Điểm mới trong đề tham khảo môn Giáo dục công dân

GD&TĐ - Thầy Trương Văn Minh, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) lưu ý ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân từ đề tham khảo năm 2024.

Thầy Trương Văn Minh trong giờ dạy Giáo dục công dân.
Thầy Trương Văn Minh trong giờ dạy Giáo dục công dân.

Điểm mới trong đề tham khảo

Theo thầy Trương Văn Minh, đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân năm 2024 cơ bản vẫn giữ sự ổn định so với những năm trước về cấu trúc đề, tỷ lệ, mức độ nhận thức. Trong đó có 50% cấp độ nhận biết, 25% cấp độ thông hiểu, 15% cấp độ vận dụng và 10% cấp độ vận dụng cao.

Đối với kiến thức lớp 11 trong đề toàn bộ tập trung vào học kỳ 1; gồm 4 câu hỏi chiếm 10% bài thi, rơi vào các bài: 1, 5 (cấp độ nhận biết), bài 2, 3 (cấp độ thông hiểu).

Kiến thức lớp 12 phủ quát toàn bộ cả học kỳ 1 và học kỳ 2; cụ thể có 19 câu hỏi rơi vào các bài học ở học kỳ 1 và 17 câu ở học kỳ 2; không có câu hỏi nào vào phần giảm tải).

Điểm mới là trong đề tham khảo năm nay xuất hiện 2 câu hỏi mới dạng đúng/sai, gồm câu 105 (cấp độ thông hiểu) và câu 119 (cấp độ vận dụng cao).

Đối với 2 câu này, học sinh phải đọc kỹ và phân tích từng tình huống trong câu hỏi. Tuy nhiên cũng không phải khó khăn nếu học sinh biết cách làm bài. Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu đề thi chính thức, giáo viên, học sinh cần nghiên cứu, phân tích cả đề tham khảo, xem như một tài liệu quan trọng, góp phần định hướng hoạt động dạy-học.

“Nhìn chung, đề tham khảo cơ bản đáp ứng được mục tiêu kép, đó là xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để các trường đại học làm căn cứ xét tuyển. Nếu học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, hoàn toàn có thể đạt từ 8 điểm trở lên”, thầy Trương Văn Minh nhận định.

Lưu ý ôn tập, làm bài thi từ đề tham khảo

Chia sẻ về định hướng ôn tập, thầy Trương Văn Minh lưu ý: Câu hỏi ở cấp độ nhận biết bám sát kiến thức trong sách giáo khoa. Để làm tốt câu hỏi ở cấp độ này, học sinh cần ghi nhớ, nắm chắc hệ thống từ khóa của từng đơn vị kiến thức. Trong quá trình làm bài thi, học sinh đối chiếu với nội dung của câu hỏi sẽ dễ dàng tìm ra đáp án đúng.

Với câu hỏi ở cấp độ thông hiểu, đề tham khảo phần lớn tập trung vào kiến thức ở lớp 12, chỉ có 2 câu hỏi lớp 11 bài 2 và bài 3; xoay quanh các vấn đề như: Thực hiện pháp luật, Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, Công dân với quyền tự do cơ bản, Công dân với các quyền dân chủ, Pháp luật với sự phát triển của công dân.

Vì vậy, trong quá trình dạy và học, ngoài cung cấp kiến thức cơ bản, học sinh cần lấy được ví dụ trong thực tiễn để phân biệt, nắm vững bản chất của những đơn vị kiến thức. Từ đó, các em có thể phân loại, xác định chính xác các hành vi phù hợp của câu hỏi ở cấp độ này.

Đối với đa số học sinh, các câu hỏi ở mức độ thông hiểu không khó, nhưng các em cần đọc kỹ để tránh nhầm lẫn giữa các phương án trả lời, chú ý dạng câu hỏi là khẳng định hay phủ định.

Với 2 câu hỏi mới dạng câu hỏi phát biểu đúng sai, học sinh nên đọc câu hỏi trước, sau đó đọc thông tin và tình huống sau. Cũng giống như làm câu hỏi tình huống của dạng câu hỏi nhiều đáp án lựa chọn, sau mỗi tình huống, học sinh nên dừng lại để phân tích tình huống với lệnh hỏi, đọc đến đâu phân tích đến đó để tránh thông tin nhiễu và phải đọc lại tình huống nhiều lần.

Câu vận dụng cao thông thường tập trung vào các nội dung chủ yếu: Các loại trách nhiệm pháp lý, các quyền tự do cơ bản của công dân, quyền bình đẳng của công dân, quyền khiếu nại và tố cáo… Trong đó có 1 câu là câu hỏi dạng “hỏi kép”.

Đa số tình huống được diễn đạt logic, tường minh và phù hợp với diễn biến tâm lý, hành vi của nhân vật. Nội dung của tình huống và hành vi của nhân vật tuy phong phú nhưng vẫn bám sát vào kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.

Vì vậy, để có kiến thức khi làm câu hỏi vận dụng cao, đòi hỏi học sinh phải có sự hiểu biết chắc chắn nội dung kiến thức sách giáo khoa, có sự phân tích, so sánh, liên hệ với đời sống.

“Nhìn chung với cấu trúc này, giáo viên cần có kế hoạch điều chỉnh nội dung ôn tập cho học sinh, tăng cường các nội dung cơ bản. Cần điều chỉnh thời lượng ôn tập sao cho tương xứng với tỷ lệ các cấp độ nhận thức; tăng cường các câu hỏi nhận biết và thông hiểu”, Trương Văn Minh lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ