Giấu thông tin?
Theo ghi nhận, từ đầu tháng 12/2018, nhiều khu vực tại huyện Bình Lục (Hà Nam) đã xuất hiện xác lợn chết vứt bên bờ mương, kênh, bãi rác bốc mùi hôi thối. Bà Nguyễn Tâm, một nông dân ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục cho hay, gia đình từng nuôi khá nhiều lợn nhưng qua lần mất giá năm 2016 đã phải bán bớt đàn và giảm đầu nái để cố cầm cự.
Tuy nhiên, đợt dịch LMLM xảy ra vào khoảng giữa tháng 12 vừa rồi đã khiến gia đình bà trắng tay. “Đợt dịch lần này rất nguy hiểm và khó lường, dù chúng tôi đã dùng mọi loại thuốc để chữa trị nhưng cũng phải chịu thua vì dịch bệnh quá mạnh, bà con nghi ngờ dịch bệnh lần này có điều bất thường nên mới ác liệt và khó chữa đến thế”, bà Tâm nói.
Theo khảo sát của phóng viên, trong ngày 3/1, giá lợn hơi tại miền Nam và miền Trung có nhiều nơi giảm từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg. Toàn miền, giá lợn hơi đang được giao dịch từ 47.000 đồng/kg đến 53.000 đồng/kg. Trong khi đó, miền Bắc đang giữ xu hướng ổn định hơn. Theo dự báo của Cục Thú y, từ nay đến Tết Nguyên đán, do dịch LMLM bùng phát lẻ tẻ, cơ bản được khống chế nên giá thịt lợn sẽ ổn định, không có sự gia tăng đột biến.
Cùng cảnh ngộ, nhiều hộ dân ở Ba Vì, Thường Tín (Hà Nội) cũng đang chịu thiệt hại do LMLM. Hộ bà Hồ Thị Bảy ở thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) bị nặng nhất khi hơn 70 con lợn đang chờ ngày xuất chuồng bị dịch bệnh. Điều bà Bảy và bà con ở Ba Vì bức xúc là dù dịch bùng phát, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi nhưng phía chính quyền địa phương không có động thái gì giúp nông dân. “Lợn của nông dân chết bệnh từng ngày mà thú y không hỏi han gì. Tôi phải tự mua thuốc sát trùng về phun chuồng trại và mua thuốc điều trị cho lợn nhưng cũng lực bất tòng tâm”, bà Bảy ngậm ngùi.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, ông Trần Đình Thiện cho biết, dịch LMLM đã được phát hiện ở nhiều xã ngày nay. Lãnh đạo xã đã báo và phối hợp với cán bộ thú y huyện cùng các cơ quan liên quan về kiểm tra, rà soát dịch bệnh trên toàn địa bàn. Cán bộ thú y xã, huyện đã vận động và hướng dẫn bà con tiêu hủy lợn bị bệnh theo đúng quy định. Đồng thời, xã cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi trên địa bàn “bán chạy” đàn lợn thương phẩm không bị bệnh đủ tuổi xuất chuồng để hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát bán lợn dịch ra thị trường.
Xác lợn chết bị vứt ra nơi công cộng |
Trách nhiệm thuộc về đâu?
Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, từ đầu tháng 12/2018 đến nay, dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh...), tổng số gia súc mắc bệnh là 2.388 con, chủ yếu là lợn thịt (2.372 con) mắc bệnh do chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM.
Tính đến ngày 1/1, cả nước có 24 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Ông Long cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến bùng phát dịch, trong đó chủ yếu là do hệ thống thú y địa phương chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời và chưa báo cáo đầy đủ. Đặc biệt, quy định về công bố dịch rất rõ ràng, khi có dịch bệnh, người dân phải thông báo với thú y và địa phương nhưng thực tế việc nhận thức phối hợp của người dân chưa được tốt.
Ngày 6/12/2018 khi có thông tin dịch bệnh, Cục Thú y đã thành lập Đoàn kiểm tra xuống kiểm tra tại các địa phương ở Hà Nội và đề nghị địa phương báo cáo ngay. Tuy nhiên sau đó đến ngày 21/12/2018, địa phương mới gửi báo cáo cho Cục Thú y và số liệu giống hệt báo cáo trước đó. Tình trạng trên diễn ra tượng tự ở tỉnh Hòa Bình, Cục Thú y phải gửi nhiều văn bản cho người đứng đầu Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình thì địa phương này mới có báo cáo gửi Cục và con số theo báo cáo thì các ổ dịch tăng lên rất nhiều (10 ổ dịch).
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, ngay từ ngày 6/12/2018, khi nắm được thông tin dịch bệnh xảy ra tại Ba Vì (Hà Nội) và người dân đã vứt xác 5 con lợn chết ra bãi rác, Cục đã lên kiểm tra. Ngày 29/12/2018, Bộ NN&PTNT đã thành lập Đoàn công tác, hướng dẫn, đôn đốc và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM.
Trong suốt thời gian Tết Dương lịch, Cục cũng liên tục cử các đoàn đi về các địa phương chỉ đạo chống dịch. Qua kiểm tra cho thấy, công tác thông tin tuyên truyền cho người dân chưa đầy đủ, nên người dân tưởng không được hỗ trợ nên không khai báo dịch bệnh. Trên thực tế, giá hỗ trợ tiêu hủy đối với 1 kg lợn hơi hiện là 38.000 đồng, nhưng do giá lợn đang cao (42.000 - 45.000 đồng/kg), nên người dân đã bán thay vì khai báo để tiêu hủy theo quy định.