Dịch lở mồm long móng xuất hiện trên đàn lợn hơn 200 con tại 3 hộ dân ở thôn Hiệu Lực cách đây hơn 1 tháng nhưng hộ nào "cũng ngại" thông báo vì đàn lợn đang ở ngưỡng xuất chuồng.
Đàn lợn nhà ông Chung sau chữa trị đã có thể đứng dậy đi lại. |
Ông Chu Văn Chung - một trong 3 hộ có đàn lợn mắc bệnh lở mồm long móng ở thôn Hiệu Lực phân bua: “Đã nhận lỗi với xã và huyện rồi. Khó cái là lấy cám ở công ty nào cũng có cán bộ thú y, người ta về tư vấn cho phác đồ điều trị mấy hôm sau gia đình nghĩ đúng là phải báo thú y địa phương. Nhưng cái khó là đã nhờ người ta giúp mà lại báo thú y đến lúc đó lại mất lòng. Tôi nghĩ ngại quá nên đành phải giấu”.
Phun thuốc khử trùng các phương tiện qua trạm kiểm dịch. |
Chị Nguyễn Thị Chung cho biết, đàn lợn ở nhà mắc bệnh cách đây gần 1 tháng nhưng chỉ đầu tuần này mới thông báo cho chính quyền địa phương và hợp tác với cán bộ thú y cơ sở để kiểm soát dịch.
Chị Chung biện hộ lý do đưa ra là có thể tự chữa trị cho đàn lợn mắc bệnh: “Em chăn nuôi khá lâu rồi, mình tự mua thuốc về chữa trị. Bệnh lở mồm long móng phức tạp thì có phức tạp nhưng nếu biết cách thì nó lại đơn giản vì tỷ lệ chết không cao, có thể chữa khỏi được. Bây giờ mình được biết rồi không có lý nào lại không báo khi lợn mắc bệnh, ví dụ như lợn mắc bệnh nặng thì báo thú y cơ sở về hỗ trợ giúp tẩy uế, khử trùng môi trường và bảo toàn đàn lợn cho mình”.
Theo ông Bùi Văn Thắng, Trưởng thú y xã Tản Lĩnh, trên địa bàn hiện có 14 thôn chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ. Việc các hộ dân giấu dịch khiến công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn trong khoanh vùng và khống chế dịch: “Mới làm biên bản sơ bộ kiểm tra xác minh, đầu tuần này người ta mới đồng ý cho vào chuồng để kiểm tra còn mấy hôm trước người ta không hợp tác với lý do bận việc này việc khác. Điều này ảnh hưởng đến việc thống kê tổng đàn lợn mắc bệnh để báo cáo với cấp trên cùng khống chế, dập dịch”
Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cho biết, dịch lở mồm long móng đã cơ bản được khống chế và khoanh vùng dưới sự giám sát chính quyền địa phương và cơ quan thú y chuyên môn.
Xã cũng đã thành lập chốt kiểm dịch kiểm soát động vật và các sản phẩm động vật ra vào vùng dịch.
Thông tin thêm về tình trạng xác lợn chết được người dân vứt ra bãi rác Xuân Sơn rẽ vào thôn Hiệu Lực từ giữa tháng 12, ông Quân cho biết: “Chúng tôi thành lập cả tổ cơ động đi mật phục để xử lý nhưng chưa bắt được vụ nào, họ toàn tranh thủ buổi đêm kéo xe lôi vứt ra đấy. Chiều hôm nay đi họp huyện không thấy gì nhưng sáng hôm sau lại thấy 2, 3 con vứt ra đấy. Địa bàn giáp ranh, đường đi thuận lợi, xe lôi chớp nhoáng qua đấy trút xuống rồi đi luôn”.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Đài TNVN đã trao đổi với ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc có hay không tình trạng giấu dịch lở mồm long móng xảy ra tại huyện Ba Vì, ông Đông cho biết chỉ đến khi cơ quan báo chí thông tin về dịch xảy ra một số huyện như: Ba Vì, Đan Phượng, Cục mới nắm được tình hình, đồng thời Cục đã cử 2 đoàn công tác đi thực tế địa phương để chỉ đạo và đôn đốc việc giám sát và phòng chống dịch nếu địa phương làm không đúng sẽ yêu cầu làm đúng theo quy định của pháp luật.
“Không báo cáo, từ thông tin của báo chí chúng tôi đề nghị phải báo cáo, thì vừa rồi họ mới báo cáo. Nguyên tắc phải báo cáo và phải gửi mẫu cho Cục Thú y, các phòng thí nghiệm của cơ quan thẩm quyền để xét nghiệm. Cục đã chấn chỉnh việc và chính quyền đã cam kết khắc phục ngay”, ông Đông cho hay.
Dịch lở mồm long móng ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội có thể được ngăn chặn và khống chế kịp thời ngay sau khi xuất hiện nếu người chăn nuôi sớm thông báo cho chính quyền và cơ quan thú y.
Để dịch kéo dài và lây lan như hiện nay không chỉ làm khó việc phòng, chống dịch mà đàn lợn của nhiều gia đình đến thời kỳ xuất chuồng đang phải chờ dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển mua bán lợn trong vùng dịch.
Trong phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm, vấn đề quan trọng nhất là "phòng là chính", đừng để "mất bỏ mới lo làm chuồng".