Điện Biên cải thiện dinh dưỡng cho học sinh vùng cao từ bữa ăn học đường

GD&TĐ - Thời gian qua, các trường học trên địa bàn Điện Biên đã nỗ lực cải thiện dinh dưỡng cho học sinh vùng cao thông qua bữa ăn học đường.

Bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm và ngon miệng là các tiêu chí đề ra cho bữa ăn nội trú, bán trú của học sinh tại Điện Biên.
Bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm và ngon miệng là các tiêu chí đề ra cho bữa ăn nội trú, bán trú của học sinh tại Điện Biên.

Đảm bảo dinh dưỡng

Năm học 2024-2025, để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo an toàn cho bữa ăn của hơn 400 học sinh, thầy Trần Hải Triều, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên), cho biết: Nhà trường đã lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm uy tín, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm.

Hằng ngày, khi tiếp nhận thực phẩm, đều ghi sổ dưới sự giám sát chặt chẽ của Ban Giám hiệu nhà trường. Nhân viên nhà bếp thường xuyên được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ.

dinh-duong-hoc-duong-4.jpg
Bữa ăn nội trú tại Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé.

Ngoài đảm bảo đủ dinh dưỡng và ngon miệng, nhà trường còn đặc biệt chú trọng tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà trường đã chia thành các khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín. Đồ dùng trong nhà bếp được trang bị đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo thông thoáng.

Thực hiện theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Điện Biên, hằng ngày, thực phẩm được tiếp nhận dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường. Đồng thời, thực đơn bán trú được công khai, mẫu thức ăn được lưu giữ 24/24 giờ theo quy định, và tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đông lạnh để chế biến thức ăn cho học sinh.

dinh-duong-hoc-duong-1.jpg
Đồ dùng trong nhà bếp của Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé được trang bị đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo thông thoáng.

Nhà trường cũng chủ động đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm tới phụ huynh thông qua các buổi họp, tranh ảnh, áp phích tại bản tin, góc tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu và có trách nhiệm quan tâm đến sức khỏe của con em mình.

Em Lò Thị Thanh Huyền, lớp 12C3, Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé, chia sẻ: "Ở trường, chúng em được các thầy cô cho ăn uống đầy đủ, sinh hoạt đúng giờ giấc. Bữa ăn nào cũng ngon, đầy đủ thịt và rau xanh."

Cải tiến thực đơn, nâng cao chất lượng bữa ăn

Năm học 2024-2025, nhiều trường học tại Điện Biên đã chủ động đổi mới và thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh nội trú, bán trú. Trong đó, tiêu biểu là Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng.

Nhằm tạo sự gắn kết trong trường nội trú, trường đã đổi mới bằng việc áp dụng mô hình “ăn bằng mâm”. Các em học sinh sẽ ngồi ăn theo nhóm, mỗi mâm có từ 6-7 học sinh. Đây là mô hình bữa ăn gia đình, giúp tăng tính san sẻ, đoàn kết, và hạn chế lãng phí thức ăn. Trên mâm luôn có 2 món ăn chính, rau, và hoa quả tráng miệng từ các loại quả địa phương.

mam-com-1-612.png
Mô hình “ăn bằng mâm” giúp các em cảm thấy ấm áp và hạnh phúc như ở chính gia đình của mình.

Thực đơn bữa ăn được nhà trường công khai tới giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh. Mô hình "ăn bằng mâm" tuy mới được áp dụng từ đầu năm học nhưng đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ học sinh và phụ huynh.

Hằng ngày, học sinh nội trú vui vẻ, hào hứng gọi nhau đi ăn. Các bữa ăn không còn mang tính "của ai người nấy ăn" như trước mà trở thành những bữa cơm quây quần, giúp các em cảm thấy ấm áp và hạnh phúc như ở gia đình.

Tại TP Điện Biên Phủ, để xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học hơn cho trẻ, nhiều trường mầm non đã được Phòng GD&ĐT thành phố tổ chức tập huấn và triển khai thử nghiệm phần mềm dinh dưỡng.

phanmem1-1.png
Việc áp dụng thử nghiệm phần mềm dinh dưỡng tại một số trường Mầm non được kỳ vọng sẽ giúp bữa ăn học đường khoa học, cân đối hơn cho trẻ.

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Điện Biên Phủ, cho biết: Các chương trình tập huấn không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn về dinh dưỡng mà còn trang bị cho cán bộ quản lý, giáo viên cách sử dụng công nghệ hiện đại để quản lý khẩu phần ăn, tối ưu hóa chi phí và đảm bảo chất lượng bữa ăn hàng ngày cho trẻ. Đây là một bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ em tại TP Điện Biên Phủ.

Bà Hiền hy vọng rằng với sự hỗ trợ của phần mềm dinh dưỡng hiện đại, công tác quản lý dinh dưỡng tại các trường mầm non sẽ đạt hiệu quả cao và sớm được triển khai trên diện rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.