“Điểm nhấn” chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thạc sĩ Lê Hoàng Trung, cho biết: Điểm nhấn đầu tiên là Vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo, chúng tôi rất đồng tình. Cụ thể là Điều 65 và 66 trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã nêu rõ vị trí, vai trò và tiêu chuẩn của nhà giáo.

Cụ thể là Nhà giáo có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh, đóng vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhà nước có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình.

Nhà giáo có những tiêu chuẩn sau đây: Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt; Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và chuẩn nghề nghiệp theo quy định; Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; Lý lịch bản thân rõ ràng.

Về cán bộ quản lý giáo dục Dự thảo Luật đã nêu đầy đủ, chi tiết và cụ thể, chúng tôi hoàn toàn đồng tình.

Về Chính sách đối với nhà giáo, Dự thảo Luật có nêu cụ thể: “Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ làm việc của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục; tiêu chuẩn người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục; tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo, trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo”.

Chúng tôi đồng ý với dự thảo này, vì hiện nay vấn đề tuyển dụng, phân bổ, sử dụng lao động trong ngành giáo dục cần rõ ràng, đặc biệt là đối với cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Vấn đề Chính sách lương và phụ cấp đối với nhà giáo, Dự thảo Luật quy định: “Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” là hoàn toàn hợp lý. Vì khi nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp sẽ tạo được động lực để nhà giáo chuyên tâm hơn trong giáo dục.

Vấn đề Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, chúng tôi hoàn toàn tán thành, vì nhà giáo cần được bồi dưỡng để nâng cao hiệu quả giảng dạy, công tác trong ngành giáo dục, đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Vấn đề Chính sách tôn vinh, khen thưởng, chính sách tôn vinh, khen thưởng nhà giáo tuân thủ theo Luật Thi đua - Khen thưởng và Luật Giáo dục cùng với sự động viên, khuyến khích về chính sách, thưởng theo quy định. Nghề giáo là nghề đặc biệt, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước nên nhà giáo cần được quan tâm, tôn vinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ