Đồng tâm, nhất trí và quyết tâm cao
Ô Môn là quận vùng ven của TP Cần Thơ. Khi mới chia tách quận (năm 2004), cơ sở vật chất trường lớp còn gặp nhiều khó khăn. Thời điểm đó quận có 17 trường tiểu học, trong đó chỉ có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (tỷ lệ 11,8%). Nhằm đáp ứng yêu cầu vị thế là một quận của TP Cần Thơ, ngay từ rất sớm, quận Ô Môn bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng dạy và học.
Trước hết, Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường tiểu học xây dựng kế hoạch phát triển trường học đạt mức chất lượng tối thiểu và trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2. Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (Trưởng ban là Trưởng Phòng GD&ĐT, có phân công cụ thể từng thành viên phụ trách các tiêu chuẩn).
Tiến hành tổng hợp số liệu, phân tích tình hình thực hiện của các trường để xây dựng và điều chỉnh lập kế hoạch xây dựng và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia. Trên cơ sở đó, báo cáo UBND quận, Sở GD&ĐT kết quả thực hiện và dự kiến những trường đạt chuẩn quốc gia hoặc mức chất lượng tối thiểu cho những năm tiếp theo và chỉ đạo các trường thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch...
Đối với các trường tiểu học, tổ chức thực hiện chủ đề theo từng năm học. Tăng cường xây dựng và phát triển nhà trường để đề nghị công nhận hoặc công nhận lại đạt chuẩn ở mức cao hơn. Tổ chức quán triệt yêu cầu của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, HS. Trên cơ sở quy chế trường đạt chuẩn và kế hoạch chung của quận, tất cả các trường tổ chức khảo sát thực trạng từng tiêu chí trong các tiêu chuẩn và đánh giá mức độ đã đạt, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện. Đối với những trường đã đạt chuẩn thì tiếp tục xây dựng kế hoạch để kiểm tra công nhận lại hoặc kế hoạch nâng chuẩn lên mức độ 2…
Huy động toàn lực xây trường chuẩn
Theo ông Võ Công Tuấn - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ô Môn: Quá trình xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là công tác giải phóng mặt bằng chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng trường chuẩn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học hiệu quả chưa cao do thiếu giáo viên dạy Tin học. Công tác lưu trữ hồ sơ, cách thực hiện hồ sơ quản lý, chuyên môn… tốn nhiều công sức và kinh phí, kéo dài thời gian kiểm tra.
Để giải quyết những khó khăn đó, Phòng GD&ĐT quận Ô Môn đã tiến hành nâng cao chất lượng, sắp xếp lại đội ngũ để đảm bảo tỷ lệ, chất lượng theo quy định. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên các trường nằm trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Điều chuyển hoặc giải quyết chính sách cho các trường hợp chưa đạt chuẩn, tay nghề yếu kém. Khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên tự học bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Tiếp theo là, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường trong danh mục đăng ký đạt chuẩn, tái chuẩn và nâng chuẩn mức độ 2. Tham mưu đề xuất xóa các điểm lẻ không đảm bảo chất lượng. Phối hợp các ban, ngành đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tranh thủ tốt các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục trên địa bàn…
Sau nhiều nỗ lực, đến cuối năm học 2017 - 2018, quận Ô Môn có 19 trường tiểu học; tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 17/19 trường (tỷ lệ 89,47%); trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tổng số trường được đánh giá ngoài và đạt cấp độ 3 là 14/19 trường (tỷ lệ 73,68%). Nhờ thực hiện tốt công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của quận. Năm học 2017 - 2018, HS tiểu học của quận đạt phẩm chất với tỷ lệ 99,94%; HS đạt năng lực 99,91%; HS hoàn thành chương trình lớp học tỷ lệ 99,91%; HS hoàn thành chương trình tiểu học tỷ lệ 100%; không có HS bỏ học.