Song khi không đủ năng lực, công ty này đã lặng lẽ bỏ trốn, để lại hàng trăm dân nghèo “khốn đốn” vì không biết kêu ai.
Tiền chưa thấy đâu, nhà thầu đã “mất hút”
Ngày 12/9, cùng với bà con ở các bản Pá Khôm, Huổi Lướng, hàng chục hộ dân ở Thẩm Phẩng, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) hân hoan trong niềm vui có điện sau bao năm sống cảnh đèn dầu. Thế nhưng, giữa những phấn khởi ấy, nhiều hộ dân vẫn “canh cánh” nỗi niềm.
“Chúng tôi là những lao động làm thuê cho tổ thợ nhận khoán thi công xây dựng công trình cấp điện này trong năm 2020. Sau bao nhiêu thời gian gián đoạn, chờ đợi, đến nay điện đã sáng rồi, mà tiền công thì vẫn chưa nhận được” – ông Mùa A Sùng (xã Nặm Lịch) than thở.
Lật giở từng trang giấy từ cuốn vở ô li, ghi chi tiết ngày công, tên cụ thể từng người, ông Sùng cho biết: Riêng tại Thẩm Phẩng còn 9 người dân bị nợ tổng số tiền công là 70 triệu đồng. Người nhiều thì hơn 20 công, ít cũng vài công, nhưng phần đa trong số đó đều là hộ nghèo, khó khăn.
Đơn cử như trường hợp anh Chá Nỏ Tạ, gia đình thuộc hộ nghèo, hiện nuôi mẹ già không tỉnh táo và 7 con nhỏ đều trong độ tuổi ăn học. Anh Tạ tâm sự: “Nhà nghèo quá, được họ gọi đi làm thuê đào hố, kéo cột làm đường điện là đi thôi.
Bỏ hết việc nhà, việc nương đi làm chỉ mong kiếm tiền, lo ăn cho con thêm vài bữa. Thế mà cả năm nay rồi có thấy tiền đâu(?). Vào đầu năm học cũng không có tiền mua bút vở cho con”.
Người bỏ công đã đành, bức xúc hơn cả là hoàn cảnh của ông Sùng. Bởi theo ông kể, suốt 1 tháng ròng rã cho máy xúc đi sửa đường, đào móng, vận chuyển cột… Ông đã phải tạm ứng hơn 20 triệu đồng mua dầu, mỡ vận hành máy. Tính cả công theo giờ thì nhà thầu phải trả ông 60 triệu đồng. Thế nhưng, tiền chưa thấy đâu thì nhà thầu đã “mất hút”.
“Vay tiền để mua cái máy xúc chạy, tưởng nhận làm cho công trình này thì sẽ trả bớt phần nào. Thế mà, giờ chẳng những không thấy tiền công, mà còn gánh thêm cả khoản nợ thế này, khổ quá!” – ông Sùng nói.
Còn theo ông Vừ A Mù, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chải (huyện Tùa Chùa), nhà thầu này hiện nay còn nợ hơn 400 triệu đồng tiền công lao động của 15 người dân trên địa bàn. Họ ở các thôn: Cáng Chua 1 (bản dưới), Lồng Sử Phình (bản trên) và Chế Cu Nhe…
“Sau khi nhà thầu này rút khỏi dự án, chủ đầu tư là Sở Công Thương đã cử một nhà thầu khác đến thi công nốt những hạng mục còn lại. Nhưng, do chưa lấy được tiền công lao động nên nhiều người dân đã ngăn cản, không cho nhà thầu thi công như trước. Do đó, dự án phải tạm dừng thi công mấy tháng nay” – ông Mù cho hay.
Người nhận khoán “điêu đứng”
Được biết, đây là các dự án thành phần trong Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 – 2020, do Sở Công Thương là chủ đầu tư. Công ty TNHH số 11 (tổ dân phố 2, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ) là nhà thầu thi công tại các địa bàn nêu trên (huyện Mường Ảng, Tủa Chùa).
Tại 3 bản của xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, doanh nghiệp hợp đồng giao khoán cho tổ thợ của ông Lường Văn Tưởng (xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng). “Sau khi hợp đồng nhận khoán, tôi đã ứng tiền cá nhân hơn 700 triệu đồng để trả công thợ, mua nguyên vật liệu, thuê máy móc. Đến khi công trình tạm dừng thi công vẫn chưa được thanh toán.
Hiện, công ty vẫn còn nợ tôi hơn 1,2 tỷ, nhưng tôi không thể liên lạc được với ông Giám đốc Đinh Văn Tẹo. Tôi cũng đã đi tìm khắp nơi và làm đơn trình báo lên cơ quan công an, chính quyền nhưng chưa có kết quả. Hiện, tôi đã bán xe, bán đất nhưng cũng không đủ khả năng chi trả số tiền công còn lại của người dân” – ông Tưởng chia sẻ.
Cũng theo ông Tưởng, chính ông cũng không được biết chủ đầu tư nghiệm thu, thanh lý hợp đồng từ khi nào. Mặc dù trước đó, từ tháng 8/2020 có cùng đi nghiệm thu 1 lần và đã nhắc đến vấn đề doanh nghiệp còn nợ tiền. Chỉ đến khi Sở Công Thương xuống xã Nặm Lịch họp tiếp tục triển khai dự án, thông báo nhà thầu mới thì mọi việc mới vỡ lẽ.
Còn tại thôn Cáng Chua 1, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, ông Chang A Mang không những khó khăn, mà còn mất hết uy tín với nhiều người. Ông Mang đứng ra nhận khoán đào, đổ và lấp móng với tổng số tiền công hơn 130 triệu đồng. Song, nhà thầu mới ứng cho 20 triệu đồng. Số còn lại thì “bặt vô âm tín”.
“Nhận được công việc tôi mừng lắm, huy động người thân, anh em trong bản tích cực làm, vừa để mong sớm có điện, vừa muốn có thêm khoản tiền. Lao động vất vả, bỏ bê việc nhà, lúc xong nhà thầu cứ khất lần, khất lượt, đến giờ thì chốn bặt tăm. Hơn 1 năm trời (từ ngày 22/6/2019 - 29/6/2020) thành công cốc hết” – ông Mang bộc bạch.
Loay hoay “gỡ”
Sau nhiều lần điện thoại không liên lạc được, một số người dân bị nợ tiền đã ra TP Điện Biên Phủ tìm đến địa chỉ công ty, song không tìm được ai đứng ra giải quyết. Bức xúc, bất lực trước hành vi quỵt nợ của Giám đốc Công ty TNHH số 11, 17 người bị nợ tiền tại Sín Chải đã làm đơn kiến nghị lên UBND xã.
Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chải cho biết: Chính quyền địa phương đã báo cáo và đề nghị UBND huyện có ý kiến với đơn vị chủ đầu tư để đòi quyền lợi chính đáng cho người dân.
Tuy nhiên, đã hơn 3 tháng trôi qua, chính quyền xã cũng như người dân chưa nhận được phản hồi từ phía Sở Công Thương. Nếu chủ đầu tư cũng không thể giải quyết, tới đây, UBND xã sẽ hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục cần thiết để khởi kiện công ty ra tòa án.
Còn theo bà Hoàng Tuyết Ban, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, thông tin, thì đến nay UBND huyện đã 2 lần gửi văn bản đến Sở Công Thương yêu cầu Sở có ý kiến về nội dung trên, tuy nhiên chưa có hồi âm.
“Khi có các sự việc phát sinh liên quan đến dự án thì đơn vị chủ đầu tư cũng nên có ý kiến trả lời rõ ràng. Đồng thời phải phối hợp tìm phương án giải quyết thỏa đáng để dự án có thể tiếp tục triển khai, người dân được sử dụng điện. Đây cũng là cách để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư” – bà Ban cho hay.
Về phía chủ đầu tư của dự án, ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương, cho rằng: Từ thời điểm khởi công công trình đến khi nghiệm thu, thanh toán, thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH số 11, Sở không nhận được bất kỳ phản ánh hay khiếu nại nào của người dân.
Đơn vị này cũng không nhận được phản ánh của chính quyền địa phương liên quan đến nợ tiền công của người dân mà công ty chưa thanh toán. Do đó, Sở cũng không có cách nào để giúp người dân.
“Sau khi nắm được thông tin này, Sở đã nhiều lần liên hệ với Giám đốc công ty bằng nhiều hình thức, nhưng Giám đốc đã rời khỏi Điện Biên, bán nhà riêng và cắt đứt mọi thông tin liên lạc. Do vậy, việc làm rõ, xử lý, giải quyết nội dung trên là vô cùng khó khăn” – ông Sơn cho biết.
Trước mắt, để công trình tại xã Sín Chải (Tủa Chùa) được triển khai, Sở Công Thương đã hợp đồng với Công ty Xây lắp điện Tuần Giáo. Đơn vị này cũng cam kết hỗ trợ trả 30% tổng số tiền công mà Công ty TNHH số 11 nợ người dân. Số còn lại vẫn chưa tìm được phương án giải quyết.