(GD&TĐ)-Thiếu niềm đam mê học tập và nghiên cứu có thể coi là một trong những điểm yếu lớn nhất ở sinh viên hiện nay – đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Thùy Dung – thủ khoa “kép” của ĐH Ngoại thương với thành tích học tập cũng như công tác xã hội ấn tượng.
Thủ khoa kép ĐH Ngoại thương Nguyễn Thị Thùy Dung. Ảnh: gdtd.vn |
Theo Dung, đâu là điểm thiếu nhất, yếu nhất của sinh viên hiện nay? Làm thế nào để có thể hạn chế những cái thiếu và yếu này?
Nguyễn Thị Thùy Dung: Bốn năm trên giảng đường đại học, là một sinh viên, cũng như được lắng nghe chia sẻ của các bạn sinh viên khác, em nhận thấy sinh viên ta hiện nay vẫn thiếu và yếu một số yếu tố rất quan trọng cần thiết trong học tập cũng như trong công việc sau này. Ví dụ như hầu hết sinh viên đều thiếu sự định hướng cần thiết (về chọn ngành học phù hợp, phương pháp học tập khoa học,giữ cân bằng trong cuộc sống, hướng nghiệp) trước khi bắt đầu khóa học cũng như trong suốt quá trình. Những khóa học chính trị đầu khóa chưa thể đóng vai trò định hướng cho sinh viên trong 4 năm ở bậc đại học. Ngoài ra, sinh viên vẫn thiếu cơ hội liên hệ và áp dụng kiến thức học được vào thực tiễn do chương trình giảng dạy ở bậc đại học tuy đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn quá chú trọng lý thuyết mà chưa đi liền với thực hành. Còn về những điểm yếu, mỗi cá nhân có một điểm yếu khác nhau. Song thiếu đi niềm đam mê học tập và nghiên cứu có thể coi là một trong những điểm yếu lớn nhất ở sinh viên hiện nay. Vẫn có những cá nhân say mê tìm tòi, nhưng rất nhiều bạn vẫn còn hời hợt, học vì thành tích, hoặc không coi học tập là mối quan tâm số một. Chính vì vậy sinh viên vẫn còn lãng phí thời gian vào giải trí hoặc các hoạt động khác mà không đầu tư nhiều vào học tập, nghiên cứu. Để hạn chế những điểm thiếu và yếu này, cần thay đổi từ từ trong dài hạn, và cần sự chung tay của các Bộ, Ban ngành, các nhà trường và toàn thể sinh viên. Ví dụ để cung cấp cho sinh viên cơ hội thực hành, chương trình học cần thay đổi nhấn mạnh vào liên hệ thực tiễn của các kiến thức học được, các nhà trường cần liên kết với các doanh nghiệp hoặc tổ chức đưa sinh viên đến quan sát, thực hành, thực tập ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Rất nhiều sinh viên ra trường bị lỡ cơ hội do trình độ ngoại ngữ cũng như hạn chế kỹ năng sống kể cả những sinh viên giỏi. Từ kinh nghiệm của em, một sinh viên đạt IELTS 8.0 và tham gia rất nhiều vào công tác xã hội, giúp đỡ cộng đồng có thể chia sẻ bí quyết để "lấp" hai khoảng trống này?
Nguyễn Thị Thùy Dung: Thực tế đúng là nhiều bạn sinh viên khi ra trường do trình độ ngoại ngữ còn hạn chế mà mất khá nhiều thời gian và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Theo quan điểm của em, các bạn thiếu trình độ ngoại ngữ cũng như hạn chế kỹ năng sống không phải do các bạn kém hay không có năng lực. Nguyên nhân thực sự là khi học ở bậc đại học, do thiếu định hướng cũng như cá nhân các bạn chưa chú trọng đến phát triển trình độ ngoại ngữ và kỹ năng sống, vì vậy các bạn không dành nhiều thời gian để phát triển những kỹ năng này. Vì vậy để lấp hai khoảng trống này, ngay khi bắt đầu học đại học, các bạn sinh viên cần thiết phải nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ và kỹ năng sống, bên cạnh vai trò của kiến thức chuyên môn; đặt ưu tiên vào việc phát triển những kỹ năng này; từ đó dành nhiều thời gian và công sức. Nhưng các bạn cần thiết phải cân đối, sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, khoa học.
Vừa là thủ khoa đầu vào, vừa là thủ khoa đầu ra, Dung làm thế nào để giữ cho mình phong độ học tập tuyệt vời như vậy?
Nguyễn Thị Thùy Dung: Thực ra em cũng không có nhiều bí quyết đặc biệt cho việc giữ phong độ học tập để trở thành thủ khoa kép như hôm nay. Sự quyết tâm và phương pháp học tập phù hợp là hai yếu tố theo em đóng góp rất lớn vào thành tích ngày hôm nay của em. Quyết tâm thể hiện ở việc em đặt mục tiêu cần đạt đến trong cả ngắn hạn và dài hạn trong học tập; coi việc học là ưu tiên số một. Ngoài ra em còn tìm tòi để tự tìm ra một phương pháp học tập phù hợp nhất với bản thân. Khi có phương pháp học tập khoa học, em không cần dành quá nhiều thời gian mà vẫn có thể học hiệu quả. Ngoài ra không thể không kể đến sự khuyến khích, động viên của gia đình và các thầy cô, đó là những nguồn động lực lớn đối với em.
Hoàn thành 4 năm học ĐH, Dung còn băn khoăn gì, từ chương trình học, giảng viên, môi trường học tập...?
Nguyễn Thị Thùy Dung: Khi học tập tại trường Đại học Ngoại Thương, em tham gia chương trình đào tạo Chất lượng cao, chương trình học bằng tiếng Anh. Dù vẫn tồn tại một số hạn chế, nhưng sau khi hoàn thành 4 năm học, chúng em đều hài lòng với chương trình học, nhất là tác dụng nâng cao kiến thức tiếng Anh chuyên ngành kinh tế và kinh doanh quốc tế. Em luôn khâm phục và ngưỡng mộ các thầy cô giảng dạy ở trường, về tinh thần học tập nghiên cứu, kiến thức chuyên sâu, thái độ làm việc nghiêm túc, sự nhiệt tình, gần gũi của các thầy cô. Mỗi thầy cô đều là tấm gương để chúng em noi theo khi phát triển sự nghiệp trong tương lai. Môi trường học tập cạnh tranh lành mạnh cũng như môi trường hoạt động năng động, thân thiện và ở Ngoại Thương sau 4 năm là điều em hài lòng nhất.
Dung có lời gì cần chia sẻ với những tân sinh viên vừa bước vào trường ĐH cũng như các bạn vừa tốt nghiệp ĐH?
Nguyễn Thị Thùy Dung: Bằng kinh nghiệm học tập và hoạt động ở 4 năm đại học của mình, em mong các em tân sinh viên sẽ vững bước để bắt đầu một chặng đường mới, đánh dấu sự trưởng thành lớn nhất trong cuộc đời các em sau này. Các em hãy luôn đặt mục tiêu để hướng tới, đặt ưu tiên cho việc học tập. Tuy nhiên cũng đừng dành 4 năm ở đại học chỉ để ‘học đại học’. Hãy phát triển các kỹ năng sống, tham gia vào các hoạt động đóng góp cho cộng đồng ngay từ khi còn là sinh viên. Đối với các bạn vừa tốt nghiệp đại học như em, chúc các bạn lập nghiệp thành công!
Hiếu Nguyễn (thực hiện)