Điểm "nóng" Mường Lát: Quan tâm đặc biệt an ninh, an toàn cho học sinh

GD&TĐ - Từ nhiều năm qua, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) được coi là điểm “nóng” về ma túy nơi vùng biên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh.

Học sinh Trường THPT Mường Lát.
Học sinh Trường THPT Mường Lát.

Thượng tá Gia Nọ Pó - Phó Trưởng Công an huyện Mường Lát cho biết: Tuy không phải là địa bàn “nóng” về an ninh trật tự nhưng Mường Lát luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi tội phạm ma túy diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các trường học và HS. 

Nhằm nâng cao nhận thức cho HS về những tác hại và hiểm họa khôn lường của ma túy, HIV/AIDS, thời gian qua huyện Mường Lát đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy xâm nhập học đường.

Một trong những giải pháp được huyện Mường Lát triển khai, đó là thành lập được các mô hình, câu lạc bộ phòng chống ma túy từ huyện đến cơ sở, trong đó đoàn thanh niên đóng vai trò nòng cốt tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm về tác hại của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các biện pháp phòng ngừa.

Nhiều địa phương trong huyện hình thành phong trào, mô hình tự quản về an ninh trật tự, giao lại sự kiểm soát, vai trò trách nhiệm cho khối đoàn thể địa phương. Ngoài ra, thông điệp “Bảo vệ thế hệ trẻ tránh xa hiểm họa ma túy, HIV/AIDS” cũng được huyện Mường Lát đưa vào kế hoạch hàng năm để tuyên truyền công tác phòng chống tác hại ma túy đối với HS.

Thầy Trần Anh Văn - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát chia sẻ: Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, nhà trường đã xây dựng, ban hành các quy định về phòng, chống tệ nạn ma túy, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, đưa nội dung quy định này vào tiêu chí đánh giá thi đua, đánh giá hạnh kiểm, rèn luyện của HS.

Nhà trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho HS; kiểm tra, xét nghiệm sử dụng ma túy ngẫu nhiên, xét nghiệm đột xuất khi cần thiết đối với các trường hợp HS có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy; tổ chức cho HS ký cam kết không liên quan đến tệ nạn ma túy, có xác nhận phối hợp quản lý của gia đình theo từng năm học. 

Đồng thời, mở “Hòm thư cứu bạn”, tiếp nhận, xử lý các thông tin có liên quan đến công tác phòng, chống tệ nạn ma túy của nhà trường từ phía HS, cán bộ, giáo viên và nhân dân; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện để thầy, trò tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tránh xa ma túy và các tệ nạn xã hội khác... 

Thầy Trần Anh Văn cũng bày tỏ lo lắng về sự an toàn của HS sau giờ học trên lớp, khi các em ở nội trú tại khu nhà HS bên cạnh trường. Sau nhiều năm sử dụng, hiện nay nhiều hạng mục của công trình này đã xuống cấp, nền nhà bong tróc, trần nhà bị thủng, hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể chứa nước bị hỏng không thể sử dụng được. 

Khu nhà không có tường rào, nhà trường cũng không có kinh phí thuê bảo vệ. Vì thế, thanh niên bên ngoài trường thường xuyên vào khu nhà trêu ghẹo, gây gổ với các em sống ở đây, ảnh hưởng an ninh trật tự. Đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về tội phạm ma túy. 

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Là địa bàn trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa cũng như cả nước, việc nâng cao chất lượng giáo dục và bảo đảm an ninh, an toàn trường học đã được chính quyền quan tâm và tiếp tục cần được quan tâm đặc biệt trong thời gian tới.

Đề nghị ngành GD-ĐT Mường Lát rà soát, cập nhật các chỉ đạo mới của cấp trên, của Bộ GD&ĐT để thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn trường học, giáo dục toàn diện cho HS; phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm ma túy cũng như nâng cao đạo đức nhà giáo trong toàn ngành GD-ĐT Mường Lát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn và Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) phối hợp tổ chức chương trình 'Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT – Khối 10'.