Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM phân loại tốt thí sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phổ điểm kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia TPHCM năm nay không có sự khác biệt đáng kể so với kỳ thi đợt 1 năm ngoái.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: INT
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: INT

Chuyên gia tuyển sinh dự báo điểm chuẩn phương thức xét điểm kỳ thi này không nhiều biến động.

Thuận lợi cho công tác xét tuyển

Ngày 15/4, Đại học Quốc gia TPHCM công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 với hơn 93.800 bài thi của thí sinh. Với thang điểm 1.200, thí sinh có điểm thi cao nhất là 1.076 điểm và điểm thi thấp nhất là 203 điểm.

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, điểm trung bình của thí sinh là 643,4 điểm. Đánh giá phổ điểm của đợt thi này, ông Chính nhận định: “Phân bố điểm thi đợt 1 năm 2024 có dạng gần với phân bố chuẩn tự nhiên. Dải điểm trải rộng thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao, thuận lợi cho công tác xét tuyển”.

So sánh kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1 năm nay với năm 2023, có thể thấy một số biến động trong từng khoảng điểm. Năm nay, số lượng thí sinh dự thi đông hơn năm ngoái khoảng 5.800 em nhưng số đạt điểm cao trên 1.000 điểm lại thấp hơn. Cụ thể, với 93.828 bài thi, năm nay có 80 thí sinh đạt trên 1.000 điểm. Trong khi đó, năm 2023, với 88.052 bài thi, có 152 thí sinh trên 1.000 điểm.

Với mức điểm cận dưới 1.000 điểm, số thí sinh đạt được của năm nay thấp hơn năm ngoái. Cụ thể, đợt 1 năm 2023 có tới 1.852 thí sinh đạt từ 901 điểm trở lên; con số này của năm nay là 1.435 thí sinh, thấp hơn khoảng 400 bài. Với khoảng điểm 801 trở lên, tổng số thí sinh đạt được trong năm nay là 8.550, ít hơn năm ngoái 200 thí sinh.

Từ mốc điểm trên 700, xu hướng thay đổi khi số lượng thí sinh đạt được năm nay cao hơn năm ngoái. Đợt 1 năm nay trên 28.200 bài thi đạt từ 701 điểm trở lên, trong khi đợt 1 năm ngoái là 25.800. Số bài thi đạt mức điểm từ trên trung bình trở lên (601 điểm trở lên) cũng tăng so với năm ngoái.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, kết quả phân tích cho thấy độ khó của đề thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 phù hợp với độ khó theo thiết kế cấu trúc đề thi. Đa số câu hỏi đề thi có độ phân biệt tốt và rất tốt. Điều này giúp phân loại thí sinh và kết quả thi phù hợp mục đích tuyển sinh.

Ông Chính cho rằng, nhìn tổng thể, phân bố điểm thi đợt 1 năm 2024 có dạng gần với năm 2023 nên có thể nói, điểm thi đánh giá năng lực năm nay không nhiều biến động so với năm ngoái về mặt thống kê. Số lượng thí sinh ở một số khoảng điểm có thể cao hoặc thấp hơn, nhưng tổng thể dạng phổ điểm vẫn trùng so với năm ngoái.

Năm nay, điểm trung bình của thí sinh là 643,4 điểm; không chênh lệch nhiều so với điểm trung bình của năm ngoái là 639,2. Mức điểm trung bình này biến động không đáng kể so với hai năm trước đó (năm 2022 điểm trung bình 646,1; năm 2021 là 688 điểm).

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM nhận định, với phổ điểm kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, điểm chuẩn vào các trường đại học theo phương thức xét điểm kỳ thi này sẽ không nhiều biến động so với năm ngoái. Theo ông Sơn, năm nay, số lượng thí sinh dự thi đánh giá năng lực tăng so với năm ngoái, số chỉ tiêu của các trường cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực cũng tăng theo.

“Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, mức điểm an toàn cho thí sinh là từ 600 - 750 điểm. Cụ thể, với các ngành lĩnh vực kỹ thuật, mức an toàn là 650 - 670, riêng ngành Công nghệ thực phẩm cao hơn một chút, khoảng 700 điểm. Với các ngành lĩnh vực kinh tế, du lịch, luật, mức an toàn từ 670 - 750, các ngành còn lại là 600 “, ông Sơn nhận định.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 7/4. Ảnh: VNUHCM

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 7/4. Ảnh: VNUHCM

Cân nhắc thấu đáo khi muốn cải thiện kết quả

Giành được 650 điểm thi đánh giá năng lực đợt 1, Phan Quốc Cường (thí sinh ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) chưa thể yên tâm với nguyện vọng vào một số ngành Công nghệ, kỹ thuật (cơ điện tử, nhiệt, chế tạo máy) của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Cường cho biết, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực các ngành này nhiều năm dao động 670 - 700.

“Em lo điểm chuẩn năm nay sẽ tăng nên đang tính phương án thi đánh giá năng lực đợt 2”, nam sinh nói. Giống như Cường, sau khi nhận được kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1, nhiều thí sinh cho biết, kết quả chưa như ý muốn và muốn đăng ký thi lần 2 để cải thiện kết quả.

TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố trước khi đăng ký thi đánh giá năng lực thêm một lần nữa. Thứ nhất, cần căn cứ vào năng lực bản thân so với mức điểm kỳ vọng. Thứ hai, thí sinh nên so sánh mức điểm đạt được ở đợt 1 với điểm chuẩn các ngành, trường mình mong muốn xét tuyển.

Nếu mức độ chênh lệch lớn (điểm đạt được cao hơn điểm chuẩn các năm), thí sinh có thể yên tâm, không cần thi thêm đợt nữa. Tuy nhiên, nếu khoảng cách này không lớn, các em cần cân nhắc thi lần 2 để đạt kết quả cao hơn. “Thí sinh đạt được 900 điểm mà điểm chuẩn năm ngoái của ngành mong muốn vào là 750 thì có thể yên tâm. Tuy nhiên, nếu thi được 800 điểm mà điểm chuẩn năm ngoái là 790 thì khoảng cách này không an toàn”, TS Chính nêu ví dụ.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Chính, dù có đăng ký thi thêm đợt 2, thí sinh cũng không cần phải luyện thi, ôn thi cấp tốc, bởi bản chất kỳ thi này là đánh giá tư duy, năng lực của thí sinh, không yêu cầu ghi nhớ kiến thức máy móc. Quá trình chuẩn bị cho kỳ thi cần nhẹ nhàng, dài hơi. Thí sinh cần rèn luyện khả năng đọc hiểu, tư duy logic, cập nhật kiến thức xã hội.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 được Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức vào sáng 2/6 tại các địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang và dự kiến tại Cà Mau. Thí sinh đăng ký dự thi đợt 2 từ ngày 16/4 - 7/5 và đăng ký xét tuyển từ ngày 16/4 đến hết ngày 16/5.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.