Dịch cúm A/H7N9 áp sát các tỉnh giáp biên giới

Dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang có nguy cơ bùng phát thành đợt dịch mới. Số ca mắc có xu hướng lan rộng từ các tỉnh phía Bắc xuống các tỉnh phía Nam - gần biên giới Việt Nam.

Dịch cúm A/H7N9 áp sát các tỉnh giáp biên giới

Trong cuộc họp ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm trên người chiều 28/1 tại Bộ Y tế, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, cho biết hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca nào mắc cúm A/H7N9. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, 3 tuần đầu của tháng 1 đã có 16 ca mắc cúm A/H7N9, 3 ca tử vong. Bệnh ghi nhận nhiều nhất vào các tháng 1-4, tỷ lệ tử vong khoảng 40%.

Các ca bệnh có xu hướng lan rộng từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh phía Nam Trung Quốc, gần biên giới Việt Nam. Như tỉnh Quảng Đông - nơi người Việt Nam sang du lịch, làm ăn buôn bán rất lớn, đã ghi nhận 111 ca mắc. Có một khách du lịch Canada từ Trung Quốc về nước đang nghi ngờ mắc cúm A/H7N9.

“Một vấn đề cần lưu ý là xét nghiệm hơn 600.000 mẫu bệnh phẩm trên gia cầm tại Trung Quốc, nhưng chỉ phát hiện 53 mẫu dương tính. Số lượng mẫu xét nghiệm rất lớn nhưng số dương tính không cao, vì thế rất khó để phát hiện được nguồn bệnh”, tiến sĩ Phu nhấn mạnh.

giacam1-4684-1422433390.jpg

Tiêu thụ gia cầm thường tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, nên nguy cơ mắc các chủng cúm gia cầm, trong đó có A/H7N9 là rất lớn. Ảnh: N.Phương.

Theo tiến sĩ Phu, Trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm Mỹ nhận định nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm gia cầm vào Việt Nam ở mức trung bình, tuy nhiên nếu không kiểm soát chặt việc nhập lậu gia cầm thì nguy cơ là rất lớn.

Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm A/H5N1 cũng đe dọa xuất hiện khi mà chủng virus vẫn lưu hành rộng khắp trên gia cầm. Đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, nhiều chủng cúm mới xuất hiện. Ngoài ra thời tiết bất lợi, thất thường làm giảm sức đề kháng của gia cầm; hoạt động giết mổ vận chuyển gia cầm gia tăng vào dip Tết; nhiều đàn gia cầm hết miễn dịch hoặc nuôi mới; hoạt động nhập lậu gia cầm chưa được ngăn chặn tuyệt đối...

Để tăng cường phòng chống cúm gia cầm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng; không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính từ ca mắc cúm A/H7N9  đầu tiên vào năm 2013 đến nay, thế giới ghi nhận 486 trường hợp mắc; 185 người tử vong. WHO nhận định năm 2015 có nhiều nguy cơ ghi nhận thêm trường hợp mắc chủng cúm này vào mùa đông - xuân và có thể dẫn tới đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ ba.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...