Điện Biên: Gần 1.200 hộ nghèo sẽ được làm nhà mới

GD&TĐ - Với trên 60 tỷ đồng được phân bổ từ Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội”, tỉnh Điện Biên dự kiến sẽ có gần 1.200 hộ nghèo được làm nhà mới.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình tại Điện Biên phát biểu chỉ đạo.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình tại Điện Biên phát biểu chỉ đạo.

Tỉnh ủy Điện Biên vừa công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội”, đồng thời thông qua dự thảo kế hoạch thực hiện chương trình.

Theo kế hoạch, Chương trình sẽ được triển khai tại 7 huyện, thị xã, với tổng nguồn vốn phân bổ trên 60 tỷ đồng trích từ Quỹ “Vì người nghèo”. Dự kiến sẽ có 1.169 căn nhà được làm mới, dành cho các đối tượng là hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc.

Có 2 mức hỗ trợ, bao gồm: Mức 1 là hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật sống tại khu vực vùng sâu vùng xa… được hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà. Mức 2 hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà đối với các hộ còn lại trong chương trình thụ hưởng.

Để triển khai có hiệu quả chương trình, địa phương này đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, gồm 27 thành viên. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh là Phó Trưởng Ban Thường trực.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình.

Tổ giúp việc tham mưu Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cụ thể chương trình; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng. Ngoài ra, chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức; định kỳ hàng tháng báo cáo tiến độ…

Nhấn mạnh đây là chương trình lớn, có tính nhân văn sâu sắc, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên – Nguyễn Văn Thắng đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác phối hợp, tổ chức thực hiện một cách bài bản. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc rà soát đúng đối tượng.

“Quá trình thực hiện có vấn đề vướng mắc, phát sinh phải báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngoài ra cần chủ động công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của chương trình để người dân hiểu và đồng thuận…”, ông Thắng yêu cầu.

Theo kế hoạch, chương trình sẽ hoàn thành trước ngày 30/11.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ