Những kỹ năng giúp làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT Giáo dục công dân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường THCS - THPT Phenikaa chia sẻ những lưu ý đối với thí sinh để làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân.

Cô Nguyễn Thị Thu hướng dẫn học sinh trong giờ Giáo dục công dân.
Cô Nguyễn Thị Thu hướng dẫn học sinh trong giờ Giáo dục công dân.

Học hiểu, vững kiến thức cơ bản

Theo cô Nguyễn Thị Thu, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân. Đây là cơ sở để học sinh bám sát “ma trận” đề tham khảo, ôn tập một cách hiệu quả và đúng trọng tâm nhất.

Nhìn vào “ma trận” này, chúng ta có thể thấy nội dung thi chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12 chiếm 90%, (36/40 câu); còn lại là chương trình lớp 11 chiếm 10% (4/40 câu).

Kiến thức lớp 11 tập trung toàn bộ của học kỳ 1 lớp 11 ( bài 1, 2, 3, 4, 5) và lớp 12 kiến thức đã phủ quát cả kỳ 1 và kỳ 2.

Vì vậy, cô Nguyễn Thị Thu lưu ý, khi ôn tập học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản, trọng tâm trong sách giáo khoa (kỹ năng nhớ, tái hiện kiến thức đã học). Các em nên học hiểu vấn đề, không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm hay định nghĩa.

Cùng với đó, việc tập trung ôn luyện và phân bố thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý là rất quan trọng. Ngoài ra, tập trung ôn luyện các dạng đề bám sát vào đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT.

“Có khả năng đề thi tốt nghiệp THPT chính thức độ khó sẽ cao hơn, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc, sâu và vận dụng tốt kiến thức. Do đó, các em không nên lơ là, chủ quan mà tăng cường thêm việc làm các đề thi tham khảo, giải các bộ đề để vừa ôn tập lại kiến thức vừa rèn luyện kỹ năng làm bài”, cô Nguyễn Thị Thu nhắc nhở.

Học sinh Trường THCS - THPT Phenikaa trong giờ Giáo dục công dân.

Học sinh Trường THCS - THPT Phenikaa trong giờ Giáo dục công dân.

Một số lưu ý khi làm bài

Đưa ra một số lưu ý khi làm bài, cô Nguyễn Thị Thu cho rằng, đầu tiên học sinh cần căn giờ hợp lý cho các câu hỏi, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau. Khi hoàn thành thì phải kiểm tra bài làm thật kỹ. Đặc biệt, khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh phải điền hết đáp án các câu hỏi, tuyệt đối không để trống, kể cả những câu khó nhất.

Với bài thi trắc nghiệm, cần chú ý kỹ năng xác định từ khóa và nắm chắc từ khóa trong câu hỏi; có thể dùng phương pháp loại trừ đáp án.

Những câu hỏi dễ, học sinh đọc kỹ câu hỏi và đáp án trước khi điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Đối với câu hỏi khó, tức là những dạng câu hỏi tình huống, nên đọc kỹ đề bài nhiều lần đến khi hiểu và gạch chân dưới các từ khóa, dùng phương pháp loại trừ; từ đó, đối chiếu với các đáp án để đưa ra lựa chọn chính xác nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ