước sang tuổi thứ 7. Con thứ là cháu Lại Hoàng Nhật Minh 2 tuổi. Không tìm được người trông trẻ vì thời điểm này nhiều gia đình đều có nhu cầu thuê người.

Không những thế, ít ai nhận lời trông trẻ theo “mùa vụ” như thời điểm hiện nay. Hai vợ chồng lại vội vã “triệu tập” người cháu từ xã biên giới Mường Lói, huyện Điện Biên (cách thành phố 70km) về thành phố nhờ trông nom giúp để hai vợ chồng tiếp tục công tác.

Gia đình anh Đỗ Viết Dũng, trú tại phường Thanh Thanh, thành phố Điện Biên Phủ éo le hơn. Hai vợ chồng công tác tại hai cơ quan cấp tỉnh. Vợ chồng anh đành phải “nhốt” hai anh em Đỗ Viết Duy 13 tuổi và Đỗ Bảo An 4 tuổi ở nhà trông nhau.

“Cũng bởi bất đắc dĩ thôi. Các cháu tuy lớn nhưng để ở nhà cũng chưa hẳn đã yên tâm vì đang tuổi hiếu động. Thi thoảng hai vợ chồng tôi lại phải gọi điện về nhà, hỏi han, kiểm tra tình hình. Rồi thì bảo ban các cháu ở nhà chủ động ôn lại kiến thức đã học. Chứ cả ngày ngồi trước ti vi hay máy tính, điện thoại cũng rất nguy hiểm”, anh Đỗ Viết Dũng tâm sự.

Nhiều học sinh ở các huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên tranh thủ lên rừng phụ giúp bố mẹ
 Nhiều học sinh ở các huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên tranh thủ lên rừng phụ giúp bố mẹ

Đưa con vào rừng để trông cho… tiện

Điện Biên là địa phương có 19 dân tộc anh em sinh sống. Đồng bào sống rải rác ở các xã, bản vùng cao. Theo chỉ đạo, tất cả các đơn vị đều cho học sinh nghỉ để thực hiện các biện pháp phòng dịch từ ngày 6/2/2020 cho đến khi có thông báo.

“Ngay sau khi có chỉ đạo từ trên, chúng tôi đã cho cán bộ giáo viên, nhân viên các trường đồng loạt làm vệ sinh khuôn viên trường học. Khi cho học sinh nghỉ thì tiến hành bàn giao cho phụ huynh học sinh quản lý các cháu tại gia đình. Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường phân công giáo viên chủ nhiệm lớp, đứng lớp thường xuyên liên lạc với gia đình để nắm bắt tình hình quản lý các em tại địa phương.

Phát hiện bất cứ học sinh nào có biểu hiện bất thường như ho, sốt, khó thở... thì cán bộ, giáo viên phải hỗ trợ gia đình học sinh đưa các cháu đến cơ sở y tế gần nhất”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa nói.

Tủa Chùa là huyện vùng cao với nhiều đồng bào Mông sinh sống rải rác ở các xã: Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Trung Thu, Lao Xả Phình, Mường Đun, Xá Nhè... Ở những địa phương này, mỗi khi được nghỉ thì nhiều học sinh lại có mặt ở khắp các dãy đồi, sườn núi.

Có trẻ thì đi chăn trâu, tắm suối, cũng có em lại lên nương theo bố mẹ. Thế nên những ngày này các em lại vào rừng, lên núi với bố mẹ. Bởi đó là tập quán sinh hoạt đã gắn liền với đời sống dân nghèo nơi đây suốt bao đời nay.

“Người dân ở đây làm gì có điều kiện để thuê người trông trẻ. Họ cũng không ngồi nhà trông con được. Những gia đình đông con, nếu bỏ con lại ở nhà chơi với nhau thì bố mẹ lại không yên tâm vì tai nạn có thể xảy ra.

Bởi vậy, nhiều nhà đã cho những cháu lớn lên rừng theo bố mẹ như một hình thức để trông nom. Thôi thì cứ lên rừng, làm được việc gì thì làm đỡ bố mẹ chứ chẳng bắt buộc phải làm việc như lao động chính đâu”, ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa tâm sự.

Thường thì sau Tết Nguyên đán, đồng bào Mông ở Tủa Chùa sẽ gác lại công việc đồng áng để tham gia các lễ, hội. Đến Rằm tháng Giêng rồi mới bắt đầu lên nương. Năm nay, sau Tết dịch bùng phát tại nhiều nơi. Thế nên bà con ở đây chủ động nghỉ dài. Những gia đình có việc thì sẽ đi nương sớm.

“Năm nay có dịch nên đến giờ cũng ít người đi làm. Trẻ con trong bản được nghỉ học thì cũng chỉ loanh quanh ở nhà hoặc chơi trong bản. Một vài cháu thì lang thang ở mấy quả đồi quanh nhà rồi chơi với nhau thôi. Chắc cũng phải hơn tuần nữa thì mới đi lên rừng được”, anh Giàng A Ló, trưởng bản Tà Dê cho biết.

Bản Tà Dê (xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa) có 84 hộ gia đình đồng bào Mông sinh sống. Trong số đó, vợ chồng anh Giàng Vàng Lỳ - chị Chang Thị Dủ đông con nhất bản.

Anh chị có tới 10 người con. Đứa lớn năm nay đã đến tuổi “cập kê” (16 tuổi). Đứa nhỏ nhất mới được vài tháng tuổi. Đa số các con của vợ chồng anh đều đang đi học. Mấy hôm nữa, nếu tiếp tục nghỉ học thì bố con lại “rồng rắn” lên nương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.