Điện Biên: Ai đòi “khai tử” rừng thông?

GD&TĐ - Mường Ảng có tỷ lệ che phủ rừng thấp thứ 2 của tỉnh Điện Biên. Thế nhưng, 47,18 ha rừng trồng 16 năm tuổi đang có nguy cơ bị “xóa sổ”.

Đoàn cán bộ huyện Mường Ảng đi kiểm tra rừng thông.
Đoàn cán bộ huyện Mường Ảng đi kiểm tra rừng thông.

Chính quyền và nhân dân ở đây khẳng định thông đang xanh tốt chứ không phải kiệt quệ như một số người phản ánh!

500 cây chết, muốn phá cả rừng

Ngày 28/5, lãnh đạo 2 bản Bua 1, 2 xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng (Điện Biên) tổ chức họp dân để xin khai thác gỗ thông ở rừng trồng trên địa bàn xã. Có 125/127 hộ tham gia. Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn được khai thác gỗ thông ở 47,18 ha rừng trồng kèm theo cam kết sẽ tái thay thế.

Ngày 1/6, ông Lường Văn Nghiên - Trưởng bản Bua 1 đại diện cho nhân dân 2 bản làm đơn lên xã xin chủ trương. Ba ngày sau, UBND xã Ẳng Tở có tờ trình gửi lên UBND huyện, phòng NN&PTNT và Hạt Kiểm lâm xin tạo điều kiện cho nhân dân 2 bản khai thác để có thêm thu nhập.

Theo Hạt Kiểm lâm, diện tích rừng thông nói trên là rừng trồng sản xuất từ năm 2005 theo chương trình Dự án 661, thuộc khoảnh 7, tiểu khu 643 được quy hoạch rừng sản xuất theo Quyết định của UBND tỉnh Điện Biên với diện tích 47,18 ha.

Diện tích này đã được giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận cho cộng đồng bản Bua 1, 2 quản lý, bảo vệ. Bà con cũng đang được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào năm 2019, 2020 với số tiền gần 17 triệu đồng/1 năm.

Qua kiểm tra thực tế, có khoảng 500 cây thông bị đổ, gãy do gió, lốc. Mật độ còn khoảng 2.000 cây/1ha. Ngoài ra, một số cây rừng tự nhiên ở đây cũng đang sinh trưởng và phát triển tốt. Số diện tích trên cũng được nhân dân 2 bản hợp đồng cho khai thác nhựa từ năm 2015 - 2018. Cây thông cũng đang trong giai đoạn khôi phục và phát triển.

Ngày 10/6, UBND huyện Mường Ảng có văn bản gửi Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên xin ý kiến liên quan đến đề nghị của người dân trong việc xin được khai thác trắng diện tích nói trên.

Trong công văn phúc đáp, Sở NN&PTNT cho biết, việc khai thác gỗ rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu phải được thực hiện theo quy định. Việc người dân đề nghị như trên sẽ dẫn đến giảm diện tích có rừng. Ngoài ra, việc xin khai thác phải đảm bảo tuân thủ theo các quy định tại Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT và Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Sở NN&PTNT, tỷ lệ che phủ rừng ở Mường Ảng đạt 31,56% (thấp thứ 2 toàn tỉnh); xã Ẳng Tở có tỷ lệ che phủ đạt 23,19% (thấp thứ 3 toàn huyện). Từ lẽ trên, Sở này đề nghị UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ rừng.

Quá trình tìm hiểu sự việc, Báo GD&TĐ nhận được ý kiến cho rằng chính doanh nghiệp bên ngoài đã tự ý thỏa thận với một số hộ dân trong bản để mua gỗ rừng thông. Nhận được sự “động viên” từ phía doanh nghiệp, những hộ dân này mới một mực đòi “xóa sổ” cánh rừng.

Hàng trăm hộ hưởng lợi… từ rừng

Đại diện lãnh đạo huyện ủy, UBND và cơ quan chức năng huyện Mường Ảng đi kiểm tra thực địa tại cánh rừng người dân muốn “xóa sổ”.
Đại diện lãnh đạo huyện ủy, UBND và cơ quan chức năng huyện Mường Ảng đi kiểm tra thực địa tại cánh rừng người dân muốn “xóa sổ”.

Hôm 23/6 lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện đã có buổi làm việc với UBND xã Ẳng Tở và đại diện 2 bản. Tại đây, ông Lường Văn Chương - Trưởng bản Bua 2 khẳng định người dân vẫn đang hưởng lợi từ rừng.

“Tôi nhất trí kiên quyết bảo vệ toàn bộ diện tích rừng thông đang phát triển tốt. Xưa kia chưa có rừng thông này, cả vách núi nhiều đất trống, đồi trọc, nương bỏ không. Hơn 10 năm về trước, người dân 2 bản thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Từ 2010 trở về đây, nước dồi dào hơn. Người dân trồng được lúa 2 vụ. Cả bản có 7 ha ruộng nước đều lấy từ khu vực rừng thông. Nước sinh hoạt cũng lấy từ đây”, ông Chương ý kiến.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Hồng - Bí thư Chi bộ bản Bua 1 cho biết, sau khi đi thực tế tại rừng thông, nhận thấy cánh rừng đang xanh tốt trở lại chứ không phải kiệt quệ như phản ánh.

“Sau các buổi làm việc, được lãnh đạo huyện, cán bộ kiểm lâm phân tích, tuyên truyền thì tôi cũng như lãnh đạo các bản đã đồng tình với chủ trương của huyện là giữ lại rừng để bảo vệ nguồn nước cho bà con. Việc giữ lại là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật”, bà Hồng cho biết.

“Cá nhân tôi thì cũng mong huyện, xã tạo điều kiện cho bà con trong bản tận thu những cây bị đổ, gãy để có thu nhập hoặc sử dụng trong gia đình. Nhưng khi tận thu phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Kiên quyết phải bảo vệ diện tích những cây sống còn lại chứ không được phá”, bà Hồng nói thêm.

Cũng trong buổi làm việc trên, ông Lò Văn Dung ở tổ quản lý bảo vệ rừng bản Bua 2 cho biết: Từ 2018, sau khi không khai thác nhựa, có một số cây thông bị đổ do gió lốc nhưng không làm ảnh hưởng đến toàn bộ diện tích rừng hiện có. 47,18 ha rừng thông đã cung cấp nước tưới, sinh hoạt cho hơn 300 hộ gia đình.

Hiện có khoảng 30 đường nước sinh hoạt được nhân dân lấy từ rừng tự nhiên và rừng thông. Ông Dung khẳng định, đây là khu rừng đầu nguồn. Nếu khai thác trắng thì sẽ bị mất đi nguồn sinh thủy phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng khẳng định: Toàn bộ diện tích rừng thông trên được đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước. Theo quy định thì Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Vì vậy, chỉ chủ sở hữu mới có quyền quyết định đến việc khai thác rừng hay không.

Ông Hiệp cũng cho biết thêm, thực tế toàn bộ 47,18 ha rừng thông sau thời gian khai thác nhựa đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển tốt chứ không phải đang “nằm kiệt quệ chờ chủ trương” như phản ánh. Vì lẽ đó, quan điểm của chính quyền huyện Mường Ảng là sẽ kiên quyết bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có.

Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 7, Luật Lâm nghiệp quy định: Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân bao gồm: Rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ. Khoản 2, Điều 59, Luật này cũng quy định việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng: Trường hợp rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.