Điểm cầu Olympia Thái Bình vỡ òa trong niềm vui chiến thắng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cảm xúc vui mừng bùng nổ tại điểm cầu Thái Bình khi Đặng Lê Nguyên Vũ xuất sắc trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2022.

Cô trò Trường THPT Bắc Duyên Hà vui mừng khi Đặng Lê Nguyên Vũ giành vòng nguyệt quế.
Cô trò Trường THPT Bắc Duyên Hà vui mừng khi Đặng Lê Nguyên Vũ giành vòng nguyệt quế.

Là thầy giáo dạy Tin học của Nguyên Vũ suốt 3 năm THPT, thầy Phạm Trung Kiên đã rơi nước mắt vào giây phút học trò của mình trả lời đúng ở câu cuối cùng.

“Không chỉ là kiến thức, hiểu biết mà còn là sự tự tin, bản lĩnh. Nguyên Vũ đã quá xuất sắc. Chúng tôi tự hào về em”. Thầy Phạm Trung Kiên chia sẻ trong niềm vui vỡ òa.

Từ sáng sớm, thầy Phạm Trung Kiên và đồng nghiệp, học trò đã có mặt tại Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn để cổ vũ cho nhà leo núi Đặng Lê Nguyên Vũ. Thầy Kiên cho biết dành niềm tin rất lớn vào Vũ bởi hiểu rõ bản lĩnh, kiến thức, sự hiểu biết của học trò.

Trong không khí gay cấn đến giây phút cuối cùng của trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia, thầy Kiên và đồng nghiệp chia sẻ 2 lần “đứng tim”; đó là khi đối thủ Nguyên Sơn bứt lên giành vị trí dẫn đầu và giây phút Nguyên Vũ giành quyền trả lời từ Đình Tùng.

Niềm vui vỡ òa tại điểm cầu Thái Bình.

“Không thể diễn tả được niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm tự hào khi Vũ trả lời đúng và lội ngược dòng ngoạn mục, trở thành quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22.

Khi Vũ đem được cầu truyền hình về Thái Bình, chúng tôi đã rất hạnh phúc, rất tự hào; nhưng giây phút em giành chiến thắng, cảm xúc còn tuyệt vời hơn rất nhiều lần.” - thầy Phạm Trung Kiên chia sẻ.

Nói về học trò của mình, thầy Kiên nhận định Vũ là một trong số ít những học sinh thực sự xuất sắc mà mình đã dạy.

“Dù điểm đầu vào chỉ đạt ở lớp A2, nhưng trong quá trình học, Nguyên Vũ đã bứt phá rất mạnh. Trường có đề đạt em chuyển sang lớp A1 - lớp nguồn đội tuyển học sinh giỏi và lớp đầu khối khoa học tự nhiên - nhưng Vũ vẫn muốn tiếp tục học với thầy cô, bạn bè ở A2. Vũ không chỉ có kiến thức tốt mà còn khiêm tốn, chăm chỉ, luôn tự mình học hỏi.” - thầy Phạm Trung Kiên nói về học trò của mình.

Theo dõi vòng chung kết tại điểm cầu truyền hình Thái Bình, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thái Bình chia sẻ hồi hộp đến thót tim, rồi đến bùng nổ, vỡ òa cảm xúc, tự hào với màn thể hiện không thể xuất sắc hơn của Nguyên Vũ.

“Chúng tôi cổ vũ cho cả 4 nhà leo núi, nhưng cũng đặt nhiều hy vọng vào Vũ do em có sự tự tin vốn có, sự chuẩn bị chu đáo và sự cổ vũ, động viên nhiệt tình của bạn bè, thầy cô, người thân, gia đình.” - ông Nguyễn Viết Huy cho hay.

Đến cổ vũ cho đàn anh, Nguyễn Khánh Minh Anh, học sinh lớp 10A5, Trường THPT Bắc Duyên Hà và các bạn khản giọng vì reo hò trong niềm vui chiến thắng.

“Chúng em đã cháy hết mình. Mỗi lần anh Vũ trả lời, cảm xúc của em từ lo lắng, hồi hộp chuyển sang vui sướng, tự hào. Giây phút anh Nguyên Vũ giành quyền trả lời câu hỏi cuối, em đã cầu mong anh trả lời đúng để Thái Bình có được vòng nguyệt quế đầu tiên. Cuối cùng, anh Vũ đã làm được, không gì có thể tuyệt vời hơn.” - Minh Anh bày tỏ cảm xúc.

Giống Minh Anh, nhiều học sinh đến cổ vũ cho Đặng Lê Nguyên Vũ đều thể hiện cảm xúc vui sướng, tự hào. Nhiều học sinh chia sẻ, Nguyên Vũ đã truyền cảm hứng về sự nỗ lực, tự tin, không bao giờ từ bỏ để đến với thành công.

Đường lên đỉnh Olympia 2022 khép lại với giải thưởng 40.000 USD thuộc về thí sinh Đặng Lê Nguyên Vũ, học sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà (Thái Bình).

Thí sinh Nguyên Sơn - Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam giải nhì với giải thưởng 100 triệu đồng.

Hai giải ba thuộc về Bùi Anh Đức - Trường THPT chuyên Sơn La (Sơn La), Vũ Bùi Đình Tùng - Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) với giải thưởng 50 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ