Dịch "siêu sốt rét" đã lan tới Việt Nam

GD&TĐ - Các nhà khoa học cảnh báo, dịch "siêu sốt rét" do một loại vi khuẩn sốt rét có khả năng kháng thuốc đang lây lan nhanh chóng ở khu vực Đông Nam Á có thể tạo ra mối đe dọa toàn cầu.

Muỗi Anophen gây bệnh sốt rét
Muỗi Anophen gây bệnh sốt rét

Theo các nhà khoa học, loại vi khuẩn sốt rét mới này xuất hiện ở Campuchia, lây lan qua nhiều khu vực ở Thái-lan, Lào và đã bắt đầu xâm nhập vào miền nam Việt Nam. Các loại thuốc điều trị sốt rét chính hiện nay không có khả năng tiêu diệt loại vi khuẩn sốt rét mới này.

Nhóm nghiên cứu Y khoa Nhiệt đới Oxford ở Bangkok đánh giá, điều nguy hiểm nhất của dịch sốt rét này là nó đang dần trở nên không thể điều trị được. Giáo sư Arjen Dondorp, Trưởng nhóm nghiên cứu, nói: "Tôi nghĩ rằng đây là một mối đe dọa nghiêm trọng. Điều đáng báo động là chủng vi khuẩn này lây lan nhanh chóng qua cả một khu vực rộng lớn và chúng tôi lo ngại rằng nó có thể lan rộng hơn và có thể vươn tới cả châu Phi".

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Các Dịch bệnh Lây nhiễm Lancet, các nhà nghiên cứu đã công bố những thông tin chi tiết về sự "tiến triển đáng sợ gần đây" cho thấy các loại vi khuẩn đang dần có khả năng kháng thuốc artemisinin.

Mỗi năm, có khoảng 212 triệu người mắc bệnh sốt rét do lây nhiễm môt loại ký sinh trùng được phát tán bởi các loại muỗi hút máu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ.

Phác đồ điều trị sốt rét được lựa chọn đầu tiên thường là sử dụng artemisinin kết hợp với piperaquine. Nhưng trong khi artemisinin đang dần trở nên thiếu hiệu quả, ký sinh trùng cũng đã bắt đầu có khả năng kháng cả piperaquine.

GS Dondrop cho biết việc tỷ lệ các ca điều trị thất bại đã lên tới một phần ba ở Việt Nam, trong khi tại một số khu vực ở Campuchia, tỷ lệ này đã lên tới gần 60%. Việc vi khuẩn kháng thuốc có thể tạo ra thảm họa ở châu Phi, nơi chiếm tới 92% số ca mắc bệnh sốt rét trên toàn thế giới.

Hiện đang có một nỗ lực để loại bỏ dịch sốt rét ở khu vực tiểu vùng sông Mekong trước khi đã quá muộn. GS Dondrop nói: "Đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Chúng tôi phải loại bỏ dịch sốt rét trước khi nó trở nên không thể điều trị nổi. Khi đó sẽ có rất nhiều ca tử vong".

Còn ông Michael Chew từ quỹ nghiên cứu y khoa Wellcome Trust, nói: "Sự lây lan của chủng "siêu vi khuẩn" sốt rét có khả năng chống lại các loại thuốc mà chúng ta hiện có, là một hồi chuông báo động và có tác động lớn tới sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 700.000 người chết vì các vi khuẩn kháng thuốc, trong đó có cả sốt rét. Nếu chúng ta không làm gì, con số này sẽ tăng lên thành một triệu ca tử vong vì kháng thuốc vào năm 2050".

Theo NDĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.