Em sinh con đến nay đã được 9 tháng. Từ ngày sinh đến giờ, không lúc nào em thấy lòng yên ổn, thỏa mái chỉ vì có mẹ chồng quá ‘khác người’.
Chồng em là con một, hơn em 12 tuổi và từng có 1 đời vợ sống với nhau được hơn 3 năm thì chia tay mà không có con. Yêu nhau, chúng em đã trải qua rất nhiều sóng gió – gia đình ngăn cản, hàng xóm dị nghị, bạn bè cười chê, đồng nghiệp bàn ra tán vào… - chỉ vì em và anh không hợp cảnh.
Em là con gái út. Nhà chỉ có 2 anh em nên từ nhỏ đã được nuông chiều, chưa từng phải làm việc gì quá nặng cũng không phải lo chuyện tiền bạc.
Lấy anh về, cuộc sống của em thay đổi chóng mặt. Em phải học cách quán xuyến và lo toan tất cả việc nhà từ đối nội đến đối ngoại. Chuyện tiền nong trong nhà em phải cân đo, đong đếm rất chặt vì anh chỉ là nhân viên làm công ăn lương bình thường (thu nhập cả 2 vợ chồng cũng chỉ được hơn 10 triệu/tháng).
Ngoài việc lo chi tiêu ăn uống hàng ngày, tiền điện, tiền nước… mỗi tháng 2 vợ chồng còn phải trích ra một khoản để biếu mẹ chồng. Rồi có dư dả ra được đồng nào là bà lại nịnh chồng em: ‘đưa mẹ gửi tiết kiệm cho’…
Gần 1 năm, cuộc sống của 2 vợ chồng em trôi qua tạm gọi là ‘yên ấm’. Đến khi em bầu bí thì áp lực một cách ‘kinh khủng’. Từ việc em ăn gì, uống gì, đi lại ra sao… tất cả đều bị mẹ chồng quản-lý-chặt.
Thôi thì chuyện ăn uống, bà lo cho em và muốn tốt cho cháu cũng không sao nhưng cả đến chuyện đôi khi nũng chồng, 10h đêm muốn chồng xuống phố mua cho bắp ngô hay củ khoai nướng… cũng bị bà quản thì thật quá ức chế. Chỉ cần nghe em gọi: ‘Anh ơi’, là mẹ chồng em bĩu môi: ‘Lại định sai con trai tôi đây…’
Tất cả mọi sự khó chịu, vì yêu chồng và mong muốn gia đình trong ấm ngoài êm nên em đều nín nhịn. Nhưng đến khi con trai em chào đời thì ‘ác mộng’ mới thực sự bắt đầu.
Bà chăm cháu theo cách không giống ai. Thời buổi hiện đại, tã bỉm đầy ra mà bà nhất quyết không cho cháu dùng vì theo bà ‘dùng bỉm rồi hăm loét hết da ra chứ báu bở gì. Hơn nữa, con trai dùng bỉm dễ vô sinh. Cô mang tiếng tri thức mà ‘óc ngắn”.
Em có nói thì bà lu loa bảo em cãi rồi lý thuyết vớ vẩn. Thế là em phải dùng tã quấn và vải màn để thay cho con mỗi lần con ‘xì xoẹt’.
‘Ác’ nhất là việc con em mới hơn 1 tháng tuổi bà đã ‘đè cổ’ ra cho uống nước cơm. Em xót con, nói với bà đừng làm thế vì sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa. Bà lườm xéo, nhiếc: “Ngày xưa tôi cũng nuôi chồng chị thế mà bây giờ tiêu hóa có sao đâu? To cao có kém ai đâu? Chị mà không cho ăn nước cơm thì lớn lên lười ăn, lại còi cọc. Không biết bảo cho lại còn cãi”.
Em kiên quyết ‘Không’ thì bà gào toáng lên nói chồng em không biết dạy vợ, chỉ giỏi cãi mẹ. Em khổ tâm quá!
Tiêm phòng mũi thứ 2 (5 trong 1), con em bị sốt cao hơn 39 độ C. Thấy người con nóng hầm hập, em cởi bớt áo cho con và đắp khăn ấm lên trán cho bé. Thấy thế bà quát tướng lên: “Chị muốn giết con chị hay sao? Đang lạnh mà phanh hết áo thằng bé ra thế thì chết chứ còn à”.
Vừa mắng em bà vừa lấy áo mặc thêm cho cháu. Em kiên quyết không cho mặc, nói mặc nhiều áo bé sẽ càng sốt cao hơn, gây co giật thậm chí là "mất con".
Thấy em làm căng, bà vùng vằng: “Thôi thì con anh chị, sống hay chết là quyền anh chị” và bỏ ra ngoài. Em vừa pha thuốc hạ sốt cho con vừa khóc nức nở.
Đến khi nhiệt độ cơ thể con trai em đã giảm thì bà từ đâu lù lù bước đến, trên tay bê một cốc nước đen đen, vẩn đục (là giấy tiền đốt ra pha với nước lọc) và đòi cho cháu uống. Em hỏi: “nước gì thế mẹ?” – “nước thánh”, bà lạnh lùng đáp.
Đến khi con em hết sốt thì bà cười, nhận công: “Con khỏi là do bà nhanh chân xin nước thánh cho con uống đấy nhé!”. Em chỉ còn biết cười trừ.
Từ đó đến nay, chỉ cần con em húng hắng ho, cảm, sổ mũi… là bài thuốc ‘nước thánh’ của bà lại được đem ra áp dụng. Lo con sớm muộn gì cũng gặp tai họa "trời ơi" từ những bài thuốc ‘tai quái’ của bà, em bàn với chồng ra ở riêng thì anh quát em ‘điên’ và rằng nhà anh có một mẹ một con làm thế là bất hiếu. "Muốn ra ngoài sống thì ly dị đi", anh nói.
Nhiều đêm nằm nghĩ, em thấy phận mình sao mà hẩm hiu quá. Cũng chỉ vì căng thẳng với mẹ chồng mà vợ chồng em hay to tiếng, xích mích hơn. Giờ chọn con hay chọn chồng đây?