Điểm nóng hạt nhân

GD&TĐ -Một trong những nơi gây lo ngại nhất trong cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay là nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đang có chuyến thị sát tại đây và kết luận tình hình hiện tại ở nhà máy này là không thể xử lý được.

Báo cáo kết quả khảo sát thực địa nhà máy hạt nhân ở miền Nam Ukraine do IAEA công bố dài 50 trang, trong đó cơ quan này kêu gọi các bên phải thiết lập một khu vực an toàn và an ninh xung quanh nhà máy, để ngăn chặn một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào và tái hiện bóng ma hạt nhân Chernobyl năm xưa.

Theo các quan chức IAEA, trong khi cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa biết đến khi nào mới chấm dứt, nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia cần phải được tái thiết lập các điều kiện ổn định cũng như các biện pháp tạm thời khẩn cấp, để ngăn chặn sự cố hạt nhân phát sinh do phương tiện quân sự của các bên gây ra.

Ngay thời điểm nhóm thanh sát viên IAEA có mặt tại nhà máy trong tuần này, họ đã phải chứng kiến liên tiếp các cuộc pháo kích ở khu vực lân cận trong suốt những ngày qua. Các quả đạn pháo đã rơi xuống khu vực nằm gần một tòa nhà chứa nhiên liệu hạt nhân và một cơ sở lưu trữ chất thải phóng xạ, đồng thời gây ra các đám cháy rừng bên ngoài nhà máy.

Do đó IAEA kêu gọi các bên dừng lại các hành động pháo kích trong khu vực và vùng lân cận ngay lập tức để tránh gây ra nguy cơ thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, điều này hiện rất khó thực hiện vì cần sự đồng ý của tất cả các bên liên quan là Nga và Ukraine về việc thiết lập khu vực bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân xung quanh Zaporizhzhia.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có quy mô lớn nhất châu Âu hiện nay. Công trình này nằm trên đất Ukraine, nhưng sớm nằm trong tầm kiểm soát của Nga ngay khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Kể từ đó, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga và các binh sĩ chuyên trách liên tục canh gác chặt địa điểm này, trong khi các nhân viên người Ukraine bên trong nhà máy vẫn tiếp tục thực hiện công việc của mình như bình thường.

Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn với khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình. Tầm quan trọng của nhà máy Zaporizhzhia khiến nơi này nhanh chóng trở thành điểm nóng xung đột, khi cả phía Nga lẫn phía Ukraine đều tố cáo nhau pháo kích và có ý định cố tình gây ra thảm họa hạt nhân.

Sau chuyến thanh sát của IAEA tới nhà máy, Tổng Giám đốc tổ chức này là Rafael Grossi cùng 13 thanh sát viên ngày 8/9 cho biết, IAEA đang tìm cách có thể thiết lập sự hiện diện thường xuyên tại Zaporizhzhia, nhằm đảm bảo nó không trở thành mục tiêu tấn công dẫn tới một thảm họa hạt nhân.

Trong khi đó, Nga cảnh báo nếu một vụ tai nạn hạt nhân xảy ra do pháo kích tại nhà máy Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, thì chất thải phóng xạ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, Ba Lan và Slovakia. Hiện trách nhiệm về các vụ pháo kích thì cả Nga và Ukraine vẫn đang cáo buộc lẫn nhau gây ra.

Theo các chuyên gia, khả năng xảy ra tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này sẽ là một viễn cảnh đáng sợ đối với Ukraine, một quốc gia vẫn còn sống với những vết sẹo của thảm họa Chernobyl năm 1986. Do lo ngại về kịch bản tồi tệ này, chính quyền địa phương Zaporizhzhia đang phát các viên i-ốt và dạy người dân cách sử dụng chúng trong trường hợp rò rỉ phóng xạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.