Lên phương án đón đầu dịch bệnh

GD&TĐ - Đến hẹn lại lên, thời tiết mùa Thu Đông luôn đi kèm với dịch bệnh. Theo nhận định của Bộ Y tế, năm nay, dịch bệnh diễn biến bất thường do sốt xuất huyết và virus Zika xuất hiện ở nhiều nước. Bên cạnh đó, cúm mùa, cúm gia cầm đang chờ thời cơ tái xuất.

Lên phương án đón đầu dịch bệnh

Dịch bệnh chờ cơ hội bùng phát

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Hiện nhiều loại bệnh truyền nhiễm như Zika, sốt xuất huyết... đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Điển hình nhất là Zika đã có mặt ở 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại khu vực Đông Nam Á, dịch đã khiến 342 người dân Singapore và 200 người dân Thái Lan mắc bệnh. Việt Nam cũng đã ghi nhận 3 trường hợp dương tính với virus Zika.

Đồng hành với Zika, sốt xuất huyết cũng đang tăng mạnh ở nhiều nước thuộc khu vực thuộc Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh. Không nằm ngoài quy luật trên, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 72.372 trường hợp phải nhập viện điều trị vì sốt xuất huyết. Dịch bệnh đang lưu hành trên diện rộng tại 10 tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực các tỉnh Nam Bộ. Tại Khánh Hòa, trong các tháng gần đây, mỗi tháng bình quân Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh tiếp nhận khoảng 100 ca sốt xuất huyết nhập viện, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Các bác sĩ bệnh viện này cảnh báo khả năng bùng phát dịch nếu người dân chính quyền địa phương tiếp tục chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngoài các biện pháp phòng dịch thông thường, cũng cần phát hiện chùm ca bệnh đầu tiên để khống chế, khoanh vùng, giảm lây lan.

Ngoài hai bệnh truyền nhiễm trên, những bệnh cũ như cúm mùa, cúm gia cầm, tay chân miệng cũng đang chờ cơ hội tái xuất. Trong những bệnh này, ổ dịch cúm A/H1N1 đang tồn tại ở Kiên Giang khiến hơn 100 công nhân mắc. Còn các loại cúm trên gia cầm thường xảy ra vào thời điểm cuối năm, nguy cơ lây sang người rất cao. Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dịch bệnh ngày một nhiều do gia tăng sự giao lưu đi lại, đô thị hóa mạnh mẽ, biến đổi khí hậu toàn cầu hiện tượng El Nino, gia tăng kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh, chu kỳ dịch, vệ sinh môi trường (dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước) người dân chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh và khó khăn về kinh phí…

Chủ quan, bệnh nhẹ có thể gây chết người

Đặc điểm nổi trội của nước vùng nhiệt đới là dịch bệnh theo chu kỳ, đến hẹn lại lên. Dịch bệnh mùa này chưa hết, dịch bệnh mùa khác lại kéo đến. Sống ở đâu phải quen ở đó, người dân phải luôn trong tình trạng chủ động đối phó bởi dịch có thể đến bất cứ lúc nào.

Theo ông Phu, dịch bệnh, dù nặng hay nhẹ nhưng nếu chủ quan đến có thể để lại biến chứng nặng hoặc gây chết người. Căn bệnh thông thường như cúm, thường tự đến rồi tự đi nhưng mỗi năm cũng lấy đi sinh mạng của không ít người. Một thực trạng đáng lo ngại nữa là hiện nay, nhiều dịch bệnh tưởng chừng như đã được thanh toán hoặc rất ít xuất hiện tại nước ta nhiều năm qua thì giờ lại tái xuất, gia tăng, điển hình như bệnh sốt rét kháng thuốc, sởi, bạch hầu… Thời gian qua, có rất nhiều bệnh nhân mắc nhiều bệnh cùng lúc, nhiễm trùng nặng trên nền bệnh có sẵn, kháng thuốc khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình trên, Cục Y tế Dự phòng đã triển khai tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân để chủ động phòng chống dịch, chủ động tiêm vắc xin cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng, tăng cường giám sát phát hiện điểm nguy cơ, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch. Để nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán, điều trị, Bộ yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở qua hệ thống hội chẩn trực tuyến để kịp thời cứu chữa những ca bệnh nặng; Mở các lớp đào tạo liên tục hồi sức cấp cứu nhiễm khuẩn, bệnh truyền nhiễm, cập nhật những chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh dịch khác. Các Sở Y tế có biên giới với những nước có dịch bạch hầu đang lưu hành cần tổ chức tập huấn lại phương pháp phát hiện sớm những loại bệnh ít gặp như bạch hầu, ho gà...

- Các đơn vị của Bộ cần có những phân tích, đánh giá và nghiên cứu cụ thể tình trạng kháng kháng sinh xảy ra đối với bệnh sốt rét; tăng cường các biện pháp phòng chống những loại bệnh ngoại nhập như Zika... có thể tràn vào Việt Nam qua đường bộ, đường thủy và đường hàng không; Tập trung phòng chống các bệnh cúm mùa và cúm gia cầm thường xảy ra vào cuối năm.

- Sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh đang xảy ra tại các địa phương cả về nhân sự, phương tiện, thiết bị phục vụ chuyên môn và vật tư hóa chất…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.