Điểm thi tại vùng dịch: Trải nghiệm khó quên

GD&TĐ - Quảng Nam là một trong số ít địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt. Các phương án điều động GV làm công tác thi, chuẩn bị trang thiết bị, tăng cường đội ngũ nhân viên y tế, phân loại thí sinh dự thi theo đợt… đều được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) đo thân nhiệt trước khi vào cổng trường thi.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) đo thân nhiệt trước khi vào cổng trường thi.

Quyết định cân não 

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Quảng Nam có 12 huyện, thành phố tổ chức thi với 7.549 thí sinh (chiếm tỉ lệ 45,7%). Gần 9.000 thí sinh ở 6 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội gồm Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình sẽ dự thi ở đợt 2. Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam chia sẻ rằng, trên thực tế, có rất nhiều tình huống phát sinh cần phải giải quyết và phải quyết định nhanh.

Chẳng hạn: 158 thí sinh của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh (TP Hội An) sẽ dự thi đợt 1 hay đợt 2? Rồi những thí sinh thường trú tại 6 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng theo học tại những địa phương tổ chức thi lần 1 có được dự thi ở đợt 1 hay không? Cán bộ, giáo viên ở 6 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chắc chắn sẽ không làm công tác coi thi ở đợt 1 thì phương án điều động, thay thế cán bộ coi thi sẽ như thế nào để vẫn bảo đảm tính khách quan, nhất là tại các huyện miền núi?

Hai ngày trước khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra , UBND tỉnh Quảng Nam  quyết định chuyển 158 thí sinh Trường Phổ thông DTNT tỉnh (TP Hội An) về dự thi tại điểm thi Trường Phổ thông DTNT huyện Nam Giang. Số HS này được kiểm tra y tế trước khi rời TP Hội An. Xe vận chuyển HS cũng được phun thuốc khử trùng.

Theo như lý giải của ông Hà Thanh Quốc: “Những học sinh đang theo học tại Trường Phổ thông DTNT Quảng Nam đều ở tập trung tại ký túc xá để ôn tập theo chương trình của nhà trường kể từ sau ngày bế giảng. Các em hầu như không ra khỏi khuôn viên của trường. Nhà trường cũng rất hạn chế việc người nhà đến thăm HS trong thời gian ôn tập. Tại Trường Phổ thông DTNT THCS Nam Giang, các em được bố trí chỗ ở, ăn uống ngay tại khu ký túc xá”.

Đây được xem là quyết định hợp lý trong điều kiện tình hình dịch Covid -19 ở Quảng Nam và Đà Nẵng có những diễn biến phức tạp, có thêm nhiều khu dân cư bị phong tỏa. “Nếu để số HS này dự thi đợt 2, các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình ôn tập khi trở về  địa phương. Thậm chí, một số em sẽ không có điều kiện để tham gia dự thi  đợt 2” – ông Quốc cho biết. 

Trên cơ sở bảo đảm an toàn cho thí sinh và tuân thủ nguyên tắc phòng dịch, Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng quyết định những thí sinh đang theo học tại các trường THPT nằm ở địa phương được tổ chức thi đợt 1 nhưng đang sinh sống ở vùng thực hiện giãn cách xã hội sẽ dự thi đợt 2. Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có 45 HS thuộc diện này, chỉ có 10 HS đang ở nhà người thân và ở ký túc xá, có xác minh rõ ràng mới bố trí dự thi đợt 1. 
 
Vừa dự thi vừa chống dịch

Trong 2 ngày tham gia dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020, buổi thi nào, Lê Anh Vy (HS Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cũng chuẩn bị thêm 2 khẩu trang dự phòng. Đến điểm thi, Vy và các bạn được đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào cổng trường thi.

Những bạn nào có thân nhiệt cao hơn bình thường do phải di chuyển trong thời tiết nắng nóng được cán bộ y tế hướng dẫn cởi áo khoác ngoài, ngồi nghỉ ở nơi thoáng mát chờ được kiểm tra lại. “Công đoạn thực hiện các bước phòng, chống dịch bệnh được tiến hành chu đáo nhưng vẫn không để thí sinh phải xếp hàng đợi quá lâu khiến chúng em rất thoải mái”, Vy chia sẻ. 

Mỗi điểm thi tại Quảng Nam đều được tăng cường thêm 1 nhân viên y tế và có sẵn  xe cấp cứu để xử lý những tình huống khẩn cấp. Hai nhân viên y tế cùng với đội thanh niên tình nguyện tại các điểm thi tham gia đo thân nhiệt, nhắc nhở, hướng dẫn thí sinh và cán bộ làm công tác thi rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang trước khi bước vào điểm thi giúp phụ huynh và HS yên tâm dự thi.

Trần Thị Hiền (HS Trường THPT Nông Sơn, Quảng Nam) kể: “Lúc đầu em nghĩ đeo khẩu trang ngồi làm bài thi trong thời tiết nắng nóng chắc sẽ khó chịu lắm. Nhưng 2 ngày thi, tập trung làm cho kịp thời gian  cũng quên luôn việc mình đang đeo khẩu trang. Đây là kỳ thi không thể nào quên của chúng em. Vừa hồi hộp, lo lắng vừa phải tuân thủ các điều kiện phòng dịch để giữ an toàn cho bản thân. Gặp lại bạn bè mà không dám tay bắt mặt mừng, chỉ chúc nhau làm bài thật tốt”. 

Bà Võ Thị Hằng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đứng cách xa khu vực thi đợi con hôm đến điểm thi nghe phổ biến quy chế thi. “Vì thời gian học quy chế thi không quá dài nên tôi đứng đợi để đón cháu luôn. Đứng đợi mà cũng phải để ý giãn cách chứ đang dịch, không dám tụ tập nói chuyện với các phụ huynh khác. Những buổi thi sau, đưa con đến điểm thi, chờ con kiểm tra lại giấy tờ, đồ dùng như thước kẻ, máy tính… xong mình về nhà chứ cũng không để các cháu tình nguyện viên nhắc nhở nhiều”, bà Hằng cho hay.

Thầy Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường PT DTNT Nam Trà My (Quảng Nam), Trưởng điểm thi Trường THPT Núi Thành cho biết: Đây là vùng có nguy cơ cao chứ không phải là vùng dịch nên không quá áp lực. Mình làm tốt phòng chống dịch ban đầu, chuẩn bị  các phương án, động viên thí sinh cũng như đội ngũ giáo viên làm công tác coi thi, phục vụ thi, mọi việc trở nên nhẹ nhàng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.