Theo đó, các ngành được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải thỏa mãn tất cả các tiêu chí theo quy định của Bộ. Một trong những tiêu chí quan trọng trong văn bản này là có chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành. Nếu trong trường có ngành mà chương trình đào tạo chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng, ngành đó chỉ được tăng chỉ tiêu không quá 10% so với năm liền kề.
Các ngành đào tạo có chương trình đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng được xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo, phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền. Nếu không bảo đảm quy định nêu trên, trường đại học không được tăng chỉ tiêu so với năm trước liền kề, trừ trường hợp là ngành mới mở, ngành đã có chương trình được kiểm định, và các ngành đào tạo ưu tiên thuộc nhóm ngành du lịch, ngành khách sạn, nhà hàng/máy tính và công nghệ thông tin.
Việc đưa ra những chế tài nghiêm khắc trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh liên quan đến kiểm định chất lượng được xem là một trong những biện pháp cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo. Bởi, tuyển sinh là một chỉ số, quá trình đào tạo là một chỉ số nhưng quan trọng nhất, căn cơ và bài bản phải là các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Thực tế cho thấy, hiện đa số cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng bộ phận tổ chức bảo đảm chất lượng bên trong. Tuy nhiên, thực tế hoạt động và cách tiếp cận vẫn còn có khác biệt. Hội nghị về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học công bố số liệu cho thấy cả nước có 251/268 cơ sở giáo dục đã hoàn thành tự đánh giá, vẫn còn khoảng 20 trường chưa làm. Trong số hoàn thành tự đánh giá chỉ có 121 cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.
Về kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, chỉ mới có 144 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong số hàng nghìn chương trình đào tạo. Số lượng chương trình chưa đạt chuẩn kiểm định khá cao nhưng nhiều trường vẫn xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo, năm sau cao hơn năm trước, vì nguồn thu học phí của mình. Chỉ riêng tiêu chí đội ngũ, có trường đã kê khai rất nhiều giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có đủ, tới lúc tuyển được sinh viên, mới đi ký hợp đồng với giảng viên.
Để bảo đảm chất lượng đào tạo, Khoản 5 Điều 33, Luật Giáo dục đại học đã quy định: Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của luật này. Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học, không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Trong ba năm qua, Bộ GD&ĐT đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm chất lượng. Việc tiếp tục siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh đối với các chương trình chưa đạt chuẩn kiểm định không chỉ là thực hiện đúng quy định pháp luật, mà còn là vấn đề hết sức cốt lõi trong nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm sự tồn vong của trường đại học trong cạnh tranh và hội nhập. Quan trọng hơn, đây là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm quyền lợi người học, sinh viên tốt nghiệp có việc làm, thể hiện trách nhiệm với xã hội của nhà trường.