Vì sao Kỳ thi đánh giá năng lực 'hút' thí sinh?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng “hút” thí sinh.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức sáng 7/4. Ảnh: ITN
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức sáng 7/4. Ảnh: ITN

Các chuyên gia nhìn nhận, đây là xu hướng tất yếu khi cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong tuyển sinh và thí sinh mong muốn vào ngành, trường học có mức cạnh tranh cao.

Số lượng “kỷ lục”

Gần 94.000 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, năm 2024 do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 7/4 là số lượng “kỷ lục”, đông nhất kể từ năm 2018 khi kỳ thi lần đầu được tổ chức. So với đợt 1 của năm 2023, đợt thi này tăng khoảng 5 nghìn thí sinh.

TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất, với gần 40 nghìn em, tiếp đến là Bình Định với hơn 5.400 thí sinh, Đồng Nai với trên 4.800 thí sinh, Đà Nẵng với gần 4.600 thí sinh. Dự kiến, điểm thi đợt 1 sẽ được công bố vào ngày 15/4.

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, kết quả kỳ thi được hơn 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy. Điều này cho thấy, các cơ sở đào tạo và thí sinh ngày càng tin tưởng vào chất lượng của kỳ thi. Năm nay, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh dành tối thiểu 45% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức thi đánh giá năng lực.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, từ ngày 16/4 - 7/5, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 2. Dự kiến, ngày 2/6 đợt 2 của kỳ thi sẽ diễn ra tại 12 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang và An Giang. Tương tự mọi năm, thí sinh có thể tham gia thi cả 2 đợt. Kết quả đợt thi nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển.

Năm 2024, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực, đáp ứng khoảng 84 nghìn lượt thí sinh đăng ký. Các đợt thi sẽ diễn ra từ ngày 23/3 - 2/6. Trong 2 ngày 6 - 7/4, đợt 2 của kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức tại 12 điểm thi, với hơn 18 nghìn thí sinh dự thi. Đây là tỷ lệ thí sinh dự thi cao nhất từ trước đến nay. Nhiều điểm thi có đủ 100% thí sinh đến thi.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội), kỳ thi đánh giá năng lực được thiết kế theo định hướng chuẩn hóa từ công tác ra đề, tổ chức thi đến chứng nhận kết quả. Do vậy, thí sinh tham gia bất kỳ đợt thi, ở tỉnh, địa điểm nào đều có kết quả công nhận như nhau.

Đặc biệt, tham gia kỳ thi, thí sinh có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học năm 2025 nếu như các trường đó tiếp tục sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực. Đây là một trong những lý do khiến số thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực đông hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 7/4.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 7/4.

Thêm cơ hội

Năm 2024, thí sinh đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm, hai đợt thi sẽ cách nhau tối thiểu 28 ngày, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin và cho biết, bài thi đánh giá năng lực thực hiện trên máy tính. Thí sinh có thể biết điểm ngay sau khi làm bài. Đa phần trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực nhận hồ sơ theo tổng số điểm bài thi.

Tuy nhiên, một số trường có thể thêm yêu cầu như điểm bài thi phần Khoa học (phần 3) phải đạt được ngưỡng nhất định. Do đó, thí sinh cố gắng làm tất cả câu hỏi, dù thế mạnh của mình có thể là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Là một trong những trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực làm phương thức xét tuyển đầu vào, TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) nhìn nhận, bản chất các kỳ thi đánh giá năng lực không chú trọng vào khả năng ghi nhớ, mà tập trung nhiều về khả năng áp dụng kiến thức. Do đó, kỳ thi góp phần đánh giá kiến thức tổng quan, hiểu biết của thí sinh ở các mặt, hạn chế việc học tủ.

Kết quả của kỳ thi cũng tạo thêm cho thí sinh cơ hội vào ngành, trường học yêu thích. “Tôi cho rằng, đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh tự chủ đại học như hiện nay. Ở nước ngoài, các kỳ thi đánh giá năng lực đã làm từ lâu nên không còn xa lạ”, TS Nguyễn Vũ Quỳnh bày tỏ và cho biết, Trường ĐH Lạc Hồng là cơ sở đào tạo đa ngành, bao gồm các khối kỹ thuật, ngôn ngữ và kinh tế… Do đó, việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực nhằm tìm kiếm thí sinh phù hợp.

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) nhìn nhận, hiện có nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của các cơ sở giáo dục đại học uy tín tổ chức.

Qua nghiên cứu đề thi và theo dõi nhiều năm nay cho thấy, kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy có sự chuẩn hóa cao, độ phân hóa tốt, tính ổn định và uy tín càng ngày càng củng cố. Các bài thi này phân loại thí sinh tốt hơn so với các phương thức xét tuyển học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do vậy, nhà trường định hướng sẽ sử dụng tối đa kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực trong xét tuyển.

Đứng trên phương diện thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, tổ chức kỳ thi riêng sẽ tạo thêm cơ hội cho thí sinh xét tuyển vào cơ sở giáo dục đại học. Nếu thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các ngành có tính cạnh tranh cao thì nên lựa chọn tham gia 1 hoặc 2 kỳ thi riêng.

Thí sinh không cần tham gia nhiều kỳ thi vì đa số cơ sở giáo dục đại học vẫn sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét đầu vào. Nhìn từ phía cơ sở đào tạo, tổ chức kỳ thi riêng vì một số ngành có tính cạnh tranh cao cần có thước đo đánh giá độ tin cậy cao hơn, phù hợp với yêu cầu của đơn vị.

Thứ trưởng nhấn mạnh, vài năm tới sẽ không có quá nhiều kỳ thi và xu hướng nở rộ các kỳ thi riêng cũng sẽ không xảy ra. Bởi khi các trường thực hiện sẽ phải tính đến tính hiệu quả trong công tác tổ chức cũng như xét tuyển. Định hướng của Bộ là các trường nên thống nhất và dừng lại ở một vài kỳ thi, kết quả đó thí sinh có thể xét tuyển vào nhiều trường.

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2023 có hơn 546.600 thí sinh trúng tuyển đã nhập học tại các cơ sở đào tạo trên cả nước, đạt tỷ lệ 82,45% tổng chỉ tiêu; trong đó, số thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chiếm 2,57%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ