Kết quả một cuộc nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Phần Lan chỉ ra rằng, trẻ em sống với ông bà có nguy cơ bị béo phì gấp 5 lần sống chung với cha mẹ.
Nguyên nhân chủ yếu là do ông bà nuông chiều sở thích ăn vặt của cháu và vì ông bà tuổi đã cao, không thể theo kịp cháu nên hay dùng quà bánh để “dụ” trẻ ngồi một chỗ khi trông trẻ.
Thực tế tại Việt Nam, có thể nhận ra nhiều ý kiến đồng tình về kết quả nghiên cứu trên. Không những thế, không ít các gia đình còn thường xuyên bùng nổ “chiến sự” giữa ông bà và bố mẹ khi có quan điểm trái chiều trong việc nuôi dạy trẻ.
Bác Phú (Ngô Quyền, Hải Phòng) hiện đang chăm 2 “cô công chúa” sinh đôi Su Su và Sushi là cháu ngoại đầu lòng. Con gái bác Phú lập gia đình và sinh con tương đối muộn nên khi biết tin sắp có cháu, cả hai bên nội ngoại đều mừng rỡ và thay nhau nhận trách nhiệm chăm cháu.
Tuy nhiên, gia đình bác cũng có không ít bất đồng về quan điểm hay cách chăm trẻ. Điển hình như việc cho bé ăn dặm, đến cách lên thực đơn cho bé: “Cô con gái bác thì cứ muốn để cháu qua 6 tháng mới được ăn dặm nhưng bác thì thấy lúc con bé con hơn 4 tháng đã có vẻ thèm ăn lắm rồi, bác có bảo là nên cho ăn dặm sớm.
Nhưng con gái bác nhất định không chịu, bảo là bác sỹ khuyên ăn dặm chỉ phát triển chiều ngang, còn phải uống sữa mới phát triển chiều cao được”, bác Phú cho biết.
Theo bác Phú thì những người lớn tuổi thường tích lũy được nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ mà các bà mẹ trẻ cần học hỏi thay vì cho là những kiến thức lạc hậu. “Bác thì hay cho cháu ăn ngồi vì sợ cháu bị sặc.
Khi nấu cháo thì bác hay ninh nước xương rồi khuấy cháo, nếu ăn thêm tôm hay cua thì làm riêng, lọc nước, xay nhuyễn cho vào cháo trộn cùng. Nhưng theo bác thì khi cháu hơn 1 tuổi mới cho ăn cháo hột, còn dưới 1 tuổi thì chỉ cho ăn bột ăn dặm ngọt thôi”, bác Phú chia sẻ.
Khi được hỏi về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan, bác Phú tỏ ra khá đồng tình. Theo bác thì vì ông bà vốn thương và chiều cháu, hay cho cháu ăn vặt và ép ăn nhiều nên dễ tăng cân hơn là khi ở với bố mẹ. Nhất là những gia đình nào ít con cháu như gia đình bác thì càng dễ nuông chiều cháu hơn.
Không phải là “con đầu cháu sớm” như gia đình bác Phú nhưng bác Hiền (53 tuổi, Thanh Xuân - Hà Nội) cũng chiều cháu nội không kém. Ngay từ những ngày đầu tiên đón hai mẹ con từ bệnh viện về, bác chăm sóc, lo lắng đến từng chút một.
Không những thế, bác còn gần như toàn quyền lo việc lên thực đơn, chọn mua thực phẩm, vệ sinh tắm rửa hàng ngày cho cháu nội nay đã hơn 1 tuổi. “Con dâu bác còn trẻ nên nuôi con lóng ngóng lắm.
Từ ngày đẻ đến giờ, đều là một tay bác tắm rửa, chuẩn bị sữa và cháo ban ngày. Chỉ đêm thì mẹ con nó tự lo thôi. Bác kỹ tính nên toàn tự tay đi chợ mua thức ăn cho cả nhà, nấu cháo và xay cháo cho cháu”, bác Hiền cho biết.
Theo như kinh nghiệm của bác Hiền chia sẻ, bác thường ưu tiên cho các loại thịt như lợn, bò, gà và củ quả để tránh cháu ăn bị lạnh bụng và ngộ độc thuốc trừ sâu: “Bác thấy trên tivi hay cảnh báo về rau phun thuốc nên hay cho cháu ăn các loại củ cho an toàn, còn cá và hải sản thì bác cũng vẫn cho cháu ăn nhưng hạn chế vì sợ trẻ con ăn mấy đồ ấy sẽ bị lạnh bụng”.
Tuy nhiên, theo bác Hiền thì gần đây, con dâu bác cũng có ý kiến về việc bà chăm cháu, rằng chỉ ăn như thế sẽ bị thiếu chất, nhất là rau xanh và chất đạm vì vậy nên bác chỉ phụ giúp hai mẹ con về khoản tắm rửa, còn ăn uống thì để con tự lo.
Khi được nghe về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan, bác Hiền cũng tỏ ra đồng tình, bác giải thích: “Thời buổi bây giờ khác ngày xưa rồi, ông bà, bố mẹ không thương con cháu thì thương ai.
Vậy nên, việc nuông chiều cháu thì nhà nào cũng có cả. Gia đình bác thì chủ trương người mềm dẻo, người nghiêm khắc nên chắc không quá lo việc cháu được chiều quá dẫn đến béo phì đâu”.
Trên thực tế, không ít gia đình lâm vào cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" vì ông bà, bố mẹ bất hòa trong việc nuôi dạy con. Trên các diễn đàn dành cho các bậc làm cha mẹ, thường xuyên có những topic của các bà mẹ than phiền về chuyện bị ông bà "lấn sân", giành quyền chăm con dẫn đến hậu quả con được nuông chiều quá đáng, hay mắc các chứng bệnh tự kỷ, béo phì...
Giải thích về điều này, nhiều ông bà cũng tự nhận lỗi về phía mình và cho rằng tuổi tác cao, những kinh nghiệm chăm trẻ tích lũy từ ngày xưa đôi khi lại không phù hợp với cuộc sống hiện đại, khiến cả gia đình nhiều khi lâm vào tình huống "dở khóc dở cười".
Bác Hòa (60 tuổi, Tây Hồ) cũng từng trải qua một quãng thời gian "lục đục" với con dâu trong chuyện chăm cháu. Vì là con đầu cháu sớm nên rất được gia đình cưng chiều, bé Bi sớm trở thành tâm điểm của cả nhà.
Bác Hòa tự nhận mình chiều cháu và luôn muốn mang đến những gì tốt nhất cho cháu, nhưng đôi khi chính bác cũng không nghĩ rằng điều này lại mang đến tác dụng ngược.
"Bác nhớ lại ngày xưa, nhìn các con ăn uống kham khổ mà đau lòng lắm. Khi có cháu, lúc nào bác cũng muốn bù đắp cho nó và sợ nó thiếu thốn. Đến bữa thì bác hay giành việc cho cháu ăn, nhiều khi cũng đút cố thêm cho cháu. Có ra ngoài đi đâu về, bác cũng nhớ mua quà bánh cho cháu đầu tiên, khi thì hộp sữa, gói bim bim.
Bé Bi trộm vía kháu ăn, bà cứ đút đến đâu là nhai tem tẻm đến đấy, khoản ăn vặt thì bác cũng thoải mái, nhiều khi hai bà cháu cứ một bát cơm, một gói bim bim cầm trên tay, đi loanh quanh nhà hàng xóm một lúc là hết. Đến khi cháu được 4 tuổi, nặng gần 25 kg, bố mẹ nó lo lắng nên cho đi khám dinh dưỡng thì bác sỹ bảo cháu có nguy cơ béo phì.
Lúc ấy bác cũng phát hoảng lên, vì bình thường thấy mọi người khen cháu mũm mĩm, mập mạp là tự hào lắm, bác cũng không ngờ là nghiêm trọng đến mức ấy.
Vậy là nguyên một tháng sau cả con dâu lẫn con trai bác cứ thi thoảng lại lôi chuyện ấy ra nói mẹ rồi có khi quay sang gắt gỏng lẫn nhau, không khí gia đình cũng nặng nề hẳn. May là nhà mới có một đứa cháu, chứ nếu có tới mấy đứa thì ngày nào nhà cũng có chuyện để cãi nhau mất!", bác Hòa kể lại.